Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông chẳng khác nào tra tấn. Với nhiệt độ như vậy, có nằm trong chăn cũng còn cảm thấy buốt chân tay. Ấy vậy mà các VĐV đua thuyền phải dậy từ lúc tờ mờ sáng để chuẩn bị thuyền chèo, khởi động. Ngày nào các VĐV cũng phải chèo hàng giờ đồng hồ dưới điều kiện sóng to, gió lớn và sương buốt giá, khiến mặt ai cũng tím tái. Đã không ít VĐV bị cảm lạnh hay mắc các chứng liên quan đến giá rét. Đó là chưa kể việc ngã xuống hồ khi tập luyện thì hầu như ngày nào cũng có. Nhiều VĐV tâm sự, do thuyền cũ, mua tới cả chục năm nay không thay nên khi xuống nước, tâm lý càng… “run”.
Dù có thâm niên lên tuyển và thường xuyên tập luyện trong thời tiết khắc nghiệt, nhưng các VĐV đua thuyền vẫn không khỏi thấy ớn lạnh người trước mỗi buổi tập và khi nghĩ về những ngày mùa đông giá rét. Thế nhưng, sức chịu đựng của con người thật vô hạn. Rét mãi cũng quen, lạnh mãi cũng kệ, các VĐV đã xác định theo môn đua thuyền là phải chấp nhận sống chung với sóng và gió.
|
Đua thuyền VN vẫn vươn lên trong khó khăn để giành nhiều thành tích cho thể thao nước nhà (Ảnh: V.Duy) |
HLV trưởng đội tuyển Rowing quốc gia Phạm Thị Ngọc Lan cho biết: “Đua thuyền không như bơi lội được tập trong nhà, có bể nước nóng, mà phải tập ngoài trời, hoàn toàn bị tác động bởi yếu tố thiên nhiên. Mùa hè tập lúc tờ mờ sáng đã cảm thấy buốt lạnh, còn mùa đông thì khỏi nói”.
Biết là chịu khổ quen, nhưng theo HLV Ngọc Lan, các VĐV phải tuân thủ nghiêm ngặt các giáo án và đặc biệt là phải khởi động kỹ để đảm bảo sức khỏe.
Kết thúc một buổi tập luyện, ai nấy đều rã rời chân thay, người lảo đảo vì say sóng. Vậy mà kể cả những lúc tay đau, sưng tấy do luyện tập nhưng các VĐV vẫn xuống thuyền, ngày tập hai buổi từ sáng đến chiều để mong có chút thành tích.
Đua thuyền vốn chủ yếu phát triển ở phía Bắc, nơi có nhiều hồ nước lớn, phù hợp với việc tập luyện. Môn này vốn là môn ít được nhiều người quan tâm, bởi nó vừa khó, vừa nguy hiểm, lại quanh năm tập luyện ở giữa sông, giữa hồ, nên muốn xem cũng chẳng được. Sự âm thầm tập luyện của các VĐV Việt Nam đã mang lại thành công ngoài mong đợi tại Asiad 16 với 2 tấm HCB, những tấm huy chương châu Á và đặc biệt là 2 suất tham dự Olympic 2012.
Các VĐV đua thuyền sau những vinh quang lại trở lại với môi trường tập luyện còn thiếu thốn. Sự nguy hiểm luôn rình rập với các VĐV là điều những nhà quản lý bộ môn rất thấu hiểu và điều dó dường như ai quan tâm đến Đua thuyền đều biết, nhưng "cái khó bó cái khôn", khi kinh phí đầu tư cho môn thể thao này còn hạn hẹp, thì việc mua thuyền mới không phải chuyện đơn giản. Một chiếc thuyền đơn Rowing đã vào khoảng 85 triệu đồng, nếu là thuyền đôi, thuyền bốn thì giá còn tăng gấp 2, gấp 3 lần. Trong khi đó, nếu muốn trang bị đủ thuyền cho 1 đội đua cần tới 12 thuyền đơn, 4 thuyền đôi và 2 thuyền bốn. Số tiền đầu tư bởi vậy mà sẽ vô cùng lớn.
Khó khăn là vậy nhưng đua thuyền Việt Nam vẫn giành được bao chiến tích trên đấu trường quốc tế. Hy vọng, trong tương lai gần, đua thuyền Việt Nam sẽ được đầu tư nhiều hơn nữa, đưa phong trào phát triển rộng khắp cả nước và tiếp tục đem vinh quang cho thể thao nước nhà.
A.Đ