Lần đầu tiên phương pháp này được áp dụng là tại Olympic và Paralympic Luân Đôn 2012. Phương pháp này đã giúp Paralympic phát hiện hai vận động viên cử tạ dùng doping và lãnh án phạt nghỉ 2 năm không được thi đấu. Phương pháp đo protein giúp kiểm tra nhanh hơn (chỉ khoảng vài tuần) so với các phương pháp được sử dụng ở các sự kiện thể thao trước Olympic 2012.
Với kỳ vọng làm sạch hơn nền thể thao thế giới, một nhóm nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học của Vương Quốc Anh đã theo đuổi một phương pháp phát hiện doping cho kết quả chính xác cao, và đã bước đầu thành công.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu và được tài trợ bởi Cơ quan Phòng chống Doping quốc tế (WADA), Cơ quan Phòng chống Doping Hoa Kỳ và được sự ủng hộ từ phía Ủy ban chống Doping Vương Quốc Anh, nhóm GH-2004 có trụ sở tại trường Đại học Southampton (Anh) đã nghiên cứu thành công một phương pháp mới có thể nhanh chóng phát hiện các vận động viên thể thao gian lận trong thể thao khi sử dụng doping.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đến từ 3 trường đại học là Đại học Southampton, Đại học King’s College London, và Đại học Kent. Phương pháp mới dựa trên kết quả đo được hai loại protein trong máu của vận động viên, gồm insulin-like growth factor-I (IGF 1) và amino terminal pro-peptide. Cả hai loại protein là những dấu hiệu cho thấy vận động viên có sử dụng doping hay không.
A.T (tổng hợp)