Menu

Nhìn lại 2/3 chặng đường ASIAD 16

Nhìn lại 2/3 chặng đường ASIAD 16

26 Tháng Mười Một 2010

Nhìn lại 2/3 chặng đường ASIAD 16

Nhìn nhận đánh giá tìm hiểu nguyên nhân của việc chưa giành được HCV, nhiều người cho rằng do các VĐV thiếu chuyên nghiệp, do chúng ta thi đấu trên sân khách, do nước bạn Trung Quốc là nước chủ nhà lại là nước quá mạnh… nhưng ngẫm lại, còn có nhiều lý do khác theo chủ quan của người viết. Cá nhân người viết chợt nhận thấy một điểm tưởng chừng như đúng đắn nhưng có lẽ cần phải suy nghĩ lại. Đó chính là việc chọn điểm tập huấn cho các đội tuyển tham dự ASIAD này. Ngay từ đầu năm 2010, các môn tham dự ASIAD đều đã xây dựng kế hoạch tập huấn và được phê duyệt. Trong đó hầu hết các môn như: Điền kinh, Cầu lông, Bóng bàn, Bơi, Nhảy cầu, Bóng đá và một số môn Võ đều được tập huấn tại Trung Quốc – chính là quốc gia đăng cai ASIAD lần này. Thoạt đầu nhận thấy, tập huấn tại nước đăng cai sẽ giúp VĐV làm quen được điều kiện sân bãi, thời tiết, khí hậu, dinh dưỡng… nhưng nghĩ lại Trung Quốc và Việt Nam 2 nước láng giềng cũng không khác nhau là mấy về các điều kiện sinh hoạt duy chỉ có ẩm thực và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện là khác nhau nhiều nhưng cũng không gây nhiều khó khăn nên việc tập huấn tại đây để phục vụ mục đích làm quen có vẻ như chưa phù hợp.

Có lẽ cũng chính vì việc tập huấn tại Trung Quốc quá nhiều môn thể thao nên "có thể" chuyện bạn nắm được điểm mạnh điểm yếu của các VĐV chúng ta cũng là điều dễ hiểu. Đã đành Trung Quốc là một cường quốc mạnh không chỉ về riêng thể thao song để bắt được điểm yếu, mạnh cũng gây khó khăn không nhỏ cho các VĐV của chúng ta đặc biệt là những trận chung kết mang tính chất quyết định.khi VĐV Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau. Hầu hết ở các trận đấu đó, Việt Nam đều bị thua cuộc. Đơn cử như ở môn Wushu, cả 4 tấm HCB giành được đều để thua VĐV Trung Quốc và tất nhiên, 4 tấm HCV các nội dung đó đều thuộc về  Trung Quốc. Cụ thể: Nguyễn Thanh Tùng thua Wu Yana nội dung Taijiquan\Taijijian All-Round, Nguyễn Thị Bích thua E Meidie hạng đối kháng hạng 52kg, Phan Văn Hậu (đối kháng hạng 56kg) thua Li Xinjie và Nguyễn Văn Tuấn (hạng 65kg) để thua nước chủ nhà Zhang Junyong.

Trong khi đó, các nước bạn có nền thể thao và nền kinh tế tương đối gần Việt Nam như Thái Lan, Inodnesia, Philippiness đều có lựa chọn khác Việt Nam về điểm tập huấn như: Philippiness tập huấn 5 tháng VĐV Vật ở Cuba, Taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc, Judo tập huấn 4 tháng tại Nhật Bản, Điền kinh (nội dung Nhảy xa) tập huấn tại Cologne- Đức trong 6 tháng, VĐV Bơi Charlie Walker tập huấn tại Mỹ…

Malaysia cũng đã có những lựa chọn khác cho các đội tuyển đi tập huấn nước ngoài. Đội tuyển Karatedo Malaysia tập tại một trường đại học Kinkin, Osaka – Nhật Bản với 2 VĐV nam (Shaharru Ddin, Mahamed Hatta) và 4 VDDV nữ - đây là một trong những địa điểm tập luyện tốt nhất cho môn thể thao này trên chính quê hương của nó. Đua thuyền lựa chọn Auckland là điểm tập huấn, theo ông Mohd Afendy Abdullah: nơi đây có khí hậu lạnh rất phù hợp cho việc tập huấn của các VĐV làm quen trước khi đến Quảng Châu thi đấu (theo www.bernama.com). Khác với Philippines, Malaysia lựa chọn Phuket – Thái Lan là điểm tập huấn môn Bơi.

Còn Indonesia lựa chọn Điền kinh tập huấn tại Đức; tuyển Xe đạp tập huấn tại 2 điểm: Alkmaar- Hà Lan (riêng đội xe đạp đường trường) và San Diego – Mỹ.

Chỉ cần nhìn qua một số điểm tập huấn của các đội tuyển nước bạn, mới thấy rằng Việt Nam còn chưa có được sự lựa chọn đa dạng cho việc tập huấn tại nước ngoài đặc biệt là tới các nước có sự nghiệp thể thao phát triển mạnh và có thể mạnh về từng môn khác nhau. Tại sao Bơi Việt Nam không tập huấn tại Mỹ, Điền kinh không tập huấn ở Đức… cũng có nhiều lý do, nhưng chắc hẳn phần lớn là do vấn đề kinh phí. Nếu như nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chỉ có trong phạm vi nào đó thì phương án xã hội hóa trong những trường hợp như thế này (giống như Cờ Vua, Cầu lông đã thực hiện được) lại là hữu hiệu song cần có sự nỗ lực, cố gắng không chỉ của riêng ngành  TDTT mà của toàn xã hội chung tay, góp sức.

Tính riêng cho việc đầu tư cho các VĐV tham dự ASIAD, Philippines dành trung bình 10 triệu peso – tương đương 15,72 tỷ đồng cho việc tập huấn và mua sắm trang thiết bị chuẩn bị tham dự ASIAD 16 cho mỗi môn thể thao (theo www.philstar.com). Còn vấn đề dinh dưỡng cũng rất được quan tâm, Philippines chi 350 peso cho 1 VĐV/ngày – tương đương 550 nghìn đồng cho 1 VĐV/ngày. Không những vậy, riêng đoàn thể thao Philippines tham gia ASIAD nhận 40 triệu peso, 261 thành viên đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho ASIAD 16 được hưởng mức lương đương đối cao. Trong đó 11 VĐV ưu tiên hàng đầu hưởng mức 20 nghìn peso/tháng (31,440 triệu đồng/tháng), tiếp theo là các mức 15 nghìn peso, 10 nghìn peso, 6 nghìn peso và thấp nhất là 5 nghìn peso (7,860 triệu đồng/tháng). Việc tăng tiền thưởng cho các V ĐV giành huy chương tại ASIAD của Philippines cũng thấy được sự đầu tư cao cho thể thao của quốc gia này. Từ năm 2009 SEA Games tại Lào, mỗi HCV sẽ tặng thêm 200 nghìn peso (314 triệu đồng). Dự kiến, HCV tại ASIAD sẽ tăng gấp 2 lần so với trước đây tức lên thành 2 triệu peso/HCV (gần 2 tỷ đồng – 1,998 tỷ) cũng có lẽ bởi họ có quỹ dành cho khen thưởng lên đến 90 triệu peso (thông tin theo nguồn www.gz2010.cn).

Các VĐV Indonesia chuẩn bị tham dự ASIAD 16 sẽ nhận số tiền trợ cấp hàng ngày khoảng 150-170 nghìn IDP (tương đương 326- 370 nghìn đồng) ngoài tiền lương hàng tháng là 5 triệu IDP/tháng/VĐV (tương đương hơn 10 triệu đồng/tháng). Indonesa cũng mới được cấp kinh phí cho “Chương trình Vàng Indonesia” 200 tỷ IDP (tương đương 435 tỷ đồng) là khoản đầu tư không nhỏ cho nền thể thao của đất nước vạn đảo này.

Chợt nhìn về Việt Nam, 60 ngày trước khi tham dự các kỳ Đại hội lớn, các VĐV mới được đầu tư cao hơn về dinh dưỡng nhưng cũng chỉ dừng lại ở 200 nghìn đồng/ngày/VĐV. Không cần phải phân tích, ai cũng nhận thấy, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, con số 200 nghìn đồng quả là ít ỏi. Còn mức thưởng theo Quyết định 234/QĐ-TTg mức thưởng giành VĐV cho HCV Olympic cũng chỉ là 30 triệu đồng, ASIAD là 25 triệu đồng.

Một thực tế khách quan khác cần nhìn nhận, chúng ta cũng phải thấy rằng đội ngũ HLV của Việt Nam còn yếu cả về chất và lượng. Hầu hết các HLV cực kỳ yếu về ngoại ngữ nên việc cập nhật những thông tin mới về kỹ chiến thuật, những kết quả nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng, y tế, những thông tin về đối thủ… còn hạn chế rất nhiều, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo nâng cao trình độ cho VĐV đặc biệt trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay. Đó cũng là một trong những điều cần xem xét lại trong cả quá trình phát triển sự nghiệp TDTT chứ không phải để giải thích, biện minh cho những chỉ tiêu chưa đạt được tại ASIAD hay bất cứ sự yếu kém nào của đoàn TTVN tại các kỳ Đại hội khác.

Về Trọng tài, nhiều người cho rằng Trọng tài không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các VĐV trong thi đấu. Song nếu được đứng trong vị trí quyết định của Hội đồng trọng tài từng môn, có lẽ cục diện sẽ có phần thay đổi, đặc biệt ở những môn chấm điểm có phần cảm tính. Mặc dù hiện nay các phương tiện hiện đại đã được áp dụng cho công tác trọng tài trong các cuộc thi đấu, nhưng Luật nào cũng vẫn có những chỗ “hở”, nếu là thành viên quan trọng của Hội đồng trọng tài thì Thể thao Việt Nam chắc hẳn có tiếng nói hơn. Ở đây, không nói đến việc lợi dụng trọng tài để làm những điều phạm luật mà chúng ta chỉ mong muốn thực hiện theo đúng Luật định có tiếng nói quyết định theo Luật trong những trường hợp cảm tính. Ở đấu trường ASIAD lần này, Việt Nam có quá ít đội ngũ trọng tài tham gia làm nhiệm vụ, chỉ có quá ít đại diện trọng tài như Vũ Sơn Hà – Karatedo, Anh Thư – Cờ Vua; Hoàng Quốc Vinh - Wushu và một số trọng tài ở các môn khác nhưng đảm nhiệm những vị trí không mang tính "trọng lượng".

Không chỉ đến ASIAD 16 này, nhiều người mới đặt ra câu hỏi, sau Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Tiến Minh… sẽ là ai?. Nữ hoàng kata Hoàng Ngân bị chấn thương không thi đấu được cũng không có người thay thế, để trống hẳn nội dung kata. Nguyễn Mạnh Tường 39 tuổi vẫn tham dự ASIAD. Hoàng Anh Tuấn dính nghi án dopping không thi đấu, niềm hy vọng HCV của Cử tạ không còn nữa… Tất cả những câu hỏi đó đều chưa có câu trả lời, những vấn đề đặt ra chỉ lặng thinh bởi công tác đào tạo trẻ của chúng ta đã có vấn đề và cần phải tính toán để thực hiện "cuộc cách mạng" như một vài chuyên gia, một vài nhà báo đã đề xuất, đã nói. Việc làm đó nhằm tạo "bước nhảy" thì mới hy vọng đến những HCV, đến vị thế thực sự của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Mặc dù ASIAD 16 chưa kết thúc, song qua 2/3 chặng đường, chúng ta đã có thể nói lên điều gì đó, mỗi người quản lý, mỗi chuyên gia, mỗi HLV, VĐV và ngay cả mỗi người hâm mộ thể thao cũng đều có cách nhìn riêng dưới nhiều góc độ khác nhau. Ở đây, chúng tôi cũng xin chia sẻ đôi điều ngẫm nghĩ dưới góc độ cá nhân trước bối cảnh đoàn TTVN đang thi đấu có phần "không như mong đợi" của người hâm mộ thể thao nước nhà tại ASIAD 16 này.

HX

Print

Số lượt xem (1085)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.