Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh: qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên, để phù hợp hơn với tình hình đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến sâu sắc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Hiến pháp cần tiếp tục được sửa đổi cho phù hợp hơn.
Hội nghị lần này là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp.
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn chủ trì Hội nghị (Ảnh: Văn Duy) |
Tại Hội nghị, đa số các ý kiến góp ý về các quy định liên quan đến lĩnh vực TDTT. Các đại biểu đều cho rằng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Hội nghị đã nhận được 17 ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị. Các ý kiến đều cho rằng việc Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bỏ toàn bộ cả 2 Điều (Điều 41, Điều 43) của Hiến pháp 1992 cần được tính toán một cách kỹ lưỡng và khách quan hơn. Bởi trong tất cả các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn rất quan tâm, coi trọng công tác TDTT nhằm góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí kiến nghị với Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần đưa 1 điều về TDTT cũng như đưa các quy định về giáo dục thể chất vào dự thảo Hiến pháp. Phần Quyền và nghĩa vụ của con người (Điều 41 và Điều 44) cũng cần bổ sung thêm lĩnh vực TDTT. Cụ thể Điều 44 sửa thành: Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa-thể dục thể thao, tham gia vào đời sống văn hóa - thể dục thể thao, sử dụng các cơ sở văn hóa - thể dục thể thao, tiếp cận các giá trị văn hóa - thể dục thể thao.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh: 17 ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đều thể hiện trí tuệ, sự tâm huyết và kinh nghiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực TDTT. Sau Hội nghị này, Tổng cục TDTT sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị, báo cáo Bộ VHTTDL cũng như Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đưa TDTT vào Hiến pháp vì lợi ích chung của người dân. Đây cũng là mong muốn chung của toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TDTT.
V.A