Sôi động, quyết liệt hội Đua ngựa dân tộc Mông
Hội Đua ngựa đầu xuân - là một trong những hoạt động Thể thao đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên mọi miền tổ quốc đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế về bản sắc văn hoá Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ trong 2 ngày Hội thi đã thu hút lượng lớn người dân Thủ đô về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xem và cổ vũ.
|
Sôi động, quyết liệt hội Đua ngựa dân tộc Mông
(Ảnh: Y Trang) |
Mặc dù thời tiết "không chiều lòng người" trong những ngày Hội thi diễn ra nhưng sự sôi động, kịch tính hấp dẫn của nó đã xóa tan đi cái giá lạnh, mưa phùn của những ngày đầu xuân. Hội thi Đua ngựa dân tộc Mông lần này có sự tham gia của 16 chú ngựa chiến, đây là hoạt động nổi bật, góp phần quảng bá tới nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về một lễ hội văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai.
Được khôi phục từ năm 2007, đến nay, giải Đua ngựa truyền thống mở rộng hàng năm của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã qua 6 mùa sôi động, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Hội Đua ngựa của dân tộc Mông được tổ chức tại Hà Nội. 16 chú ngựa Đua Bắc Hà đã vượt quãng đường hơn 400 cây số từ Lào Cai về Hà Nội để tham dự Hội Đua ngựa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, điều làm nên sức hấp dẫn của giải Đua là tinh thần Thể thao mạo hiểm, thượng võ và sự hồn nhiên về tính nghiệp dư. Đặc biệt, Đua ngựa Bắc Hà vẫn mang những nét dân dã, nguyên sơ khi các nài ngựa đều không yên cương, không bàn đạp giữ chân và thúc ngựa bằng dây thừng bện, thậm chí bằng tay không.
Kết quả Hội Đua ngựa dân tộc Mông tỉnh Lào Cai lần thứ nhất: Giải nhất: Ngựa số 416 (nài ngựa Vàng Văn Huỳnh), Giải nhì: Ngựa số 083 (nài ngựa Vàng Seo Vừ), Giải ba: Ngựa số 048 (nài ngựa Vàng Seo Cường), Giải tư: Ngựa số 432 (nài ngựa Lâm Văn Sơn) và 12 Giải khuyến khích, gồm: Ngựa số 432 (Vàng Seo Xanh); Ngựa số 439 (Vàng Seo Lồ); Ngựa số 415 (Thèn Văn Lì); Ngựa số 414 (Vàng Văn Quyết); Ngựa số 418 (Vàng Seo Hoà); Ngựa số 061 (Vàng Seo Cao); Ngựa số 042 (Thèn Văn Trường); Ngựa số 065 (Phàm Văn Dùng); Ngựa số 045 (Vàng Seo Phà); Ngựa số 055 (Li Seo Thành); Ngựa số 021 (Li Seo Sang); Ngựa số 085 (Thào Seo Phàng).
Tưng bừng hội Vật dân tộc Xuân Giáp Ngọ
Hội Vật cổ truyền là nét văn hóa truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc, mỗi dịp Xuân về hội Vật được tổ chức ở nhiều địa phương thuộc khu vực phía bắc đất nước thu hút lượng lớn người dân tham gia. Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc", hội Vật dân tộc Xuân Giáp Ngọ thu hút 16 VĐV của 6 đội gồm: Bắc Giang, Quân Đội, Hà Nội, Thái Nguyễn, Vĩnh Phúc, Hiệp hội Vật Kinh Bắc. Các VĐV cùng tranh tài ở 4 hạng cân 60kg, 70kg, 80kg, trên 80kg.
|
Tưng bừng Hội Vật dân tộc Xuân Giáp Ngọ (Ảnh: Y Trang) |
Ngay sau tiếng trống khai hội, các đô vật bước vào tranh tài. Những thế vật độc đáo được các đô vật phát huy, nhằm mang đến cho khán giả nhiều màn tranh tài hấp dẫn, đẹp mắt đầu xuân. Những tiếng hò reo, cổ vũ của người xem đã tiếp thêm sức mạnh, sự hưng phấn cho mỗi đô Vật từ đó tạo cho mỗi trận đấu có những nét độc đáo riêng.
Bác Ngô Biềng - Hà Tây cho biết: Tôi đã nghỉ hưu hơn 30 năm nay, mỗi năm vào dịp đầu xuân gia đình đều có kế hoạch du xuân, năm nay qua thông tin tuyên truyền gia đình tôi trực tiếp đến xem thi đấu hội Vật dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch Việt Nam. Có thể nói, cảm xúc thật tuyệt vời, hấp dẫn và rất kịch tính, hội Vật đã tái hiện, khơi dậy trong tôi cũng như hầu hết những người tới xem những nét đẹp truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích, hun đúc tinh thần thượng võ của nhân dân.
Kết quả chung cuộc, đoàn Hà Nội giành vị trí nhất toàn đoàn, tiếp đến vị trí thứ 2 thuộc về Hiệp hội Vật Kinh Bắc (Bắc Ninh), vị trí thứ ba thuộc về đoàn Bắc Giang.
N. H