Menu

Nhìn lại công tác tổ chức và các hoạt động thiết chế văn hoá, thể thao cấp cơ sở ở Lâm Đồng

Nhìn lại công tác tổ chức và các hoạt động thiết chế văn hoá, thể thao cấp cơ sở ở Lâm Đồng

18 Tháng Giêng 2011

Nhìn lại công tác tổ chức và các hoạt động thiết chế văn hoá, thể thao cấp cơ sở ở Lâm Đồng

Tiết mục biểu diễn trong chương trình Ngày hội Văn hóa - Thể thao tại huyện Hà Lầm  (Ảnh: T.Truyền)
Trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao, các thiết chế như: quỹ đất, nhà̀ văn hóa, trang thiết bị… luôn đóng một vai trò quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Thực tế cho thấy, các thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện hiện có đã và đang phát huy một cách tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn; khơi dậy và phát huy các nét đẹp văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc tại địa phương, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện của tỉnh Lâm Đồng, gồm 12 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và 12 đội thông tin lưu động. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.509m2 diện tích được đưa vào sử dụng làm phòng làm việc của cán bộ, nhân viên; 5.612m2 dành cho hoạt động nghiệp vụ; 73.898m2 dành cho hoạt động văn hóa - thể thao... Đến nay, đã có 10/12 huyện, thành phố đã quy hoạch xong diện tích dành cho xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao với tổng diện tích trên 145.145m2.

Để tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa và thể thao, những năm qua địa phương đã có những đầu tư nhất định về trang thiết bị cho các thiết chế văn hoá và thể thao cơ sở. Theo chương trình mục tiêu Quốc gia, hàng năm tỉnh đã đầu tư hoàn thiện dần hệ thống trang thiết bị các nhà văn hoá ở các huyện, xã vùng khó khăn trong tỉnh. Đến nay, trên 50% các Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố đã có hội trường dành cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Hệ thống trang thiết bị phục vụ chuyên môn nghiệp vụ được đầu tư nâng cấp hàng năm, nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ đều được bổ sung, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động văn hóa - thể thao tại các địa phương.

Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ viên chức cơ sở được kiện toàn hàng năm theo quy định của Nhà nước, đảm bảo cho các hoạt động văn hóa - thể thao. Đến nay, lực lượng cán bộ, viên chức tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện và thành phố trên toàn tỉnh là 175 người, trong đó trình độ đại học chuyên ngành Văn hóa, Thể dục thể thao 17 người, cao đẳng 12 người và trình độ trung cấp là 32 người. Trình độ của cán bộ công chức ngày càng được nâng cao thông qua các lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao do các cấp chủ trì.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn nhất định, như: Việc đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao, trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao chưa đồng bộ, do vậy chưa đáp ứng được các nhu cầu hưởng thụ tinh thần ngày càng tăng trong nhân dân. Trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ trong ngành tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa và thể thao. Việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa và thể dục thể thao tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành hữu quan đối với sự phát triển đời sống văn hóa cơ sở vừa mang tính cấp bách vừa là chiến lược lâu dài. Kinh phí dành cho công tác xây dựng, tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa và thể thao chưa đáp ứng được tình hình thực tế hoạt động của địa phương.

Từ những thực trạng khó khăn trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng có một số định hướng sau: Tham mưu để sớm ban hành các tiêu chuẩn phân hạng tiêu chí, điều kiện công nhận mỗi loại thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện để hướng dẫn địa phương trong việc quy hoạch, quản lý và hình thành hệ thống thiết chế, làm cơ sở đánh giá quy mô của mỗi thiết chế hiện có. Cần hỗ trợ ngân sách hàng năm cho việc xây dựng thiết chế văn hóa và thể thao, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa -  văn nghệ, thể dục - thể thao cấp huyện. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và thể thao cũng như việc tạo điều kiện để các địa phương trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.

Ðể triển khai tốt việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở cần có sự quan tâm sâu sắc và sự thống nhất từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã, có thể coi đó là yếu tố quyết định. Sự quan tâm đó phải được thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể như quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao.

Từ những kết quả đạt được và khó khăn như trên đã nêu, việc trước tiên là cần phải có sự đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, để từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội.

  Thanh Truyền

Print

Số lượt xem (2087)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.