|
Đoàn khảo sát tại trường mầm non Hoa Sen - Tp Vinh, Nghệ An (Ảnh: T. Hường) |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lô Trung Thành, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An cho biết: Thiên tai đã là một bất lợi, Nghệ An còn là một tỉnh rộng, miền núi chiếm ¾ diện tích cả tỉnh, kinh tế ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt gặp nhiều khó khăn do vậy nhu cầu và điều kiện tập luyện thể thao cũng như cải thiện cuộc sống là không cao; phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đồng đều, phần lớn tập trung chủ yếu ở thành phố, các vùng đồng bằng, trung tâm huyện và còn mang tính tự phát, thiếu bền vững; cơ sở vật chất, sân bãi dụng cụ phục vụ phong trào TDTT nói chung còn thiếu, đặc biệt trong hệ thống giáo dục nhiều trường học chất lượng môn giáo dục thể chất và điều kiện tập luyện còn hạn chế do thiếu trang thiết bị tập luyện, kinh phí dành cho các hoạt động ngoại khóa của các cơ sở giáo dục theo quy định còn quá ít so với nhu cầu hiện nay… Trước tình hình đó, việc triển khai các đề án, dự án về thể dục thể thao gặp rất nhiều khó khăn.
|
Ông Lô Trung Thành - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An làm việc với Ban điều phối trung ương (Ảnh: T.Hường) |
Thực tế ghi nhận của chúng tôi trong 3 ngày làm việc tại Nghệ An cho thấy: Sau khi Đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai Quyết định đến các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng vẫn còn mơ hồ và thiếu thực tế.
Đến nay, ngoài việc xây dựng được Ban chỉ đạo địa phương gồm 9 thành viên thuộc các Sở, ban, ngành do ông Nguyễn Xuân Đường – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban; thành lập tổ thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo tỉnh với 8 thành viên, các hoạt động còn lại trong kế hoạch triển khai Đề án theo yêu cầu cụ thể của Văn phòng Ban điều phối còn chung chung, số liệu về trường học thực hiện thí điểm, số học sinh, chỉ số dinh dưỡng, thấp còi, cân nặng… chưa chính xác.
Đặc biệt, vấn đề xây dựng dự toán và phân bổ kinh phí đề án như thế nào cho chính xác, thống nhất giữa trung ương và địa phương cũng hết sức đáng lo ngại.
Để triển khai tốt đề án, đảm bảo chất lượng và tiến độ, Ban chỉ đạo Nghệ An kiến nghị 3 vấn đề:
- Ban điều phối trung ương và các Bộ, ngành cần có chương trình, kế hoạch, nội dung, lộ trình cụ thể hơn nữa để hướng dấn địa phương triển khai thực hiện.
- Tạo điều kiện và bố trí nguồn kinh phó đảm bảo để xây dựng các công trình, thiết chế TDTT, dụng cụ phục vụ tập luyện tại các trường học, cơ sở giáo dục điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo các chương trình thành phần của Đề án.
- Sớm ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết và các biện pháp bảo đảm triển khai có hiệu quả Đề án trong thời gian tới.
Thùy Anh