Menu

Đào tạo trẻ - chìa khóa để đi đến thành công

Đào tạo trẻ - chìa khóa để đi đến thành công

22 Tháng Tám 2012

Đào tạo trẻ - chìa khóa để đi đến thành công

Các kỳ thủ nhí thi đấu tại giải Cờ Vua - HKPĐ toàn quốc lần thứ 8-2012
Dễ dàng đấu trường ĐNA!

Tại giải Cờ Vua trẻ mở rộng vừa diễn ra tại Indonesia, đội tuyển Việt Nam đã thắng như chẻ tre cả 3 loại hình cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp nhoáng, cũng như cả 5 lứa tuổi từ U8 đến U20. Chỉ tính riêng số HCV đã đoạt tới 73 HCV (ngoài ra còn 31 HCB, 17 HCĐ), thậm chí còn nhiều hơn so với tổng thành tích của các đoàn cộng lại. Đây là kết quả nằm trong dự đoán của giới chuyên môn và dường như kết quả này là điều tất yếu và không mấy bất ngờ, bởi hầu như Cờ Vua Việt Nam cứ lên đường là giành chiến thắng.

Những kỳ thủ trẻ của Việt Nam đã chiến thắng gấp tới hơn 5 lần đoàn Philippines đứng thứ 3 chỉ có 12 HCV. Đáng nể hơn, ngoài những tên tuổi cũ xuất sắc như: Như Ý, Mai Hưng, Kim Phụng, Tuấn Minh…, qua giải còn có rất nhiều gương mặt mới được phát lộ và nâng tầm một bước như: Đức Trí, Mai Khanh, Như Quỳnh, Minh Thiên… Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam thực sự là một cái “nôi” của Cờ Vua trẻ, đã vượt xa tầm ĐNA. Con số này cũng ngày càng được bổ sung qua mỗi giải đấu bởi nhiều địa phương đã biết đầu tư, quan tâm hơn cho công tác đào tạo trẻ.  

Quan trọng hơn, từ lâu, Cờ Vua trẻ Việt Nam đã bứt lên để gia nhập nhóm hàng đầu Châu Á, duy trì ổn định thứ hạng trong nhóm dẫn đầu. Đơn cử cũng tại giải trẻ châu lục năm nay, Việt Nam đoạt tới 15 HCV, 17 HCB, 8 HCĐ.

Con số thống kê mỗi giải trẻ toàn quốc thường niên dù có khống chế vẫn thu hút tới gần 500 kỳ thủ tranh tài với chất lượng chuyên môn cao. Hay như tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII mới đây tại Cần Thơ, môn Cờ Vua đã lập kỷ lục là môn có số lượng VĐV tham dự đông nhất với 600 kỳ thủ. Điều đó đã khẳng định phong trào Cờ Vua tại Việt Nam phát triển như thế nào. Chỉ có điều sau niềm vui trước mắt lại là những nỗi lo không nhỏ, bởi cả nguồn tiềm năng trẻ hiếm có ấy đang rất cần thêm những nguồn lực đầu tư mạnh mẽ để cất cánh phát triển, trong bối cảnh Cờ Vua Việt Nam đối diện với khó khăn nhất định về kinh phí.

Đầu xuôi, đuôi có lọt?

Dẫu không được quá “ngon lành” như ở sân chơi khu vực, song Cờ Vua trẻ Việt Nam vẫn chứng minh được sức mạnh tuyệt vời khi vươn ra “biển lớn” châu lục ở nhóm dẫn đầu và kể cả thế giới trong Top 10. Đến nay, đã có 4 kỳ thủ đoạt HCV giải trẻ thế giới - đỉnh cao mà rất nhiều nền Cờ Vua mạnh cũng phải mơ ước vì chưa bao giờ vươn tới.

Thế nên, khi nhìn từ nguồn trẻ dồi dào, triển vọng ngời ngời, soi vào thực tế phát triển về sau lại toàn thấy những nỗi lo không nhỏ. Đa số các kỳ thủ “nhí” sau khi tỏa sáng, khuynh đảo các giải trẻ trong nước và quốc tế lại rất khó vươn tầm về trình độ. Số thành tài, tính đơn giản ở trình độ có thể tranh huy chương tại các giải đấu quốc tế chính thức đếm trên đầu ngón tay. Đến đẳng cấp như: Trường Sơn, Bảo Trâm, Thảo Nguyên, Mai Hưng…, chứ chưa nói tới Siêu Đại KTQT Quang Liêm còn cực kỳ quý hiếm và gian khó.

Cách đây vài năm, Trường Sơn nổi lên như một hiện tượng của Cờ Vua Việt Nam, thậm chí còn trở thành “thần đồng” của thể thao nước nhà, được ví như Đăng Khoa trong giới văn học, ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn cũng đã trồi sụt dần. Hay tiếp đến là Quang Liêm, cũng vang dội chẳng kém tại đấu trường Aeroflot, làm khuynh đảo giới cờ thế giới, đặc biệt với những quốc gia hàng đầu về môn thể thao này nhưng cũng không duy trì được phong độ, rớt thê thảm trước các đối thủ không thứ hạng và tên tuổi tại HDBank.

Nguyên nhân ở đây xuất phát từ sự chăm lo đầu tư hãy còn yếu kém, chưa đồng bộ, nhất là trong những giai đoạn tăng tốc hay vượt ngưỡng phát triển, do quá thiếu kinh phí. Như nhìn nhận thẳng thắn của một người trong cuộc may mắn “thoát hiểm” là Quang Liêm, việc chăm sóc cho các tài năng triển vọng, thậm chí đã bứt hẳn lên cũng giống hệt như khi còn trẻ, mới ở diện tiềm năng. Nếu được đầu tư thích đáng, nếu có sa sút phong độ cũng sẽ vẫn nằm trong ngưỡng “an toàn”.

Chờ đợi Học viện Cờ Vua ra đời!?

Cách đây nhiều năm, rõ nhất với lần đăng cai giải trẻ VĐTG 2008, ý tưởng thiết lập một Học viện Cờ Vua của Việt Nam đặt tại thành phố Vũng Tàu đã được đặt ra. Bộ môn cùng Liên đoàn Cờ Việt Nam rất nung nấu, quyết tâm còn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sẵn sàng phối hợp, thậm chí tính sẵn địa điểm mặt bằng vốn là khâu khó nhất. Đặc biệt hơn, Liên đoàn Cờ Vua quốc tế cũng cam kết hỗ trợ tối đa về kinh phí, trang thiết bị dụng cụ, nhân lực cho Học viện này.

Có một Học viện riêng chắc chắn sẽ là “bệ phóng” quyết định cho Cờ Vua Việt Nam, giải quyết tại chỗ được điểm yếu của các kỳ thủ là thiếu đào tạo tập trung, thi đấu cọ xát tầm cao.

 Vân Thùy

 

Print

Số lượt xem (1180)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.