Menu

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

25 Tháng Mười 2012

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

TS. Đàm Quốc Chính - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt đề tài (Ảnh: Văn Duy)

Buổi nghiệm thu đề tài có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng - TS. Lê Đức Chương, Ủy viên phản biện: GS.TS. Nguyễn Đại Dương, PGS.TS Trần Văn Liên; Ủy viên Hội đồng: TS. Nguyễn Viết Nghĩa, TS. Trần Đức Phấn, TS. Lê Hồng Sơn, TS. Dương Đức Thủy, TS. Phạm Xuân Thành và đại diện đơn vị chủ trì.

Mở đầu buổi nghiệm thu, TS. Đàm Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt đề tài và kết quả nghiên cứu với các nội dung cơ bản gồm: phần mở đầu, mục tiêu nghiên cứu; tổng quan vấn đề nghiên cứu; đối tượng, phương pháp và tổ chức nghiên cứu; kết quả nghiên cứu: nghiên cứu cơ sở lý thuyết động lực học của kỹ thuật nhảy xa, đặc tính động lực học của kỹ thuật nhảy xa, mô hình và kiểm chứng; nghiên cứu thiết kế, sản xuất sản phẩm...

Chủ nhiệm đề tài cũng trình bày ứng dụng kiểm nghiệm sản phẩm đo lực trong thực tiễn với hàng chục VĐV cấp cao cũng như phỏng vấn hơn 70 giảng viên về các vấn đề có liên quan tới sản phẩm.

Ủy viên phản biện GS.TS Nguyễn Đại Dương và PGS.TS Trần Văn Liên đã nhận xét về đề tài như sau: Đề tài có cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu; đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, huấn luyện vận động viên; báo cáo đề tài được chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng phù hợp với mục tiêu đề ra, đó là đo được lực giậm nhảy khi vận động viên thực hiện chạy đà, bàn chân tiếp xúc với thiết bị này.

Ngoài ra các Ủy viên phản biện cũng đưa ra một số ý kiến nhận xét để đề tài được hoàn chỉnh hơn gồm: để sản phẩm được đưa vào sử dụng cần có phần thuyết minh về cách lắp đặt, sử dụng, tuổi thọ của sản phẩm trong các điều kiện sân bãi, môi trường khí hậu khác nhau.

Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Viết Nghĩa đánh giá rằng có một số phương pháp được nhắc đến như sinh cơ học, điện cơ nhưng không thấy được làm rõ trong sản phẩm. Trong quá trình nghiên cứu tổng quan, nhóm tác giả chưa chỉ ra những bằng chứng cụ thể như công trình đã được cơ quan, đơn vị nào đã nghiên cứu về sản phẩm này chưa? sản phẩm này đã xuất hiện ở những quốc gia nào trong khu vực, châu lục và thế giới; việc ứng dụng sản phẩm này ở các quốc gia. Qua đó để có thể đánh giá được giá trị, tính sáng tạo cũng như những mặt tồn tại cần khắc phục của sản phẩm... Tuy nhiên, xét về mặt tổng quan, nếu sản phẩm được hoàn thiện, ứng dụng trong thựuc tiễn thì đây sẽ công cụ hỗ trợ rất hiệu quả trong quá trình giảng dạy, huấn luyện VĐV. Nếu tiếp tục được đầu tư nghiên cứu, sản phảm sẽ trở nên giá trị hơn khi hoàn thiện đo được góc giậm nhảy, gia tốc chạy đà (hiện tại sản phẩm mới đo được phương của lực).

Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, TS. Trần Đức Phấn khẳng định rằng đây là sản phẩm thể hiện tâm huyết nghề nghiệp của nhóm nghiên cứu mà trực tiếp là TS. Đàm Quốc Chính, một nhà khoa học luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo mong muốn tạo ra được sản phẩm do người Việt Nam sản xuất đáp ứng được yêu cầu chuyên môn trong công tác giảng dạy, huấn luyện. Tuy nhiên cũng cần kiểm chứng thêm về mặt khoa học để đảm bảo độ tin cậy của sản phẩm.

Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, TS. Lê Hồng Sơn khẳng định sản phẩm thiết bị đo lực hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đối với một thiết bị đo lực không chỉ sử dụng đối với môn nhảy xa mà có thể áp dụng đo lực đối với vận động viên các môn boxing, taekwondo và một số môn thể thao khác. Ngoài ra, uỷ viên Lê Hồng Sơn còn quan tâm tới giá thành, tuổi thọ, độ tin cậy của sản phẩm khi được sản xuất đưa vào thực tiễn.

Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, TS. Dương Đức Thủy cho rằng cần tập trung chủ yếu vào việc mô tả chi tiết sản phẩm, nếu được chấp nhận và đưa ra thị trưởng, thì sản phẩm cần được nghiên cứu sao cho nhỏ gọn hơn; thuận tiện cho việc thao tác lắp đặt phục vụ chuyên môn. Nhìn chung đề tài đã thể hiện tâm huyết trăn trở nhiều năm của chủ nhiệm đề tài với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như thành tích VĐV.

TS. Lê Đức Chương - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhận xét về đề tài (Ảnh: Văn Duy)

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS. Lê Đức Chương khẳng định đây là đề tài đầu tiên của ngành Thể dục thể thao nghiên cứu sản phẩm sản xuất thử nghiệm về một dụng cụ đo lực. Đây là ý tưởng nhằm hiện thực hóa những trăn trở, mong muốn của những người công tác trong lĩnh vực thể thao về ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tập luyện, nâng cao thành tích của VĐV. Sản phẩm có thể chưa đáp ứng được tất cả yêu cầu nhưng là cơ sở ban đầu để có thể triển khai những bước nghiên cứu tiếp theo tạo ra sản phẩm mẫu hoàn chỉnh, ứng dụng trong thực tiễn. Bố cục bản thuyết minh đáp ứng đúng yêu cầu của một đề tài nghiên cứu cấp Bộ. TS Lê Đức Chương đánh giá rằng tác giả và nhóm tác giả đã hoàn thành tốt mực tiêu của đề tài đặt ra.

Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả nghiệm thu công trình nghiên cứu sản xuất thiết bị đo lực ứng dụng trong môn nhảy xa phục vụ công tác giảng dạy, huấn luyện VĐV đạt (82,5 điểm) loại khá.

A.T

Print

Số lượt xem (2049)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.