Menu

Đặc sắc các môn thể thao dân tộc trong dịp Lễ hội đầu xuân tại Lào Cai

Đặc sắc các môn thể thao dân tộc trong dịp Lễ hội đầu xuân tại Lào Cai

22 Tháng Hai 2012

Đặc sắc các môn thể thao dân tộc trong dịp Lễ hội đầu xuân tại Lào Cai

Cuộc thi Đẩy gậy tại Lễ hội Gầu Tào xã Tả Giaàh Phình (Sa Pa - Lào Cai) (Ảnh: MP)
 Tại Lào Cai, nhiều môn thể thao dân tộc đã được tổ chức ở các địa phương và trong lễ hội đầu năm như Lễ hội xuống đồng ở Tả Van (Sa Pa), lễ hội Gầu Tào xã Tả Giàng Phình (Sa Pa); lễ hội Lồng Tồng xã Xuân Giao, lễ hội Trầu Sun (lễ hội cầu mùa) của đồng bào Dao đỏ thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng); Lễ hội đền Phúc Khánh (Bảo Yên); Lễ hội Gầu Tào xã Thải Giàng Phố, Lễ hội Say Sán tại thôn Dì Thàng, xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà), Lễ hội Đền Ken tại xã Chiềng Ken (Văn Bàn); lễ hội Đền Thượng (Lào Cai) v.v… thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ.

Ngày đầu xuân, chúng tôi may mắn được hòa mình trong lễ hội xuống đồng Tả Van (Sa Pa), được tham gia các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc cùng bà con nhân dân nơi đây như: Thi leo cột, Thi bịt mắt bắt dê, Đi cầu tre qua suối, Ném còn, Đu quay, Đẩy gậy, Kéo co… đặc biệt là môn thể thao Ném còn thu hút đông đảo từ thanh niên trai tráng, phụ nữ, người già và ngay cả trẻ nhỏ đều háo hức tham gia.

Trò chuyện cùng chị Tần Seo Mẩy, xã Tả Van, chị phấn khởi cho biết: "Du xuân cùng với các lễ hội truyền thống, mình rất thích được tham gia chơi các môn thể thao dân tộc, đặc biệt là Ném còn. Những quả còn tung lên không chỉ mang theo ước muốn của ngày xuân mà còn rèn luyện sự khéo léo mới tung được quả còn trúng đích”.

Đến với Lễ hội Gầu Tào xã Thải Giàng Phố, Lễ hội Say Sán tại thôn Dì Thàng, xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà), mọi người không thể quên được hình ảnh người dân đứng vòng trong vòng ngoài cổ vũ cho cuộc Kéo co, thi đấu Vật hay những bước chạy trên Cà kheo thật khéo léo. Rồi Lễ hội đền Phúc Khánh (Bảo Yên); lễ hội Đền Thượng (Lào Cai)…và nhiều lễ hội khác đã trở thành sân chơi để các môn thể thao dân tộc được lưu giữ, phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Nếu như môn Cờ tướng thể hiện sự thông minh, tài trí; Đẩy gậy thể hiện sức mạnh, thì Bắn nỏ là môn thể thao nhằm nhắc lại sự đấu tranh sinh tồn của tổ tiên. Bên cạnh những môn mang tính cá nhân, những cuộc so tài đấu sức tại những lễ hội còn biểu hiện cho sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết cộng đồng như môn thi Kéo co, Cướp cờ…

Có thể khẳng định, các bộ môn thể thao dân tộc không chỉ là cuộc vui thuần túy ngày xuân mà còn rèn luyện thể chất, thể hiện tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh tập thể. Đồng thời, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong cộng đồng dân cư. Chính vì các môn thể thao dân tộc chỉ diễn ra nhiều vào các lễ hội nên quy mô và cách thức tổ chức cũng như kế hoạch tuyển chọn và tạo phong trào thường xuyên ở cơ sở mới chỉ được quan tâm ở cấp xã, cấp huyện. Các địa phương cũng mong muốn tỉnh thường xuyên tổ chức giải cho các môn thể thao dân tộc có tầm cỡ và tiến hành từ cơ sở, đồng thời hướng dẫn cơ sở về cách thức tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ trọng tài v.v…

Ngoài việc giữ gìn và phát triển môn thể thao truyền thống của dân tộc, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc tại các lễ hội vừa là sân chơi hấp dẫn đầu xuân cho bà con nhân dân; đồng thời là cơ hội để rèn luyện thể lực và nhân cách sống cho các thanh thiếu niên trong vùng. Đây cũng là nơi lựa chọn các VĐV có năng khiếu để bồi dưỡng, đào tạo tham gia các giải thi đấu trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. 

M.Phượng

Print

Số lượt xem (1829)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.