Menu

Đối thủ lớn nhất của Tiến Minh là chính mình

Đối thủ lớn nhất của Tiến Minh là chính mình

16 Tháng Ba 2010

Đối thủ lớn nhất của Tiến Minh là chính mình

Mặc dù vẫn đảm bảo vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới nhưng trận thua chóng vánh của Tiến Minh trước tay vợt kém mình hơn chục bậc người Nhật, Kenichi Tago tại vòng loại giải Toàn Anh mở rộng đã cho thấy phần nào sự suy giảm về phong độ của tay vợt này, đồng thời cho thấy căn bệnh "trầm kha" về tâm lý thi đấu vẫn còn đeo đẳng và hết sức nan giải với Tiến Minh...

Trận đấu kéo dài hơn 40 phút đồng hồ đã bộc lộ rất nhiều hạn chế của tay vợt số 1 Việt Nam, đặc biệt là yếu tố tâm lý, "căn bệnh" mà Tiến Minh đã khắc phục nhiều năm chưa hoàn toàn hiệu quả. Bởi trên thực tế, ở rất nhiều giải đấu, trận đấu hay những séc quyết định, Tiến Minh đã không thể vượt qua được sức ép tâm lý và chấp nhận những kết cục buồn...

Tiến Minh là hạt giống số 7 của giải Thuỵ sỹ mở rộng
(Ảnh: TT)

Diễn biến trận đấu giải Toàn Anh được giới chuyên môn phân tích: Ngay ở séc đầu tiên khi bị đối thủ dẫn trước, Tiến Minh đã phải chịu một áp lực lớn trong việc phải lật ngược tình thế để tạo sự cách biệt. Tuy nhiên, càng nỗ lực bao nhiêu thì những pha thực hiện kỹ thuật càng không chuẩn xác và Tiến Minh đã dễ dàng bị Tago vượt qua với tỉ số 21-10. Sang ván đấu thứ hai, sau khi có sự thay đổi về chiến thuật, Tiến Minh đã tìm được chìa khoá để hoá giải các pha lên lưới của Tago, ban đầu tình hình có vẻ khả quan nhưng sau đó, tương tự séc thứ nhất, với tâm lý thi đấu thoải mái, tự tin, tay vợt người Nhật đã liên tiếp thực hiện những cú ăn điểm ở các pha cầu cuối và ấn định tỷ số 21-17, buộc Tiến Minh chia tay khỏi giải.

Nếu Tiến Minh có được tâm lý thi đấu tốt thì rất có thể anh sẽ không có đối thủ ở bất cứ giải đấu nào. Tay vợt này hội tụ đầy đủ những tố chất của một VĐV chuyên nghiệp, có lối đánh thông minh, sắc sảo, sức bền tốt... Chính hội chứng "tâm lý" đã nhiều lần khiến anh vuột mất chức Vô địch hoặc thua nhanh một cách lãng xẹt. Và thường thì ở các giải đấu quốc tế, khi NHM càng mong mỏi bao nhiêu thì Tiến Minh lại càng gây thất vọng bấy nhiêu...

Ví thử, Asiad ở Doha, anh đã thua chóng vánh sau khoảng 10 phút tranh tài; Olympic Bắc Kinh 2008, Tiến Minh là 1 trong số ít những VĐV Việt Nam giành vé chính thức để tham dự nhưng rồi anh cũng nhanh chóng về nước ngay sau trận thứ 2; Và gần đây nhất là SEA Games 25 tại Lào, những tưởng ngoài anh ra khó có ai đăng quang ngôi Vô địch vì Lee Chong Wei không tham dự, ấy vậy mà không được cả HCĐ!?

Nhưng cũng có nhiều lần, biết được điểm yếu tâm lý của tay vợt này, NHM cũng không quá tin tưởng Tiến Minh sẽ giành thành tích cao thì anh lại làm nên những điều bất ngờ. Như: Giành chức Vô địch giải Cầu lông VietNam Robot Chanllenge 2008; Vòng 2 (16 tay vợt mạnh nhất) Giải Cầu lông toàn Anh năm 2008 tại Birmingham; Vòng 2 (16 tay vợt mạnh nhất) giải Cầu lông Thuỵ Sỹ mở rộng 2008 tại Basel; Vòng 2 (16 tay vợt mạnh nhất) giải Djarum Indonesia Super Series tháng 6/2008 tại Jakarta; Vòng 3 (8 tay vợt mạnh nhất) giải Singapore Super Series tháng 6/2008...

Vì vậy, ngoài việc các đối thủ chơi quá xuất sắc, Tiến Minh không giữ được phong độ thì một trong những nguyên nhân chính khiến tay vợt số 1 Việt Nam có những "bất thường" trong thành tích thi đấu là do yếu tố tâm lý. Để vượt qua được các đối thủ khác, chinh phục được những mục tiêu mới, Tiến Minh phải khắc phục được yếu điểm này, phải chiến thắng chính bản thân mình. Có như vậy, đấu trường Asiad 16 với sự kỳ vọng Tiến Minh, Cầu lông Việt Nam mới có thể biến giấc mơ Châu Á thành hiện thực.

Thiên Hà

 

 

Print

Số lượt xem (3795)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.