Việc xây dựng phong trào TDTT ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã chú trọng hướng các hoạt động về cơ sở cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ, khối phố và huy động các đối tượng quần chúng tham gia hoạt động TDTT.
Hầu hết các địa phương đều đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển sâu rộng phong trào TDTT, vận động mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao hoặc một hình thức tập luyện TDTT thích hợp. Do đó, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và gia đình thể thao tăng lên đáng kể năm 2005 toàn tỉnh có 19,1% dân số thì đến năm 2010 toàn tỉnh đạt 26,5% dân số bình quân tăng 1,48%/năm; năm 2005 có 12,5% số hộ gia đình thì đến năm 2010 có 22,2% số hộ gia đình bình quân tăng 1,98%/năm.
Trong 5 năm trở lại đây, hoạt động TDTT ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có những chuyển biến tích cực. Ở nhiều vùng nông thôn các môn thể thao đặc trưng như Vật dân tộc, Cướp cù, Cờ tướng, Đua thuyền truyền thống được tổ chức gắn với ngày lễ hội truyền thống lịch sử văn hoá của địa phương. Một số môn thể thao trước đây chỉ phát triển ở các vùng nội thành, nội thị nay đã phát triển rộng ở các vùng nông thôn như: Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Thể dục dưỡng sinh, Đi bộ, Bóng chuyền, Bóng đá... nhiều câu lạc bộ TDTT đã được thành lập trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Do đó, thành tích thi đấu các môn thể thao cũng dàn đều giữa các vùng, không có vùng trắng hoặc vùng quá yếu như những năm trước đây.
Việc xây dựng bộ máy quản lý, điều hành hoạt động TDTT, căn cứ vào điều kiện của việc xây dựng và phát triển phong trào TDTT ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương đã xây dựng bộ máy TDTT theo nhiều mô hình khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương như mô hình Trung tâm Văn hóa - Thể thao; Nhà Văn hóa - Thể thao; Câu lạc bộ TDTT; Hội đồng TDTT, cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, đẩy mạnh việc xây dựng các nhà văn hóa, sân chơi bãi tập, củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ. Nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho mọi người dân. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 138 xã, phường chọn mô hình Ban Văn hóa xã hội, có 4 xã chọn mô hình Nhà Văn hóa - Thể thao; có 1 phường chọn mô hình Trung tâm Văn hóa - Thể thao; có 16 đơn vị xã, phường, thị trấn chọn mô hình Hội đồng TDTT. Trong đó hai đơn vị của tỉnh được Trung ương chọn làm điểm là xã An Thủy của huyện Lệ Thủy; xã Trung Trạch của huyện Bố Trạch cũng chọn mô hình Hội đồng TDTT và hầu hết các địa phương đưa tiêu chí phát triển TDTT vào nghị quyết của Đảng ủy và HĐND.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên đã được chú trọng, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên viên, cộng tác viên làm công tác TDTT từ tỉnh đến cơ sở luôn được chú trọng và quan tâm đúng mức. Hàng năm Sở TDTT cũ nay là Sở VH,TT&DL đều phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ về công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên làm công tác TDTT nhằm nâng cao năng lực của công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào TDTT ở cơ sở. Từ năm 2006 đến nay, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với 7 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh mở 08 lớp với hơn 320 học viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ TDTT, đối tượng tham gia chủ yếu là cán bộ văn hóa xã hội; Bí thư đoàn; Trưởng thôn; tiểu khu trưởng..... Về cơ bản đến nay, đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên trên địa bàn toàn tỉnh đã được tăng cường, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển TDTT tỉnh nhà.
Việc xây dựng cơ sở vật chất cho tập luyện TDTT ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng,Chính quyền việc đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập phục vụ cho nhu cầu tập luyện hàng ngày của Thanh, thiếu niên, học sinh và quần chúng nhân dân đã được một số địa phương chú trọng dưới các loại hình lồng ghép với xây dựng khuôn viên của nhà văn hóa thôn, tiểu khu. Trong những năm qua, ngành TDTT cùng với các cấp các ngành đã quan tâm, chỉ đạo và đầu tư xây dựng sân bãi tập luyện, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ cho tập luyện và thi đấu TDTT. Một số huyện, thành phố, ngành, đoàn thể đã tiến hành xây dựng, sân vận động, nhà tập đơn giản và các sân bãi khác, như huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Ninh.v.v... Nhiều xã, phường, thị trấn, trường học có quy hoạch giành đất phục vụ hoạt động TDTT cho nhiều đối tượng.Tại trung tâm tỉnh có 02 sân vận động đủ tiêu chuẩn tối thiểu, 01 bể bơi tổng hợp, 15 Nhà tập luyện thể thao một môn, 21 sân quần vợt, 251 sân bóng đá, 831 sân bóng chuyền , 200 sân cầu lông đơn giản và một số sân bãi khác phục vụ tập luyện và thi đấu TDTT của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn. Công tác quy hoạch đất cho TDTT theo Chỉ thị 274/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Sở VH,TT&DL phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo chặt chẽ thường xuyên, các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay toàn tỉnh đã có 154/159 xã, phường, thị trấn hoàn thành quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những bước khởi sắc nhất định, song nhìn chung việc triển khai thực hiện chương trình ở xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh còn nhiều hạn chế và tồn tại. Trong đó, một số cấp ủy đảng và chính quyền chưa nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao quần chúng ở xã, phường, thị trấn trong sự nghiệp TDTT tỉnh nhà, chưa ý thức được đây là việc chăm lo, nâng cao thể lực cho nhân dân, là xây dựng con người Việt Nam có thể chất cường tráng, có lối sống lành mạnh góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đó chính là mục tiêu quan trọng của nền TDTT xã hội chủ nghĩa. Công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý thể dục thể thao các cấp đối với hoạt động TDTT ở cơ sở tuy đã có nhiều cố giắng, song còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng yêu cầu. Định biên của cán bộ TDTT từ tỉnh đến cơ sở quá ít, cán bộ TDTT chuyên trách xã, phường, thị trấn chưa có mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm chức năng quản lý chỉ đạo công tác TDTT, thiếu năng lực chuyên môn và thiếu đầu tư thời gian cho hoạt động TDTT, do phải đảm nhiệm quá nhiều công việc. Kinh phí cho hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở còn quá ít không đáp ứng cho phong trào thể thao ngày càng phát triển. Cơ sở vật chất còn hạn chế, hầu hết các địa phương chưa đầu tư xây dựng được công trình nào đảm bảo tiêu chuẩn tập luyện và thi đấu thể thao.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg chương trình phát triển TDTT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nhận được sự quan tâm của phần lớn các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng với sự tích cực hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp TDTT tỉnh nhà phát triển, đặc biệt TDTT quần chúng có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, với những kết quả đạt được của chương trình trong những năm qua chính là tiền đề thuận lợi gúp cho ngành có định hướng tiếp theo nhằm phát triển phong trào TDTT quần chúng tỉnh Quảng Bình trong những năm tới ngày càng vững chắc hơn.
Nguyễn Văn Tuynh