*Thưa ông, những thay đổi về luật được FIVB tiến hành như thế nào?
(Ô.NVH): Cứ định kỳ 4 năm 1 lần, căn cứ vào sự phát triển của môn Bóng chuyền trên toàn thế giới, đồng thời xuất phát từ mục đích làm tăng thêm sự hấp dẫn của môn thể thao này đối với công chúng, FIVB sẽ có những điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi luật và được áp dụng cho 4 năm tiếp theo.
*Thế những thay đổi luật giai đoạn 2013 – 2016 ra sao, ông có thể nêu cụ thể?
(Ô.NVH): Theo thông báo của FIVB, thì có 8 khoản thay đổi, nằm trong các Điều 4, 12, 19 và 21. Tuy nhiên, theo tôi, đáng chú ý nhất là một số khoản về thành phần của đội, nếu trước đây trong một trận đấu, mỗi đội chỉ được đăng ký tối đa 1 HLV phó thì nay là 2 (khoản 4.1.1); việc thay người không hợp lệ của Libero bị xem như là lỗi thay người không hợp lệ trong 2 trường hợp: Nếu việc thay người không hợp lệ của Libero được các trọng tài phát hiện và điều chỉnh lại đúng với hiện trạng trước khi bắt đầu pha bóng kế tiếp thì đội bóng bị phạt lỗi trì hoãn, nếu việc thay người không hợp lệ của Libero được phát hiện sau khi đã phát bóng thì xem như phạm lỗi thay người không hợp lệ (khoản 19.3.2.9).
Hay như từ năm 2013, mục đích xử phạt không nhằm vào các lỗi nhẹ. Trách nhiệm của trọng tài thứ nhất là ngăn chặn các đội không mắc lỗi để bị phạt. Xử lý lỗi này gồm hai mức độ: Mức thứ nhất, dùng lời nói để nhắc nhở thông qua đội trưởng; mức thứ nhì, thẻ vàng cho thành viên phạm lỗi. Nhắc nhở này chưa bị xử phạt nhưng cảnh báo cho thành viên phạm lỗi (và cả đội) là hành vi phạm lỗi đã tiến gần đến mức xử phạt. Lỗi này không gây hậu quả trực tiếp ngay nhưng được ghi nhận vào biên bản thi đấu (khoản 21.1) và dãn biên độ áp dụng thẻ phạt từ 3 lên thành 4 mức độ. Cụ thể, cách dùng thẻ phạt cho lỗi thái độ xấu: Nhắc nhở (không phạt), với mức 1: nhắc nhở bằng lời nói và mức 2: ký hiệu thẻ vàng, Phạt lỗi: xử phạt ký hiệu thẻ đỏ, Trục xuất: xử phạt thẻ đỏ + thẻ vàng kẹp lại, Truất quyền thi đấu: xử phạt ký hiệu thẻ đỏ + thẻ vàng riêng rẽ (khoản 21.6).
*Trước những thay đổi mang tính định kỳ của Luật Bóng chuyền, hàng năm Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đều mở lớp đào tạo Trọng tài Bóng chuyền trong nhà và năm nay 120 học viên (10 nữ) là những cán bộ, giáo viên phụ trách môn Bóng chuyền của các tỉnh, thành, ngành được đào tạo chuyên môn Bóng chuyền, các VĐV đã nghỉ thi đấu (dưới 35 tuổi) tham dự lớp học kỳ này, ông có cho là quá đông?
Ông Nguyễn Văn Hùng (Ô.NVH): Ồ, không. Thật ra các lớp được tổ chức trước đây, vào các năm 1998, 2004, 2008, 2010.., số học viên thường dao động trong con số này. Đây là nhu cầu có thật của các địa phương, ngành trong cả nước; đồng thời cũng là điều đáng mừng vì rồi đây từ trong số các học viên tham dự lớp học, BCVN sẽ có thêm một số trọng tài trẻ, đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ điều hành các giải đấu từ cấp thấp, dần đến cấp cao hơn.
*Lần này là lớp đào tạo Trọng tài mới, vậy khi nào mới lại tập huấn cho đội ngũ Giám sát - Trọng tài toàn quốc khi được biết, giải Bóng chuyền VĐQG PV Oil năm 2014 chuẩn bị khởi tranh (chỉ thi đấu 1 vòng - từ ngày 8 đến ngày 22/7 tại Quân đoàn 4 và 24/7 tại Bạc Liêu), thưa ông?
(Ô.NVH): Những kiến thức mới này đã được tập huấn cho toàn bộ đội ngũ Giám sát và Trọng tài làm nhiệm vụ ở giải VĐQG ngay từ đầu năm 2013 tại Hà Nội. Tuy nhiên, sang năm 2014 có bổ sung thêm 2 khoản nhỏ: thay vì thi đấu 3 bóng thì bây giờ FIVB quy định 5 bóng, hay đối với nghi thức 31 phút trước trận đấu sẽ không tập trung hai đội để làm thủ tục ở góc cuối sân phía bên trái Trọng tài thứ nhất, mà mời hai đội trưởng tiến hành bốc thăm trước bàn thư ký v.v.
Được biết LĐBCVN sẽ tổ chức tập huấn cho Giám sát - Trọng tài vào tháng 12, trước thời điểm diễn ra giải Bóng chuyền Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Theo tôi, tập huấn cho đội ngũ Giám sát, Trọng tài thôi thì chưa đủ. Những kiến thức này cần phải được cập nhật và phổ biến sâu rộng đến tất cả các đội bóng và khi nào họ biết điều gì được làm, điều gì không thì mới áp dụng “Phạt” hay “Không phạt”. Như thế người ta sẽ “tâm phục, khẩu phục”.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
T.Tùng