Menu

Những chặng đường phát triển của Thể thao thành tích cao

Những chặng đường phát triển của Thể thao thành tích cao

27 Tháng Ba 2013

Những chặng đường phát triển của Thể thao thành tích cao

Thành tích của Thể thao Việt Nam tại các Đại hội thể thao khu vực từng bước khẳng định vị trí 1 trong 3 quốc gia có nền thể thao mạnh ở Đông Nam Á và đứng trong tốp các quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh ở châu Á. Ngoài những môn thế mạnh, nhiều lần giành thứ hạng cao tại các giải vô địch thế giới như Wushu, Pencak Silat, Taekwondo, Cầu mây nữ, Cờ Vua,... các môn đạt vị trí cao tại khu vực và châu lục như: Karatedo, Cờ Tướng, Thể dục Thể hình, Xe đạp thì nay đã xuất hiện thêm một số môn như: Cử tạ, Vật, Điền Kinh, TDDC, Billiards-Snooker cũng đang từng bước khẳng định vị trí trên đấu trường thể thao tầm cỡ thế giới. Những thành tích đó của Thể thao Việt Nam đã được minh chứng cụ thể bằng số lượng huy chương mà các VĐV Việt Nam đã giành được tại các đấu trường thể thao lớn như: Olympic, Asiad, SEA Games.

Nhân sự kiện 67 năm Ngày thể thao Việt Nam, những ai đã và đang dành squan tâm cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao nước nhà cùng tự hào điểm lại những chặng đường phát triển của thể thao thành tích cao tại 3 sự kiện thể thao lớn của các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới: SEA Games, Asiad và Olympic

Đại hội Olympic

 - Việt Nam lần đầu tiên tham gia Đại hội Olympic vào năm 1980, tại Mosscow (Liên bang Nga) với 35 VĐV (8 VĐV nữ), thi đấu ở các môn: Bơi (11 VĐV),  Vật tự do (8 VĐV), Điền kinh (9 VĐV), Bắn súng (7 VĐV). Tại Đại hội lần này đoàn Thể thao Việt Nam chưa giành được huy chương.

- Năm 1984 Đại hội Olympic được tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) nhưng Việt Nam không tham dự.

- Năm 1988, Đại hội Olympic được tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc). Việt Nam cử 10 VĐV đi thi đấu ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Quyền Anh (2 VĐV), Bơi lội (2 VĐV), Vật (1 VĐV), Bắn súng (1 VĐV), Xe đạp (2 VĐV) nhưng chưa giành được huy chương.

- Năm 1992, Đại hội Olympic được tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha). Việt Nam có 7 VĐV tham gia ở các môn:  Điền kinh (4 VĐV), Bơi lội (2 VĐV), Bắn súng (1 VĐV). Tham dự Đại hội lần này các VĐV chưa giành được huy chương.

- Năm 1996, Đại hội Olympic được tổ chức ở Atlanta (Mỹ). Việt Nam chỉ có 6 VĐV tham gia ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Bơi lội (2 VĐV), Bắn súng (1 VĐV) và Judo (1 VĐV). Đại hội này, đoàn Thể thao Việt Nam chưa giành được huy chương.

- Năm 2000, Đại hội Olympic được tổ chức ở Sydney (Úc). Việt Nam có 7 VĐV tham dự ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Bơi lội (2 VĐV), Bắn súng (1 VĐV), Taekwondo (2 VĐV). Đây là kỳ TVH đầu tiên Thể thao Việt Nam giành được huy chương. Tại TVH này, võ sĩ Trần Hiếu Ngân đã xuất sắc giành được 1 HCB ở môn Taekwondo hạng 57 kg nữ. Kết quả, Việt Nam xếp hạng 64/199 nước tham dự.

 - Năm 2004, Đại hội Olympic được tổ chức tại Athens (Hy Lạp). Việt Nam có 11 VĐV tham gia ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Bơi lội (1 VĐV), Bóng bàn (1 VĐV), Bắn súng (1 VĐV), Canoeing (1 VĐV), Taekwondo ( 2 VĐV), Cử tạ (1 VĐV), Rowing (2 VĐV). Đại hội này các VĐV  không giành được huy chương.

- Năm 2008, Đại hội Olympic được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Việt Nam cử 13 VĐV đi thi đấu ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Bơi lội (1 VĐV), Bóng bàn (1 VĐV), Bắn súng (1 VĐV), Taekwondo (3 VĐV), Cử tạ (2 VĐV), Cầu lông (2 VĐV), Thể dục dụng cụ (1 VĐV). Kết quả, giành 1 HCB từ môn Cử tạ của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56 kg nam. Đoàn Việt Nam xếp hạng thứ 71/204 nước tham gia.

- Năm 2012, Việt Nam có 18 VĐV tham gia thi đấu tại Đại hội Olympic được tổ chức tại Luân Đôn (Anh). Các VĐV tham gia tranh tài ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Bơi lội (2 VĐV), TDDC (3 VĐV), Bắn súng (2 VĐV), Cử tạ (2 VĐV), Taekwondo (2 VĐV), Cầu lông (1 VĐV), Đấu kiếm (1 VĐV), Judo (1 VĐV), Chèo thuyền (2 VĐV), Vật (1 VĐV). Đây là kỳ Đại hội Olympic đầu tiên, thể thao Việt Nam giành được nhiều suất tham dự chính thức nhất, tuy nhiên các VĐV chưa giành được huy chương tại Đại hội này.

Đại hội thể thao châu Á - ASIAD

- Năm 1982, Đại hội thể thao châu Á lần thứ IX (Asiad) tổ chức tại New Delhi - Ấn Độ, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Asiad với đoàn thể thao gồm 40 người. Các VĐV tham gia thi đấu các môn Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng. Tại Đại hội lần này, đoàn Thể thao Việt Nam giành được 1 HCĐ ở môn Bắn súng của VĐV Nguyễn Quốc Cường.

- Năm 1986 (phối hợp với CHDCND Triều Tiên, Việt Nam chỉ cử quan sát viên đến dự)

- Năm 1990 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Việt Nam đã tham gia ASIAD 11 với đoàn thể thao gồm 104 người. Các VĐV tham dự các môn Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Bóng bàn, Bóng chuyền nam, Vật tự do, Judo, Đấu kiếm, TDDC, Quyền anh, Wushu.

- Năm 1994, Asiad 12 được tổ chức tại Hirosima - Nhật Bản. Tham dự Đại hội này, đoàn thể thao Việt Nam gồm 84 người. Các VĐV tham gia tranh tài ở các môn: Điền kinh, Bắn súng, Bóng bàn, Judo, Taekwondo, Wushu, Karatedo, Vật tự do, Soft tennis. Đại hội lần này cũng là lần đầu tiên Việt Nam giành được 1 HCV ở môn Taekwondo (VĐV Trần Quang Hạ) và 2 HCB ở môn Karatedo (Phạm Hồng Hà và Trần Văn Thông). Việt Nam đứng thứ 19/42 trong bảng xếp hạng.

- Năm 1998, Việt Nam tham dự ASIAD 13 tại Băngkok - Thái Lan và đã đạt 17 huy chương các loại (1 HCV, 5 HCB, 11 HCĐ). Đây là kết quả tốt nhất trong 5 kỳ ASIAD của Việt Nam. Tấm HCV thuộc về VĐV Hồ Nhất Thống môn Taekwondo.

- Năm 2002, ASIAD lần thứ 14 được tổ chức tại Busan-Hàn Quốc. Việt Nam có 125 vận động viên, tham dự ở 7 môn thi, đạt được 18 huy chương (4 HCV, 7 HCB và 7 HCĐ), xếp thứ 15/44 nước tham dự.

- Năm 2006, Việt Nam tham gia ASIAD lần thứ 15 tại Doha (Qatar) với 247 vận động viên, tham gia tranh tài ở 25 môn thể thao. Kết quả, Việt Nam đạt 23 huy chương (3 HCV, 13 HCB và 7 HCĐ), xếp thứ 19/45 nước tham gia.

- Năm 2010, Việt Nam tham gia tranh tài tại ASIAD 16 tại Quảng Châu (Trung Quốc) với 260 VĐV ở 26 môn thi đấu. Tại Đại hội lần này, Việt Nam giành được tổng số 33 huy chương (1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ), xếp vị trí thứ 24/45 nước tham dự.

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA GAMES):

- Năm 1959: Việt Nam là một trong 6 nước thành viên sáng lập Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Sau 7 lần tham gia, Việt Nam đã đạt được một số thành tích, nổi bật ở các môn: Bóng bàn, Bắn súng, Quần vợt, Bơi, Xe đạp, Bóng đá (Vô địch năm 1959), Bóng chuyền nam (Vô địch năm 1967).

Sau năm 1980, Nhà nước đã có chủ trương tham gia trở lại nhưng do công tác chuẩn bị và lực lượng VĐV của Việt Nam còn hạn chế, phải đến năm 1989 Việt Nam mới chính thức tham dự. 

- Năm 1989: Việt Nam tham dự SEA GAMES 15 ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 46 VĐV, thi đấu ở 8 môn thể thao. Kết quả , Việt Nam đạt 19 Huy chương (3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ), xếp vị trí thứ 7/9 nước tham dự.

- Năm 1991: Việt Nam tham dự SEA GAMES 16 ở Manila (Philippines) với 100 VĐV, tham dự 15 môn thi với 69 nội dung. Đây là lần dự thi có số VĐV đông nhất tính từ SEA Games đầu tiên của Việt Nam. Kết quả, Việt Nam đạt 29 Huy chương (7 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ), đứng thứ 7/9 quốc gia tham dự.

- Năm 1993: Việt Nam tham dự SEA GAMES 17 ở Singapore, với 139 VĐV, tham gia tranh tài ở 15 môn thể thao. Kết quả, Việt Nam đạt 34 Huy chương (9 HCV, 6 HCB, 19 HCĐ), xếp thứ 6/9 nước tham dự.

- Năm 1995: Việt Nam tham dự SEA GAMES 18 ở Chiangmai - Thái Lan, với 183 VĐV, tham gia thi đấu ở 15 môn thể thao. Đại hội lần này, đoàn thể thao Việt Nam giành được 52 huy chương (10 HCV, 18 HCB, 24 HCĐ), xếp thứ 6/10 nước tham gia Đại hội.

- Năm 1997: Việt Nam tham dự SEA GAMES 19 ở Jakarta - Indonesia, với 340 VĐV, tham gia tranh tài ở 24 môn thể thao. Đây là lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam tham dự với lực lượng VĐV đông đảo nhất. Kết quả, đoàn Việt Nam đạt 133 Huy chương (35 HCV, 48 HCB, 50 HCĐ), xếp thứ 5/10 nước tham gia. Đây là kết quả tốt nhất trong 6 kỳ SEA GAMES của đoàn thể thao Việt Nam.

- Năm 1999: Việt Nam tham dự SEA GAMES 20 ở Brunei, với 170 VĐV, tham gia thi đấu ở 14 môn thể thao. Các VĐV đã giành được  64 huy chương (17 HCV, 20 HCB, 27 HCĐ), xếp thứ 6/10 nước tham dự.

 - Năm 2001: Việt Nam tham dự SEA GAMES 21 ở Kualalumpur-Malaysia, với 416 VĐV, tham gia 24/32 môn thể thao. Kết quả, Việt Nam đạt 132 huy chương (33 HCV, 35 HCB và 64 HCĐ), vươn lên xếp thứ 4/10 quốc gia tham dự trong bảng tổng sắp Huy chương.

 - Năm 2003: Việt Nam lần đầu tiên vinh dự được đăng cai tổ chức SEA GAMES 22 tại Thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên có 11 nước tham gia tranh tài ở 32 môn thể thao và 442 nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam có 690 VĐV tham dự ở tất cả 32 môn. Kết quả, Việt Nam dẫn đầu với 340 huy chương (156 HCV, 91 HCB, 93 HCĐ). Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam. Cũng kể từ kỳ SEA Games này, thể thao Việt Nam luôn giữ vững nằm trong Top 3 quốc gia đứng đầu khu vực.

- Năm 2005: Tham dự SEA GAMES 23 tại Philippines, với 528 VĐV, tham gia thi đấu ở 33 môn thể thao. Kết quả, Việt Nam đạt 228 huy chương (71 HCV, 68 HCB, 89 HCĐ), đứng thứ 3 trong khu vực. Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam kể từ khi tham dự SEA Games ở nước ngoài, vươn lên một trong 3 nước đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

- Năm 2007: Tham dự SEA GAMES 24 tại Thái Lan, với 605 VĐV tranh tài ở 29 môn thi đấu. Kỳ Đại hội này, Thể thaoViệt Nam tiếp tục khẳng định vị trí thứ 3 chung cuộc với 204 huy chương (64 HCV, 58 HCB, 82 HCĐ).

- Năm 2009: SEA Games 25 tại Lào, các VĐV Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung cuộc với 215 huy chương (83 HCV, 75 HCB, 57 HCĐ).

-Năm 2011: SEA Games 26 tại Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam gồm 608 VĐV tham gia tranh tài ở 36 môn thể thao. Kết quả tại Đại hội lần này đoàn Thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 3 chung cuộc với 288 huy chương (96 HCV, 92 HCB và 100 HCĐ).

Những con số trên đã phần nào khắc hoạ rõ nét hơn về chặng đường phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam trên con đường hội nhập thế giới và chinh phục đỉnh cao Olympic. Những thành tích đó cũng là cơ sở, nền tảng để thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển, nâng cao hơn nữa thành tích thi đấu, trở thành một trong những quốc gia có nền thể thao phát triển ở châu lục và thế giới.

V.A

Print

Số lượt xem (2705)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.