Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là SEA Games 23 sẽ khai mạc và ở thời điểm chuẩn bị nước rút này, việc giã từ đường chạy của Nguyễn Thị Tĩnh là một mất mát lớn cho làng điền kinh Việt Nam. Việc bảo vệ thành tích 8 Huy chương vàng như tại SEA Games 22, (trong đó riêng Tĩnh đã đóng góp tới 3 huy chương vàng và phá 1 kỷ lục Đông Nam Á) càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tại giải điền kinh Vô địch Châu Á vừa qua, 12 vận động viên xuất sắc của chúng ta đã không đạt được thành tích như mong muốn. Lần lượt những Duy Bằng, Bùi Thị Nhung, Đỗ Thị Bông đều không có được thứ hạng và chỉ đạt thành tích thấp hơn thành tích trong tập luyện. Điều này càng khiến giới chuyên môn lo lắng hơn về lực lượng vận động viên điền kinh của chúng ta. Đây không đơn giản chỉ là điểm rơi phong độ mà còn là thực lực của các vận động viên.
Cô gái đất Gia Lâm này đã làm nức lòng người hâm mộ tại SEA Games 22 khi đạt 2 huy chương vàng cá nhân và 1 huy chương vàng đồng đội. Sau SEA Games, cô bị chấn thương nên phong độ thi đấu không ổn định. Ủy ban TDTT, Liên đoàn điền kinh Việt Nam cũng như Sở TDTT Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để giúp Tĩnh chữa trị chấn thương như áp dụng phương pháp vật lý trị liệu tại các trung tâm tập huấn ở Trung Quốc, nhờ bác sỹ chữa trị chấn thương thể thao nổi tiếng người Đức, tiến sỹ Moss khám và điều trị. Việc đãi ngộ với cô cũng được Lãnh đạo ngành TDTT thủ đô rất quan tâm. Sở TDTT Hà Nội đã tiến hành các thủ tục để Tĩnh được xếp vào diện hợp đồng trong quỹ lương, bảo đảm sự ổn định về thu nhập để cô có thể yên tâm gắn bó với sự nghiệp. Bên cạnh đó, với những thành tích xuất sắc mà cô đạt được tại SEA Games 22 năm 2003, Nguyễn Thị Tĩnh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Sở TDTT Hà Nội còn tạo mọi điều kiện để Tĩnh có thể vừa tập luyện, vừa theo học Đại học TDTT.
Khi chấn thương đang hồi phục và có tiến triển rất khả quan, Tĩnh bỗng đột ngột đưa ra quyết định giã từ sự nghiệp trên đường chạy làm rất nhiều người đã gắn bó với vận động viên nhiều tiềm năng này đều thấy bất ngờ và có không ít những lời trách móc nhằm vào cô. Các thầy cô, bạn bè, đồng đội, lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội và Bộ môn Điền kinh, Uỷ ban TDTT đều gắng thuyết phục cô tiếp tục theo nghiệp, nhưng cô vẫn kiên quyết giữ nguyên ý định của mình.
Có thể nói, nếu không thuyết phục được "cô gái vàng" của làng điền kinh Việt Nam quay trở lại đường đua thì đây sẽ là một mất mát rất lớn cho đội tuyển điền kinh Việt Nam. Qua sự việc đáng tiếc này, chúng ta có thể thấy việc phát hiện các tài năng từ phong trào thể thao quần chúng và tiến hành đào tạo vận động viên đó thành tài rất nhọc nhằn, khó khăn. Tuy nhiên, lúc nào những người làm thể thao cũng lo vận động viên sẽ bỏ ngang sự nghiệp mà Tĩnh không phải là trường hợp đầu tiên. Chúng ta cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, bồi dưỡng tư cách, đạo đức và lý tưởng cho các vận động viên. Không chỉ quan tâm đến chuyên môn mà bất cứ một thay đổi nào trong tư tưởng vận động viên cũng cần phải được nắm bắt một cách chính xác và có biện pháp giải quyết dứt điểm, tạo sự ổn định về tâm lý cho vận động viên, giúp họ có được niềm tin và động lực để phấn đấu, giành các thành tích cao hơn.
Thái Dương