Chủ trì và phát biểu khai mạc tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là vấn đề hệ trọng mà các cơ quan chức năng rất quan tâm. Sửa đổi lần này làm sao phù hợp với sự phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới với một tinh thần là đổi mới đồng bộ cả về kinh tế chính trị và xây dựng nhà nước pháp quyền. Không chỉ đổi mới kinh tế, đổi mới cả chính trị và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là vấn đề rất cơ bản. Chúng ta phải hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường theo định hướng XHCN để đưa vào Hiến pháp, phải bảo đảm quyền con người, bảo vệ an ninh Tổ quốc và bảo đảm hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng dự thảo đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong cương lĩnh chính trị cũng như văn bản của Đảng trong Đại hội Đảng lần thứ XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo Hiến pháp lần này có những nội dung mới như nhấn mạnh thêm yếu tố dân chủ, vai trò của nhân dân được khẳng định hơn trong vấn đề kiểm soát và giám sát; bổ sung các thiết chế Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, làm rõ qui định về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cũng như địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, bỏ qui định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Bên cạnh những vấn đề chung, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để đóng góp vào lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Cụ thể, Đối với các điều: Điều 41 về Thể dục, thể thao mà dự thảo Hiến pháp lần này đề nghị bỏ, đa số ý kiến cho rằng nên giữ lại. Các đại biểu cho rằng, Hiến pháp lần này kế thừa và phát triển những thành tựu và kết quả đạt được qua việc thực hiện Hiến pháp năm 1992. Trong đó từ thực tiễn công tác TDTT đã khẳng định vị trí, vai trò và sự đóng góp tích cực đối với sự phát triển đất nước trong thời gian vừa qua.
Có ý kiến tại Hội nghị cho rằng, trong xu hướng phát triển trong thế giới hội nhập ngày nay thì lĩnh vực thể dục thể thao vẫn tiếp tục phát triển, không chỉ bao hàm việc phát triển sức khỏe mà cả vấn đề hội nhập, quan hệ đối ngoại và đó là một nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa thể chất.
Đến nay, Bộ VHTTDL đã tổng hợp được hơn 40 báo cáo bằng văn bản do các đơn vị trực thuộc gửi đồng thời tiếp tục đề nghị các cơ quan thuộc Bộ lấy ý kiến để tổng hợp trước ngày 15/3 báo cáo lên Ban sửa đổi Hiến pháp.
A.T