Menu

Cuộc gặp mặt cảm động của các cựu HLV, VĐV CLB Bắn súng Xuân Mai

Cuộc gặp mặt cảm động của các cựu HLV, VĐV CLB Bắn súng Xuân Mai

06 Tháng Mười Hai 2010

Cuộc gặp mặt cảm động của các cựu HLV, VĐV CLB Bắn súng Xuân Mai

Trải qua hơn nửa thế kỷ phong trào Bắn súng Việt Nam đã phát triển không ngừng, phục vụ tích cực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành quả đó có sự đóng góp xây dựng ban đầu của trường bắn Xuân Mai, đó là cái nôi của Bắn súng Việt Nam, xây dựng lực lượng đào tạo cán bộ, HLV, VĐV Bắn súng trước đây và ngày nay. Trung tâm HLTTQG Hà Nội hiện thời chính là nơi được chuyển giao, kế thừa đào tạo các thế hệ, cán bộ, HLV, VĐV quốc gia đã và đang làm nhiệm vụ quốc gia và quốc tế.

Nói đến trường bắn Xuân Mai, dấu mốc mà không ai có thể quên chính là tháng 12/1959 khi Ban Thể thao Trung ương đã ký quyết định thành lập trường bắn và người có công đầu trong việc xin cấp đất và chỉ đạo xây dựng trường bắn là đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng thể thao quốc phòng Ban Thể dục thể thao trung ương. Ban đầu, trường bắn Xuân Mai chỉ có 2 HLV kiêm lãnh đạo là Nguyễn Anh Tuấn và Ngô Mai Xuân. Những VĐV đến đó tập luyện đầu tiên là đội tuyển đi thi bắn súng ở Mông Cổ trở về. Đến năm 1960 - 1961 mới có trường bắn xây dựng tại Xuân Mai và mời được 2 chuyên gia Liên Xô sang giúp công tác huấn luyện Bắn súng là ông Kalinhisenko (súng ngắn) và ông Gubarep (súng trường).

Buổi gặp mặt diễn ra trong bầu không khí ấm áp
(Ảnh: NTH)

Sau 5 năm ổn định đi vào hoạt động, số lượng VĐV tập huấn tại trường bắn cũng ngày càng tăng lên cả về chất và lượng. Năm 1966, vụ Thể thao quốc phòng có triệu tập thêm 20 VĐV Bắn súng của các tỉnh, thành, ngành, lên trường bắn Xuân Mai để tập huấn và tham gia thi đấu Ganefo Châu Á ở Campuchia. Kết quả, tại Đại hội này, đội tuyển Bắn súng Việt Nam đã đạt được 13 huy chương (2 HCV, 8 HCB, 3 HCĐ) trong đó nổi bật phải kể đến thành tích của xạ thủ Trần Oanh - HCV cá nhân.

Các năm 1967 - 1970, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hàng ngày máy bay Mỹ bắn phá khắp nơi trong cả nước. CLB Bắn súng trung ương Xuân Mai vẫn tổ chức được các cuộc thi đấu và mở các lớp tập huấn, đào tạo HLV Bắn súng thể thao ở ngoại ô thành phố Hà Nội và Thái Bình, làm nòng cốt phát triển phong trào tập luyện Bắn súng toàn miền Bắc, hàng triệu người tập Bắn súng để tham gia chiến đấu góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Giải thể, chuyển giao và rồi lại được tái lập, năm 1979 một trường bắn đơn giản do đồng chí Phạm Lượng làm Giám đốc đã được thành lập để đội tuyển Bắn súng Việt Nam tập luyện, chuẩn bị cho Đại hội Olympic Matxcơva năm 1980. Trải qua 3 lần xây dựng, cải tạo và mở rộng quy mô nay đã trở thành trường bắn súng thể thao hiện bậc nhất ĐNA. Và điều đáng mừng là đã có không ít các HLV, VĐV trưởng thành lên từ trường bắn này và đóng góp không nhỏ sức lực cho thành công của TTVN trên con đường hội nhập khu vực và châu lục. Tiêu biểu phải kể đến như: Ngô Ngân Hà, Nguyễn Tấn Nam, Phạm Cao Sơn, Đào Minh Tâm, Đặng Thị Đông, Nguyễn Mạnh Tường...

Nửa thế kỷ trôi qua, các cán bộ, HLV, VĐV CLB Bắn súng Xuân Mai hầu hết đã chuyển công tác đi khắp nơi làm các ngành, nghề khác nhau ở tỉnh, thành phố trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có những người đã "sang thế giới bên kia" như: Trần Oanh, Hồ Xuân Kỷ, Ngô Mai Xuân, Hoàng Bính, Mai Thích... nhưng có một điều chăc chắn, mỗi khi nhắc đến trường bắn Xuân Mai, nhắc đến Bắn súng Việt Nam những người ở lại sẽ luôn nhớ đến những con người này, những cống hiến của những người được coi như "tượng đài" của Bắn súng Việt Nam về thành tích cũng như phẩm chất nghề nghiệp sẽ là tấm gương cho các thế hệ sau phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, góp phần đưa TTVN tiến xa hơn nữa.

Xuân Nhi

 

Print

Số lượt xem (2983)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.