Menu

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: một tổ chức tiên phong trong phong trào XHH

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: một tổ chức tiên phong trong phong trào XHH

23 Tháng Chín 2011

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: một tổ chức tiên phong trong phong trào XHH

Tham dự buổi làm việc có ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Vương Bích Thắng đã báo cáo lãnh đạo Bộ về những hoạt động của Bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, nêu rõ những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, yếu kém. Từ đó, tìm ra nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp trong công tác quản lý nhà nước ở các mùa giải sau cũng như các giải thi đấu nằm trong hệ thống thi đấu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức, quản lý.

Có thể nói, trong những năm qua Bóng đá Việt Nam đã có những bước chuyển mình rất đáng khích lệ, từ một nền Bóng đá còn chưa phát triển đã đi lên  theo hướng chuyên nghiệp. Bộ máy, tổ chức của Liên đoàn Bóng đá ngày càng phát triển và hoàn thiện, đã cơ bản tự chủ về kinh phí, biên chế và cơ sở vật chất. Bóng đá chuyên nghiệp đã bước đầu được hình thành ở nước ta, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng Bóng đá thành tích cao cũng như nâng cao chất lượng công tác tổ chức, điều hành Bóng đá ở cấp độ quốc gia và câu lạc bộ. Hệ thống thi đấu Bóng đá quốc gia được tổ chức tương đối tốt, hoạt động ổn định, chất lượng của các giải đấu được nâng lên so với trước. Các đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia nam, nữ được quan tâm đầu tư, bước đầu khẳng định thành tích ở khu vực Đông Nam Á và từng bước tiếp cận thành tích cấp độ Châu Á. Đặc biệt, công tác xã hội hóa Bóng đá được đẩy mạnh, tạo điều kiện thu hút nguồn lực cũng như sự tham gia của xã hội trong phát triển Bóng đá. Đối với hoạt động hợp tác quốc tế đạt được nhiều kết quả tốt, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phát triển quan hệ tốt đẹp với các tổ chức Bóng đá quốc tế, xây dựng hợp tác song phương với nhiều quốc gia có nền Bóng đá phát triển.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang )

Để có được những kết quả đó, hẳn những người làm công tác quản lý trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ngành thể thao đã có những nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, trong sự phát triển đi lên còn biểu hiện một số những tồn tại, yếu kém như: Công tác quản lý, định hướng Bóng đá chuyên nghiệp chưa theo kịp được với yêu cầu phát triển, cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cả về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của Liên đoàn, hệ thống đào tạo VĐV trẻ còn dàn trải, thiếu tập trung. Tình trạng vận động viên có hành vi thi đấu thô bạo có chiều hướng gia tăng. Phân công điều hành trọng tài chưa thực sự hợp lý...

Sở dĩ vẫn còn có những tồn tại và hạn chế đó nguyên nhân chủ yếu là do: thời gian qua Bóng đá Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, trong đó Bóng đá chuyên nghiệp phát triển "nóng", song cấu trúc tổ chức và cơ chế quản lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chưa thực sự theo kịp sự đổi mới và phát triển của Bóng đá. Đồng thời, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường trong hoạt động Bóng đá  làm công tác quản lý còn có những bỡ ngỡ, dẫn tới sự chậm trễ trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động Bóng đá. Việc xác định chưa đúng mục đích đầu tư vào hoạt động Bóng đá của các doanh nghiệp, tình trạng chạy theo thành tích trước mắt, coi trọng kết quả ngắn hạn...của các ông "bầu" đội bóng.   

Về cơ bản Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về bộ máy hoạt động quản lý khá ổn định và làm việc nghiêm túc, có thể khẳng định đây là Liên đoàn có cách làm việc chuyên nghiệp nhất trong số các Liên đoàn, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao hiện nay. Đó chính là lời nhận xét của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng tại buổi làm việc này.

Tuy nhiên, sau khi Hội nghị tổng kết giải vô địch Bóng đá quốc gia năm 2010 - 2011 kết thúc, một số phóng viên, nhà báo hay các ông "bầu" đã có những cái nhìn thiếu thiện cảm hay chưa thật chuẩn xác về Bóng đá Việt Nam khiến ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận. Qua đó, những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực này cũng cần phải nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức ở các mùa giải sau và cũng từ đó định hướng dư luận có cái nhìn khách quan và nhiều chiều nhất về Bóng đá Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, trước khi nhận xét và đánh giá thì những người hâm mộ hay những ai quan tâm tới môn thể thao "Vua" này nên nhìn vào những bước tiến về sự phát triển ngày càng đi lên của Bóng đá Việt Nam những năm gần đây từ các giải trong nước đến các giải quốc tế hay bảng xếp hạng Bóng đá thế giới. Giải vô địch Bóng đá quốc gia năm 2010 - 2011 (Eximbank V-Leagua 2011) chỉ là một giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu của năm do Liên đoàn Bóng đá quản lý, ngoài ra Liên đoàn còn quản lý rất nhiều các giải đấu khác như: U19, U21, Bóng đá nam, Bóng đá nữ... Do vậy, từ một giải đấu để đánh giá cả một tập thể thì điều đó có nên chăng? Đó chính là lời phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn tại buổi làm việc này.

Sau khi báo cáo cũng như tổng hợp ý kiến của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã nhấn mạnh: Những kết quả của Bóng đá Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, đây là môn thể thao được nhiều người quan tâm nên có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân, do vậy Tổng cục TDTT nên có sự phối kết hợp chặt chẽ với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, trong thời gian tới nên có thêm các văn bản phù hợp phục vụ cho công tác quản lý và điều hành của Liên đoàn được hiệu quả hơn. Nhìn nhận thẳng thắn vào những hạn chế, tồn đọng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thời gian qua để cùng tìm ra hướng đi phù hợp và chuẩn xác nhất cho sự phát triển của Bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.

N. Hương 

Print

Số lượt xem (2203)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.