|
Tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (Ảnh: Y Trang) |
Không nhiều bất ngờ
Vấn đề nhân sự đại hội không thực sự nóng, khi các vị trí chủ chốt không có nhiều ứng cử viên. Chính vì thế, ở vị trí Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng – quyền Chủ tịch VFF khóa 6 đã trúng cử với 60/62 phiếu bầu, đạt tỷ lệ 96,77%. Ông Lê Hùng Dũng cũng là ứng viên duy nhất cho vị trí này. Chiếc ghế thứ 2 cũng nhận được sự quan tâm lớn là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ, sau khi ông Lê Văn Thành – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Động Lực đã xin rút, chỉ còn lại 1 ứng viên là ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL). Không nằm ngoài dự đoán, "bầu" Đức đã trúng cử với 60/62 phiếu đồng ý, đạt tỷ lệ 96,77%.
Vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn thuộc về ông Trần Quốc Tuấn – Tổng cục TDTT với 60/62 phiếu đồng ý, đạt tỷ lệ 96,77%. Trong bộ máy lãnh đạo VFF khóa 7, ông Trần Quốc Tuấn không chỉ trẻ tuổi, mà còn được đánh giá cao về chuyên môn, quan hệ tốt với quốc tế.
Riêng ở cuộc đua tới chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông với 2 ứng cử viên là các ông Nguyễn Lân Trung và Nguyễn Xuân Gụ, đã có bất ngờ xảy ra. Kết quả, với 32 phiếu đạt tỷ lệ 53, 33%, ông Nguyễn Xuân Gụ được bầu vào chức danh này.
Sau khi Đại hội bầu xong các vị trí chủ chốt, tiếp tục bầu ra 19 thành viên BCH. Ở phiên họp BCH đầu tiên của nhiệm kỳ 7, Chủ tịch VFF sẽ chỉ định vị trí Tổng thư ký.
Đổi mới triệt để
"Đổi mới triệt để - toàn diện nhằm thực hiện tốt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030”, chính là khẩu hiệu của nhiệm kỳ khoá 7 VFF.
Đây là nhiệm kỳ đầu tiên của Liên đoàn mà các doanh nhân được tín nhiệm bầu vào 2 chức danh trọng yếu là Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ. Chính vì thế, bóng đá Việt Nam hứa hẹn sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, khi những lãnh đạo của tổ chức này đều rất quyết đoán và có cái nhìn về một hướng.
Trả lời báo chí, tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết những việc phải làm ngay với bóng đá Việt Nam chính là nâng tầm V_League cũng như giải hạng Nhất. Muốn vậy, công tác giám sát, trọng tài phải được chấn chỉnh. Đặc biệt, công tác đào tạo trẻ phải được quan tâm hơn nữa bởi đây chính là tương lai của bóng đá nước nhà. Ông Dũng cho rằng nếu chúng ta có nhiều mô hình như Học viện HAGL, chắc chắn trong 7-8 năm nữa sẽ có một lứa trẻ tài năng cung cấp cho V-League cũng như các ĐTQG.
“Chưa bao giờ chúng ta có lứa thế hệ trẻ đá ngang ngửa với các đội châu Âu cùng trang lứa như bây giờ. Nếu cứ đi theo hướng này, chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, ông Dũng khẳng định.
Về vấn đề cải tổ bộ máy, ông Dũng cho biết sự thay đổi là cấp thiết để VFF có thể phản ứng nhanh với những vấn dề của bóng đá Việt Nam hiện nay. Quan điểm của ông Dũng là BCH VFF có thể thay đổi được nhân sự để tập hợp nhiều người tài trong xã hội.
Đặc biệt, ông Dũng đã đề xuất sẽ thuê HLV ngoại người Nhật Bản để dẫn dắt ĐTVN và U23. Theo người đứng đầu VFF, chưa bao giờ giữa Việt Nam và Nhật Bản lại có sự hợp tác chiến lược như bây giờ. Ngay cả VPF cũng đang sử dụng trưởng BTC giải là người Nhật Bản.
“Người Nhật Bản có kỷ luật, thận trọng và cách làm bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu lục. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, tôi cho rằng bóng đá Việt Nam lúc nào đó lượng sẽ đổi thành chất”, ông Dũng nói.
Về các mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ mới, VFF đặt mục tiêu vào chung kết SEA Games 28 tại Singapore, lọt vào chung kết AFF Cup 2014, 2016; giành vị trí thứ nhì vòng đấu loại vòng bảng khy vực tại Vòng loại World Cup 2018. Về đội tuyển nữ, lọt vào VCK World Cup 2015, HCV các giải VĐ ĐNA 2014, 2016…
M.Đ