Menu

Năm 2013: tiếp tục tập trung tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Năm 2013: tiếp tục tập trung tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

05 Tháng Ba 2013

Năm 2013: tiếp tục tập trung tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Ông Phan Đình Tân - Phó chánh Văn phòng,
người phát ngôn của Bộ VHTTDL
Để hiểu rõ tác động của công tác thông tin tuyên truyền đối với hoạt động của ngành, phóng viên Trang tin Điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Đình Tân – Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VHTTDL về vấn đề này .

Nhân dịp Xuân mới Quý Tỵ, ông có lời nhắn nhủ gì tới những người làm công tác thông tin tuyên truyền tại các cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan báo chí trực thuộc Bộ VHTTDL?

Đầu Xuân mới Quý Tỵ, điều tôi muốn nhắn gửi nhiều nhất tới các phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ VHTTDL và những người làm báo trên toàn quốc là các bạn hãy tiếp tục có những bài viết hay nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động và mến khách tới bạn bè quốc tế. Với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đẹp, nổi tiếng được UNESCO vinh danh, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách quốc tế. Làm được điều đó, các bạn đã góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xã hội nước nhà trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch đặc biệt là những người làm công tác thông tin tuyên truyền càng phải ý thức sâu sắc hơn đối với đất nước trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm bảo tồn và duy trì những giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, mỗi phóng viên, nhà báo cần phải có cái tâm như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói: “tâm sáng, mắt trong, bút sắc” trước hết, các phóng viên, nhà báo đặc biệt là các phóng viên trẻ phải có cái tâm với nghề, phải biết vì cái chung để xây dựng đất nước phát triển. Không nên vì bất kỳ động cơ nào để có những bài viết làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước và ngành VHTTDL.

Bởi thế, tôi mong muốn mỗi phóng viên, nhà báo hãy đặt danh dự của chính mình trong định hướng thông tin thông qua mỗi sản phẩm của mình. Như tôi được biết, một trong những chức năng của báo chí chính là định hướng dư luận. Phóng viên, nhà báo có bài viết tốt, hay, ý nghĩa thì sẽ định hướng xã hội theo hướng tốt. Ngược lại, những bài viết thông tin thiếu chính xác hay bị “nhiễu”  sẽ  tạo ra dư luận không tốt, đôi khi vô hình chung những thông tin đó sẽ tiếp tay cho những thế lực thù địch đả phá chính quyền và nhà nước ta.

Không dừng lại ở đó, mỗi phóng viên, nhà báo ngoài thu nạp và phát thông tin thì cần tăng cường khả năng xử lý, phân tích thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế, diễn biến chính trị của cả thế giới và Việt Nam như hiện nay thì trong mỗi bài viết của mình các phóng viên, nhà báo cần phải tỉnh táo đặt lợi ích của quốc gia, của Đảng lên trên hết.

Năm 2013 là năm ngành văn hóa, thể thao du lịch có nhiều sự kiện nổi bật, vậy ông có thể đưa ra một số định hướng cơ bản của lãnh đạo ngành về công tác thông tin tuyên truyền trong năm nay?

Đúng như vậy, đây là năm có khá nhiều sự kiện nổi bật có thể kể đến như: những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước hay những ngày văn hóa của các nước tại Việt Nam đó là về đối nội, đối ngoại. Thể thao Việt Nam tập trung cho sân chơi SEA Games 27 và nhiều giải đấu quốc tế quan trọng khác; các hoạt động ở lĩnh vực du lịch và gia đình cũng có rất nhiều sự kiện nổi bật… Tất cả các hoạt động này đều nằm tronng chương trình, kế hoạch công tác năm của Bộ VHTTDL đã ban hành gần đây.

Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền tập trung vào việc quảng bá mạnh mẽ bản sắc văn hóa Việt Nam và trong năm nay có một điều rất quan trọng đó là tổng kết Nghị quyết Trung ương V khóa VIII. Đây là vấn đề lớn, nhằm tổng kết đánh giá những mặt được và chưa được “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” từ đó tìm ra những nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục nhằm nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam. Đó chính là nền tảng của xã hội và cũng chính là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Nói như thế cho thấy, văn hóa gắn liền với kinh tế, du lịch và thể thao, gia đình cũng gắn liền với văn hóa. Tập trung quảng bá, thúc đẩy phát triển văn hóa tức là đưa thể thao, du lịch và gia đình cùng phát triển mạnh mẽ…

Thông tin báo chí gần đây cho thấy, nhiều phóng viên chưa hiểu rõ được sự gắn kết giữa các lĩnh vực do Bộ VHTTDL quản lý, vậy lãnh đạo Bộ VHTTDL có định hướng gì về vấn đề này?

Đúng như vậy, mặc dù Bộ VHTTDL đã sáp nhập được 7 năm (từ năm 2007) nhưng hiện nay vẫn còn không ít phóng viên, nhà báo đặc biệt là đội ngũ trẻ chưa hiểu rõ về sự gắn kết giữa các lĩnh vực do Bộ VHTTDL quản lý là văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Điều đó dẫn tới nhiều bài báo thông tin về các hoạt động của ngành chưa thật chuẩn xác, thiếu chiều sâu và kém chất lượng về thông tin.

Ở đây, ý tôi muốn nhấn mạnh: mỗi phóng viên, nhà báo được cơ quan báo chí giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động ở từng lĩnh vực do Bộ VHTTDL quản lý thì ít nhất mỗi cá nhân đều phải tìm hiểu và có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực mà mình đang phụ trách. Thường xuyên trau dồi và cập nhật thông tin về mỗi lĩnh vực mà bản thân phóng viên, nhà báo đó quan tâm hay theo dõi. Để từ đó, có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc và rõ ràng hơn về sự gắn kết giữa các lĩnh vực do Bộ quản lý.

Không phải ngẫu nhiên nhà nước ta lại cho sáp nhập 4 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình lại thành một cơ quan quản lý chung là Bộ VHTTDL. Chắc chắn giữa các lĩnh vực này phải có sự liên quan mật thiết và bổ trợ cho nhau.

Cho nên thời gian tới đây, mỗi phóng viên, nhà báo đặc biệt là các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ cần phải cập nhật thông tin liên tục, cũng như có sự trau dồi và tìm hiểu về tất cả các lĩnh vực mà Bộ đang quản lý. Tránh tình trạng phóng viên thể thao chỉ chuyên viết về thể thao mà không hiểu gì về các lĩnh vực còn lại. Hay phóng viên theo dõi mảng văn hóa, du lịch, gia đình cũng vậy đều phải có những vốn kiến thức nhất định về thể thao, tất cả đều phải có sự đan xen lẫn nhau.

Báo chí muốn sắc sảo và có uy tín thì mỗi tiêu đề, câu chữ cần nâng cao trách nhiệm và uy tín của mỗi cá nhân. Bản thân họ cần phải trau dồi kiến thức, có cái nhìn đúng đắn và thật sự am hiểu về những vấn đề mà mình viết. Có  như vậy, mới có những bài viết hay, giá trị và mang lại lợi ích cho xã hội.

Hiện nay, Bộ VHTTDL có website và 3 Trung tâm thông tin trực thuộc Bộ phản ánh và cập nhật thông tin tương đối đầy đủ về các hoạt động của ngành. Do vậy, tôi nghĩ nếu phóng viên nào cần tìm hiểu về các hoạt động của ngành, thì hãy có sự tham khảo và tìm hiểu từ trước thông qua các kênh thông tin này. Để mỗi bài viết của các phóng viên, nhà báo hay những người quan tâm tới các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đạt được hiệu quả cao hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 N. Hương thực hiện

Print

Số lượt xem (2115)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.