Menu

GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992: Thể dục thể thao và Hiến pháp Việt Nam

GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992: Thể dục thể thao và Hiến pháp Việt Nam

25 Tháng Ba 2013

GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992: Thể dục thể thao và Hiến pháp Việt Nam

Đó là dấu hiệu đáng mừng của nền dân chủ mà Đảng và Nhà nước ta đã dầy công vun đắp từ ngày dựng nước cho đến nay. Trong Dự thảo Hiến pháp lần này, người ta chưa thấy sự xuất hiện của Điều 41 (như Hiến pháp 1992) và điều đó khiến người hâm mộ TDTT suy nghĩ, dịp này, báo Thể thao Việt Nam xin phép nêu ý kiến khác nhau xung quanh sự kiện nói trên nhằm góp phần xây dựng một bản Hiếp pháp mới thật sự do dân, vì dân, đóng góp vào sự phát triển và tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng một nền thể thao Dân cường nước thịnh.

GS Lê Bửu - Nguyên Tổng cục trưởng TDTT:

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, khi giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đang đe dọa, vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập tức ký sắc lệnh thành lập ngành TDTT và viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Theo lời Bác dạy, hoạt động TDTT đã cùng cả nước đi trên con đường lớn và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hơn 40 năm tham gia và hoạt động cùng TDTT, tôi ý thức được rằng TDTT góp phần xây dựng đất nước và làm ổn định xã hội đồng thời là tài sản quốc gia, vì thế rất buồn khi thấy điều 41 ở Hiến pháp 1992 nói về công tác TDTT đã không còn có trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này. Tôi đề nghị Quốc hội đưa vấn đề trên lên bàn nghị sự và qua đó, đặt công tác TDTT đúng với vị trí cần thiết của nó.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam:

Tôi cho rằng từ ngày dựng nước đến nay, mọi chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều tập trung vào con người; nói khác đi, con người chính là đối tượng chủ yếu cần được quan tâm, chăm sóc. Trong đó, việc xây dựng con người mới cần được hội đủ những yếu tố về tinh thần và thể chất, ngoài lý tưởng, lòng yêu nước, con người mới XHCN phải có trí tụê, có sức khỏe để phụng sự đất nước. Tôi hoan nghênh sự ra đời của bản Hiến pháp và chia sẻ mong muốn trong Hiến pháp có đề cập việc xây dựng và chú ý tới công tác TDTT để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trong Dự thảo Hiến pháp, công tác TDTT cần được quan tâm song về câu chữ lại cần có sự chăm sóc và tính toán cho phù hợp.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Theo tôi, Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có tính tổng quát, chỉ xác lập những nguyên tắc cơ bản về thể chế chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức và nhiệm vụ của bộ máy nhà nước. Hiến pháp càng khái quát, súc tích, vòng đời càng dài; càng lắm câu chữ, sa đà vào chi tiết, tuổi thọ càng ngắn. Trong 4 bản Hiến pháp của nước ta kể từ năm 1946 đến nay, chỉ có Hiến pháp năm 1992 dành riêng một điều quy định về phát triển TDTT, cũng như có các điều quy định về phát triển văn học - nghệ thuật, thông tin - báo chí, bảo tồn bảo tàng và du lịch v.v... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không giữ những quy định chi tiết như vậy là phù hợp với quan niệm chung về nội dung Hiến pháp. Không quy định trong Hiến pháp không có nghĩa là không được quan tâm. Để điều chỉnh hành vi xã hội trong những lĩnh vực này, Quốc hội đã ban hành các đạo luật cụ thể như Luật Báo chí, Luật Di sản văn hóa, Luật Thể dục thể thao, Luật Du lịch vv... và các đạo luật này đang phát huy tác dụng tích cực.

Theo thethaovietnam.vn

Print

Số lượt xem (625)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.