Menu

Giáo dục thể chất và thể thao trong học sinh sinh viên: thực trạng và giải pháp

Giáo dục thể chất và thể thao trong học sinh sinh viên: thực trạng và giải pháp

10 Tháng Giêng 2013

Giáo dục thể chất và thể thao trong học sinh sinh viên: thực trạng và giải pháp

Công tác TDTT trường học có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền thể thao nước nhà. Thể dục thể thao trong trường học được xác định là bộ phận quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ và thể lực, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, ý chí, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên góp phần yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thể dục thể thao trường học còn là môi trường giàu tiềm năng để phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao cho đất nước.

Với vai trò và ý nghĩa như trên, công tác Thể dục thể thao trong trường học luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục&Đào tạo và ngành TDTT đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, quản lý một cách toàn diện, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công tác TDTT trong trường học ở nước ta.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2011-2012, tất cả các trường học trong cả nước đã tiến hành dạy và học môn thể dục theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành từ lớp 1 đến lớp 12 và có 90% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khoá có nề nếp theo quy định; trên 60% số trường học có hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá có nề nếp, tổ chức thường xuyên các hoạt động thể thao cho học sinh, sinh viên.

Tính đến tháng 6/2012 cả nước đã có 53 nghìn giáo viên TDTT (104 thạc sĩ, 27.556 ĐH, 14.827 CĐ, 3.135 trung cấp, 674 sơ cấp). Cùng với sự gia tăng về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên TDTT, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong các nhà trường cũng không ngừng tăng. Trong đó, số nhà tập luyện và thi đấu đa năng tại các trường học cũng tăng gần gấp đôi. Nếu như năm 2008, trên cả nước chỉ có 833  thì đến năm 2012 đã tăng lên 1.446. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 5,6% trong các nhà trường trên toàn quốc (27.500 trường học), tỷ lệ này vẫn còn quá thấp và chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, những nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Bên cạnh đó, số bể bơi trong các trường học cũng tăng đáng kể. Năm 2008 chỉ có 18 bể và năm 2012 con số này đã lên tới 353 bể bơi. Đặc biệt, ở các trường Cao đẳng, Đại học, việc đầu  tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, sân bãi dụng cụ nhằm vụ tốt cho công tác giảng dạy nội khóa, hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể thao quần chúng và các giải thi đấu thể thao sinh viên.

Cùng với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đổi mới chương trình và giáo trình đào tạo giáo viên ở tất cả các bậc học, với mục đích nâng cao trình độ sư phạm cho các giáo viên thể dục. Trong quá tình đổi mới về công tác thiết bị dạy học bộ môn, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chủ trương khuyến khích giáo viên ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu khoa học GDTC từ cấp trường.

Việc GDTC được thực hiện theo hướng trang bị những kiến thức về kỹ năng vận động cơ bản; giáo dục các tố chất thể lực, góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách cho học sinh, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn trong nhà trường và xã hội.

Công tác giáo dục thể chất trong các trường học được thực hiện ngày càng đa dạng, phong phú với những nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường ở từng địa phương...

Ngoài việc tham gia các đại hội dành cho học sinh, sinh viên thế giới, khu vực, châu lục, ngành Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều sân chơi dành cho học sinh, sinh viên như: Hội khoẻ Phù Đổng, Đại hội sinh viên toàn quốc, Đại hội sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hội thi nghiệp vụ sư phạm văn nghệ thể thao các trường sư phạm toàn quốc, Hội thi Văn hoá thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc....

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện nay, trong cả nước mới chỉ có khoảng 25% số trường tiểu học có giáo viên thể dục chuyên trách, chủ yếu là ở các trường điểm và các thành phố, còn lại do GV chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy môn  thể dục. Ở các trường THCS, có đến 20% số tiết thể dục do giáo viên chủ nhiệm giảng dạy.

Ngoài ra, hệ thống chế độ, chính sách đối với giáo viên thể dục còn nhiều bất cập. Nội dung kỹ thuật nhiều môn thể thao trong chương trình còn mang xu hướng nặng nề, cầu toàn, có nhiều kỹ thuật quá khó không phù hợp với đặc điểm sức khoẻ, lứa tuổi của HS. Nhiều nơi, giờ học thể dục vẫn còn mang tính hình thức, HS tham gia với tâm thế bị bắt buộc, gượng ép. CSVC kỹ thuật phục vụ công tác GDTC trong trường học (nhà tập, sân tập, sân chơi, bể bơi, dụng cụ tập luyện…) nhìn chung còn thiếu và yếu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi…

Thực trạng trên cũng cho thấy, chất lượng GDTC còn thấp, giờ dạy GDTC còn đơn điệu, thiếu sinh động. Hơn nữa, nhận thức về vị trí, vai trò của GDTC còn nhiều hạn chế trong các cấp giáo dục và cơ sở trường. Đặc biệt là việc đánh giá chất lượng về sức khỏe về thể chất sinh viên trong mục tiêu chung còn chưa tương xứng...

Trước thực trạng trên, Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ cần thực hiện, trong đó cần phải không ngừng đổi mới chương trình giáo dục thể chất sao phù hợp với thể chất học sinh Việt Nam và tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá với các tiêu chí đánh giá cụ thể, linh hoạt; kết hợp đồng bộ y tế học đường với dinh dưỡng học đường; Xây dựng hệ thống các trường, lớp năng khiếu thể thao, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài thể thao cho quốc gia; Phát triển thể dục thể thao ngoại khóa, xây dựng các loại hình câu lạc bộ TDTT trường học; khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa trong các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu thể thao. Củng cố và phát triển hệ thống thi đấu thể dục thể thao giải trí thích hợp với từng cấp học, từng vùng, địa phương; Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch cơ sở giáo dục đào tạo có sơ sở vật chất đáp ứng hoạt động TDTT trường học theo quy chuẩn quốc gia.Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao, hướng dẫn viên TDTT cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện khó khăn theo quy định của Nhà nước; Tăng cường công tác đào tạo giáo viên TDTT, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động ngoại khóa cho hướng dẫn viên TDTT; tăng cường công tác giáo dục, truyền thông trong giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học…

Nhằm khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác gíao dục thể chất trong trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho rằng, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác GDTC trong trường phổ thông. Đặc biệt quan tâm đến HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. GD cho HS những kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để thay đổi thói quen tập luyện TDTT, hình thành được những thói quen và hành vi sống khoẻ, sống tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội. Xây dựng môi trường vui chơi, học tập lành mạnh trong các trường học...

VD (tổng hợp)

Print

Số lượt xem (9011)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.