|
Pha tấn công của Hà Nội VIDB trước đội Tiến Nông Thanh Hoá (Ảnh: Thanh Tùng) |
*Thưa ông, ông có thể đưa ra một nhận xét sơ bộ về kết quả vòng I?
HLV Huỳnh Thúc Phong: Trình độ chuyên môn năm nay ở 2 bảng không có sự chênh lệch lớn. Tuy nhiên, nhiều kết quả diễn ra bất ngờ đến giờ cuối, cho nên hứa hẹn các trận lượt về sẽ còn nhiều bất ngờ thú vị.
Một điểm nổi bật về chuyên môn tại vòng 1 năm nay là thành tích thi đấu của đa số các đội vẫn phụ thuộc vào chất lượng ngoại binh. Rõ ràng, ngoại binh ở các đội như PVD Thái Bình, Tiến Nông Thanh Hóa, Cao su Phú Riềng (nữ), Quân đoàn 4, Tập đoàn Dầu khí QGVN, QK5 (nam) luôn giữ vị trí chủ lực, quyết định rất lớn đến thành tích chuyên môn, dù phần nhiều là vẫn đến từ Trung Quốc và Thái Lan. Điều này cho thấy sự hơn hẳn về trình độ chuyên môn của số này so với các VĐV trong nước.
*Qua các trận đấu vòng I, theo ông các VĐV có trình độ cao của BCVN và chất lượng các ĐTQG sẽ ra sao trong thời gian tới?
HLV Huỳnh Thúc Phong: Mặt chủ quan có thể nhìn thấy rất rõ là sự thất thường về phong độ, thái độ thi đấu thiếu tích cực, tâm lý không ổn định của các VĐV có trình độ cao của BCVN. Nhiều VĐV trước đây có năng lực không thua kém các VĐV Thái Lan hay Myanmar nhưng giờ không hiểu sao, họ lại thi đấu khá “vật vờ”. Ngoài Ngô Văn Kiều (S.Khánh Hoà) đang trong quá trình dưỡng thương thì những VĐV khác như Lê Quang Khánh (Long An), Huỳnh Văn Tuấn (Maseco TPHCM), Đặng Vũ Bôn (S. Biên phòng), Nguyễn Trường Giang (Bến Tre)... hay Nguyễn Thị Ngọc Hoa (VTV Bình Điền Long An), Phạm Thị Yến (Thông tin Liên Việt Post Bank)... đều đã có dấu hiệu chững lại.
*Ông có thể nhận định một số nguyên nhân chủ yếu?
HLV Huỳnh Thúc Phong: Chúng ta đều thấy, đa số VĐV hàng đầu của Thái Lan, một số từ đội tuyển Myanmar hay VĐV từ các CLB mạnh của Trung Quốc, họ thi đấu tốt là điều dĩ nhiên. Trong khi BCVN nhiều năm nay gần như không có biến đổi gì về mặt con người cũng như trình độ chuyên môn. Chỉ một VĐV thuộc loại trung bình của Thái Lan như Sisuma (NHCTVN) là có thể trở thành “ngôi sao" ở giải của VN.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, mặt tích cực mà họ đem đến là sự ổn định về trình độ thi đấu, thái độ chuyên nghiệp, sự thích nghi về chuyên môn trong nhiều năm nay mang lại chất lượng tốt cho các giải đấu. Đồng thời qua họ, phần nào đánh giá được trình độ thi đấu các VĐV có trình độ cao của BCVN. Đây là điều các VĐV Việt Nam nên học tập. Điều tôi lo lắng nhất là vẫn chưa thấy xuất hiện những VĐV chuyền 2 nào có thể đáp ứng cho hai đội tuyển nam và nữ QGVN vài năm tới.
*Liệu ông có quá bi quan về sự sa sút của một số VĐV hàng đầu VN?
HLV Huỳnh Thúc Phong: Không thể phủ nhận, công tác quản lý, tổ chức của LĐBCVN trong vài năm gần đây đã có nhiều cải tiến, phù hợp với quá trình xã hội hóa thể thao hiện nay. Từ đó đã góp phần mang lại nhiều kết quả khả quan cho BCVN hơn so với trước. Nhưng, vấn đề cốt lõi mà nhiều người hâm mộ BCVN vẫn đang thắc mắc: Vậy bóng chuyền trình độ cao của VN hiện đang ở đâu?. Bởi, người xem rất buồn khi nhìn thấy thành tích thi đấu BCVN ngày càng sa sút. Không những đội nữ luôn xếp sau Thái Lan, mà mấy năm nay đội nam VN còn thua cả đội bóng xếp vào hạng yếu như Myanmar.
*Thế theo ông thì nhìn nhận vấn đề như thế nào?
HLV Huỳnh Thúc Phong: Các nước chung quanh VN như Thái Lan, Indonesia, Myanmar không có hệ thống thi đấu giải VĐQG tốt và quy mô như ở VN và họ cũng không có nhiều trung tâm đào tạo VĐV trẻ như chúng ta?. Vậy mà họ luôn có nhiều VĐV giỏi hơn, các VĐV trung bình của họ dư sức “tung hoành” ở các giải của BCVN. Những người làm công tác BCVN không bức xúc mới lạ. Thế nên thiết nghĩ chúng ta cần phải xem lại hệ thống đào tạo của họ khác ta như thế nào để có sự điều chỉnh thích hợp.
*Thưa ông, từ cách tiếp cận này, theo ông thì hướng sắp tới phải như thế nào một khi năm 2013, các giải ở VN sẽ cấm hẳn ngoại binh?.
HLV Huỳnh Thúc Phong: Chúng ta thường hay đổ là do lỗi hệ thống, trong khi thực chất của vấn đề là công tác đào tạo VĐV Bóng chuyền của chúng ta quá yếu kém, bất hợp lý và không phù hợp với điều kiện hiện nay. Bây giờ, có nhiều địa phương, nhiều CLB đủ điều kiện nhưng lại không chú trọng đến công tác đào tạo VĐV trẻ, cho nên VĐV giỏi ít dần và chất lượng thi đấu ngày càng thấp là điều dĩ nhiên. Nhiều trung tâm đào tạo VĐV Bóng chuyền truyền thống như TPHCM, Hà Nội, Quân đội, mấy năm nay có đào tạo được lứa VĐV nào như Seaprodex, Bưu điện Hà nội, Thể công như thập niên 90?. Cho nên có lẽ chúng ta phải thay đổi nhận thức về khâu xây dựng lực lượng theo hướng tập trung đầu tư phát triển cho thể thao ở học đường - trong đó có môn Bóng chuyền, rồi mạnh dạn bỏ nhiều tiền để có thể thuê được chuyên gia chất lượng cao cho các trung tâm đào tạo VĐV Bóng chuyền trẻ. Và đặc biệt, cần tạo điều kiện để các VĐV đội tuyển Trẻ QG thi đấu quốc tế để tích luỹ kinh nghiệm.
THANH TÙNG