Menu

Huấn luyện tâm lý VĐV thời kỳ thi đấu: bước chuẩn bị quan trọng cho mỗi trận đấu thành công

Huấn luyện tâm lý VĐV thời kỳ thi đấu: bước chuẩn bị quan trọng cho mỗi trận đấu thành công

22 Tháng Tám 2011

Huấn luyện tâm lý VĐV thời kỳ thi đấu: bước chuẩn bị quan trọng cho mỗi trận đấu thành công

Là lần đầu tiên được tổ chức tại một Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Hội thảo về công tác huấn luyện tâm lý cho các VĐV thời kỳ thi đấu đã đề cập đến một bài toán nan giải đối với các VĐV đỉnh cao Việt Nam. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất về tầm quan trọng của công tác huấn luyện tâm lý cho các VĐV và sự khó khăn của công tác này.

TS. Lê Đức Chương - Vụ trưởng Vụ KH, CN&MT đề cao vai trò của y học Thể thao trong việc điều trị tâm lý
(Ảnh: Dương Duy)

Các trạng thái, diễn biến tâm lý chính của các VĐV ở từng môn thể thao mang tính cá nhân cũng như đồng đội đã được giới thiệu tại Hội thảo. Điều quan trọng là phải có sự đồng cảm cao giữa HLV và VĐV, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp HLV có thể nắm bắt và điều chỉnh kịp thời những trạng thái tâm lý của VĐV.

HLV Lâm Minh Châu, đội tuyển Cờ vua Việt Nam cho biết: các VĐV Cờ vua đỉnh cao thường bị yếu tố ngoại cảnh chi phối. Bên cạnh đó, một số trạng thái tâm lý khác thường gặp là thiếu tự tin, coi thường đối thủ. Do đó, các HLV phải chú trọng đến quá trình chuẩn bị trước khi thi đấu.

Còn theo HLV Điền kinh Nguyễn Đình Minh: Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng chưa nghiên cứu thấu đáo về vấn đề tâm lý VĐV. Ở nước ngoài, đây là điều luôn rất được chú trọng. Thậm chí, nhiều đoàn thể thao còn có những giáo chức tôn giáo trong thành phần đoàn để giải quyết vấn đề tâm lý liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng. HLV Trần Quang Hạ, đội tuyển Taekwondo Việt Nam trình bày kinh nghiệm huấn luyện tâm lý VĐV khi đi thi đấu tại nước ngoài khi bị ảnh hưởng bởi khí hậu, đồ ăn, giao thông... và cả công tác huấn luyện kỹ thuật.

HLV Trần Quang Hạ giới thiệu kinh nghiệm công tác tâm lý cho VĐV khi thi đấu ở nước ngoài (Ảnh: Dương Duy)

PGS.TS Nguyễn Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM thì cho rằng một VĐV thường chỉ phát huy được 80 % năng lực của mình, 20 % năng lực còn lại cần có những điều kiện đặc biệt để phát huy. Người HLV vẫn có thể có những giải pháp tâm lý để nâng cao thành tích cho các VĐV, đây là liệu pháp để khai thác hết các năng lực. Nhiều nước đang áp dụng phương pháp tập mà chơi, thi mà chơi để khai thác hết 20 % còn lại. Chính vì vậy, một người HLV giỏi là người phải đảm nhận tốt cả vai trò của một người hướng dẫn và một nhà tâm lý.

Ông Lê Đức Chương - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề cao vai trò của y học Thể thao trong việc điều trị tâm lý. Đó là việc điều chỉnh tâm lý bằng các phương pháp y học như kích thích hưng phấn hay an thần mà không vi phạm các quy định chống Doping. Các trạng thái tâm lý trước khi thi đấu, đặc biệt là trạng thái bồn chồn, thờ ơ đều có thể dùng các phương pháp y học (bấm huyệt, xoa bóp...) để điều chỉnh.

Ông Đàm Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT, Tổng cục TDTT đề cập đến một vấn đề rất mới trong công tác tâm lý cho VĐV. Đó là việc phát huy sức mạnh mềm, bản sắc văn hóa và lòng tự tôn dân tộc bởi đây là những yếu tố tạo nên sức mạnh bên trong của mỗi VĐV, tạo ra niềm tin để thực hiện kỳ vọng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự nghiên cứu để  xác định thuộc tính tâm lý nói chung của VĐV Việt Nam, qua đó khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh.

TS Phạm Ngọc Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội khẳng định huấn luyện tâm lý là tạo ra sự sẵn sàng về mặt tâm lý để các VĐV thích nghi tốt với các điều kiện thi đấu, phù hợp với các chu kỳ huấn luyện. Cần xây dựng mô hình tâm lý đặc thù riêng của từng môn thể thao. GS.TS Nguyễn Xuân Sinh đề nghị cần sớm hình thành bộ phận nghiên cứu về vấn đề này, đào tạo một cách có hệ thống và bài bản. Bên cạnh đó cũng cần có sự phối hợp, liên kết giữa các trung tâm, các trường TDTT và với nước ngoài để giải quyết vấn đề này. Nên có sự đổi mới trang bị, phương tiện, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực TDTT và HLV các đội tuyển (Ảnh: Dương Duy)

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng kiến nghị một số giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác huấn luyện tâm lý cho các VĐV. Đó là cần có sự đầu từ về tài chính, về nhân lực, vật lực để nghiên cứu sâu hơn về tâm lý TDTT; Các cơ quan hữu quan, Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT&DL cần xây dựng chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực này; vấn đề này; Có kế hoạch đào tạo đội ngũ HLV, nhất là HLV các đội tuyển trong lĩnh vực tâm lý cho VĐV; Có quy định rõ ràng về tăng cường sức mạnh mềm cho các đội tuyển quốc gia khi tham dự các giải đấu quốc tế.

Dù Hội thảo diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các tham luận về công tác huấn luyện tâm lý cho các VĐV được trình bày có nội dung sát thực và thu hút sự quan tâm của đông đảo HLV trên cả nước. Thành công của Hội thảo mở ra một hướng đi mới cho công tác nghiên cứu, ứng dụng huấn luyện tâm lý cho các VĐV, góp phần vào thành công của thể thao nước nhà.

Dương Duy

Print

Số lượt xem (5700)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.