|
Đoàn công tác làm việc với tỉnh Hà Giang(Ảnh: T.Hường) |
Thâm nhập thực tế, cơ sở xã, phường, thị trấn để nắm rõ tình hình, tiến độ triển khai nhiệm vụ là một trong những hoạt động cần thiết của Văn phòng Ban điều phối đề án Nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đó cũng chính là bài học lý luận gắn với thực tiễn mà tư tưởng Hồ Chủ Minh đặc biệt nhấn mạnh.
Thực hiện kế hoạch khảo sát năm 2013 của Ban chỉ đạo đề án 641, Văn phòng Ban điều phối đã thành lập đoàn khảo sát đi thực tế tại tỉnh Hà Giang. Tiếp và làm việc cùng đoàn, có các đồng chí là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh; các thành viên đại diện cho Sở VHTTDL; Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin Truyền thông; Lao động Thương binh và Xã hội…
Là một tỉnh miền núi nghèo thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, Hà Giang đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ sinh cao, đặc biệt là sinh con thứ 3. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ suy dinh dưỡng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới tầm vóc, thể lực của con em đồng bào dân tộc miền núi nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặc dù, đã có nhiều chương trình về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng nhưng đa số chỉ mang tính nhỏ lẻ nên chưa thực sự tạo được sự chuyển biến rõ rệt.
Chia sẻ với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang – ông Dương Tuấn Hùng cho biết: “Ngay sau khi nhận được công văn về việc thành lập Ban chỉ đạo tại địa phương, Hà Giang đã bắt tay triển khai nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch triển khai đề án một cách cụ thể. Tuy nhiên, do chưa có những thông tin hướng dẫn cũng như kế hoạch phối hợp giữa trung ương, địa phương và các ban ngành nên Hà Giang còn gặp nhiều lúng túng trong việc chọn trường thí điểm cũng như cách thức triển khai. Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền tới từng hộ dân trên các xã, huyện dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do đặc thù của các tỉnh miền núi, không có Internet, truyền hình, thậm chí báo giấy cũng còn hiếm…”
Thực tế cho thấy, để vận hành được 1 đề án có quy mô lớn như đề án nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam, đặc biệt là ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang thì công tác thông tin tuyên truyền phải đi trước một bước. Qua khảo sát, phương tiện truyền thông chính ở 11 xã, huyện vùng cao Hà Giang là đài phát thanh và hướng dẫn viên. Song hầu hết các trạm truyền thanh, truyền hình cấp xã đều bị hỏng và xuống cấp nghiêm trọng nên nhiều khi cán bộ phụ trách và cán bộ văn hóa xã không có điều kiện áp dụng những kiến thức đã tiếp thu được tại lớp tập huấn vào thực tiễn công việc hàng ngày.
Thêm vào đó, địa hình phức tạp, người dân nơi đây chỉ tập trung đông vào những ngày phiên chợ nên việc thông tin tuyên truyền nếu không muốn đạt tiêu chí: đúng, chính xác và hấp dẫn cần phải có một kế hoạch phối hợp sớm và cụ thể. Như vậy, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy tổ chức Ban chỉ đạo tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai đề án bám sát lộ trình quốc gia, các giải pháp về truyền thông, Hà Giang còn cần những hướng dẫn cụ thể về xây dựng dự toán kinh phí để đề án mang tính khả thi và sớm được triển khai. Đây cũng chính là trách nhiệm mà Văn phòng Ban điều phối rút ra sau chuyến công tác tại Hà Giang.
Thùy Anh