Từ khắc phục khó khăn...
Ninh Thuận là một tỉnh nằm ở cực Nam duyên hải Miền Trung; phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển dài 105 km. Ninh Thuận nằm ở trung điểm giao thông giữa Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam với Quốc lộ 27 tiếp cận với 3 vùng: Nam Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ rất thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá, thể dục thể thao giữa các vùng.
Diện tích đất tự nhiên thuộc địa phận Ninh Thuận là 3.360,06 km2, với 64 % diện tích là rừng núi, đất trống đồi trọc; đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 8,5%. Tỉnh hiện có 6 huyện và 01 thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, trong đó 3 huyện miền núi là Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc; toàn tỉnh có 65 xã, phường, thị trấn, trong đó có 21 xã miền núi đặc biệt khó khăn. Dân số trung bình năm 2009 khoảng 565.000 người, với 27 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số 78%, dân tộc Chăm chiếm 11,7%, dân tộc Raglai chiếm 9,4% và một số dân tộc ít người khác như K'Ho, Hoa, Nùng... Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 155 người/km2, dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn; thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,17%. Nhân dân hiện sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lao động nông thôn chiếm 86%. Với diện tích đất sản xuất ít, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đời sống kinh tế nhân dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là ở 29 xã miền núi (trong đó có 21 xã đặc biệt khó khăn); thiên tai, hạn hán lại thường xuyên xảy ra, kéo dài, phải khắc phục hậu quả trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sự nghiệp TDTT. Quỹ đất dành cho hoạt động TDTT ở cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực thành phố, thị trấn. Cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động TDTT còn nhiều thiếu thốn; việc thực hiện chủ trương xã hội hoá TDTT còn không ít khó khăn lúng túng, kết quả còn rất khiêm tốn. Quá trình giải thể Sở TDTT để nhập về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên mất một thời gian để ổn định về tổ chức bộ máy. Kinh phí cho hoạt động TDTT chủ yếu vẫn là ngân sách Nhà nước cấp, việc phát triển TDTT trong những năm qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển TDTT trong tình hình mới.
Mặc dù vậy nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường; bản sắc văn hoá dân tộc đa dạng, phong phú và đặc sắc, nhất là văn hoá Chăm và Raglai; có truyền thống đoàn kết, hiếu học và cần cù lao động, người dân Ninh Thuận đã vượt khó, cố gắng đạt nhiều thành tích trong các lĩnh vực trong đó có TDTT.
Đã đạt được một số kết quả đáng mừng
Qua 7 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, phong trào TDTT tiếp tục phát triển về quy mô, chất lượng hoạt động không ngừng nâng lên; hình thức hoạt động phong phú, đa dạng; TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao tiếp tục đẩy mạnh; thể thao trường học và trong lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân, viên chức đã chú trọng nhiều hơn; các môn thể thao cổ truyền và thể thao dân tộc phát huy mạnh mẽ; chủ trương xã hội hoá TDTT tiếp tục thực hiện đạt một số kết quả quan trọng.
Từ năm 2003 đến năm 2009, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng 4,6% (từ 13,8% lên 18,4%), dự kiến đến hết năm 2010 tăng lên 20%, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra là từ 18-20%. Tỷ lệ hộ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng 2,4% (từ 7,9% lên 10,3%); số CLB thể thao được thành lập tăng 37 CLB (từ 47 CLB lên 84 CLB). Năm 2009, nhiều địa phương có tỷ lệ người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên cao như: Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 20%, huyện Ninh Sơn 18,8%, Ninh Phước 17,6%, Ninh Hải 16,5%, Thuận Bắc 12,5%; tỷ lệ hộ gia đình tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên ở Phan Rang-Tháp Chàm 14%, Ninh Sơn 12,5%, Ninh Hải 10,8%.
Phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp đến các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hàng năm, ngành TDTT đã tổ chức các giải thể thao từ cơ sở đến tỉnh; các môn thể thao truyền thống được nhiều người ưa thích lựa chọn để luyện tập như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông, Cờ tướng, Taekwondo, Vovinam... Thể thao văn hoá dân tộc được quan tâm nhiều, thông qua các lễ hội văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm, Raglai, các loại hình thể thao dân tộc, dân gian từng bước được khơi dậy, nhằm phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc như: Đua thuyền, Đua sỏng, Lắc thúng, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Đội nước, Đi cà kheo, Mang gùi Leo núi, Kéo co, Nhảy bao bố… Đặc biệt, việc tổ chức thành công Hội thi thể thao dân tộc Chăm toàn quốc năm 2003, kết quả giải nhất thuộc về Đoàn thể thao Ninh Thuận, năm 2009 đạt giải 3 Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VI (khu vực 2) đã cổ vũ phong trào tập luyện thể thao trong các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cơ sở phát triển.
Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đẩy mạnh, nhiều CLB giành cho người cao tuổi thành lập và hoạt động có hiệu quả; ngành TDTT phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức các giải thể thao cho người khuyết tật, đồng thời tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển tham dự các giải thể thao toàn quốc. Từ năm 2003 đến năm 2008, đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Ninh Thuận tham dự các kỳ Hội thao toàn quốc với thành tích đạt được là 2 HCV, 12 HCB, 23 HCĐ. Có 1 VĐV đạt HCĐ giải thể thao khuyết tật Đông Nam Á (Paragames).
Theo kế hoạch định kỳ, tỉnh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo duy trì 4 năm 1 lần tổ chức thành công Đại hội TDTT và xen kẽ 2 năm một lần tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng, Đại hội Điền kinh học sinh, sinh viên, Hội thi thể thao các dân tộc miền núi, Hội thi thể thao nhân dân miền biển, Hội trại thể thao thanh niên và các hoạt động TDTT trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn... Qua các lần tổ chức đại hội, hội thi, hội trại chất lượng chuyên môn không ngừng được nâng lên, quy mô phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ hơn.
Hoạt động TDTT trong trường học được quan tâm chú trọng, đội ngũ giáo viên dạy thể dục đào tạo đủ chuẩn để giảng dạy chương trình nội khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, 100% trường THCS và THPT đều có giáo viên thể chất, đa số các trường có sân chơi, bãi tập thể dục thể thao, nhất là các trường học mới xây dựng. Số trường học có giáo viên đào tạo và lớp học đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tăng 10% (từ 89% năm 2003 lên 99% năm 2009). Sở VH,TT&DL đã quan tâm đào tạo các lớp thể thao năng khiếu; năm 2003, tuyển chọn được 35 học sinh năng khiếu, đến năm 2009 tăng lên 67 học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành TDTT tổ chức tốt nhiều giải thể thao truyền thống cho học sinh, sinh viên như: Đại hội Điền kinh, Hội khỏe Phù Đổng và các môn thể thao khác. Đồng thời cử các đội tuyển tham gia các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Hoạt động TDTT ngoại khóa từng bước duy trì trong một số trường và ngày càng mở rộng, thu hút được đông đảo các lứa tuổi tham gia và chất lượng ở các giải ngày càng nâng cao. Nhìn chung, phong trào TDTT trường học phát triển đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên rèn luyện nâng cao thể chất.
Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang; công nhân, viên chức được các ngành, các cấp quan tâm. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất chín là việc Ngành TDTT thường xuyên phối hợp và thực hiện ký kết liên tịch để triển khai các Hội thao trong lực lượng vũ trang, Hội thao chiến sỹ khỏe, Hội thao của Liên đoàn Lao động tạo ra không khí sôi nổi trong công tác, học tập, lao động sản xuất và vui chơi, nhất là các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, Công an, Quân sự, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi... với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao và đạt hiệu quả thiết thực. Thông qua các phong trào khoẻ để giữ nước, khoẻ để phục vụ Tổ quốc đã tạo ra phong trào luyện tập thể thao sâu rộng; hàng năm, bổ sung nhiều vận động viên đi thi đấu các giải của ngành, khu vực, toàn quốc. Số lượng chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe tăng 17% (từ 80% năm 2003 lên 97% năm 2009). Các giải thể thao trong lực lượng cán bộ công nhân, viên chức diễn ra sôi nổi, tạo khí thế mới. Mỗi năm, ngành TDTT tổ chức được 190 giải cấp xã, 50 giải cấp huyện, 12 giải cấp tỉnh và trên 20 giải do các ngành độc lập tổ chức. Từ đó, chất lượng các giải thể thao cũng được nâng lên, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT phát triển. Ngành Công an đẩy mạnh các hoạt động gắn với các ngày lễ lớn tạo ra phong trào thi đua sôi nổi. Năm 2009, Hội thi Chiến sỹ công an khỏe, đơn vị công an khỏe, Vì An ninh Tổ quốc; số lượng chiến sỹ công an đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe chiếm tỷ lệ 94,22%.
Hoạt động thể thao thành tích cao trong những năm qua có những bước tiến đáng kể. Tỉnh đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện để bồi dưỡng những tài năng trẻ, nhân tài thể thao thành tích cao. Trung tâm Huấn luyện TDTT của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt huấn luyện, đào tạo và tuyển chọn VĐV tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Những môn thể thao trọng điểm được tập trung đầu tư là Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Điền kinh, Taekwondo, Quần vợt và các môn thể thao dân tộc. Đó là những môn mà tỉnh có tiềm năng và điều kiện vươn lên đạt thành tích ở những giải khu vực, toàn quốc. Số VĐV được đào tạo tập trung để tham gia thi đấu các giải tăng qua các năm, từ 88 VĐV năm 2003 lên 115 VĐV năm 2009. Trong tỉnh, có 03 VĐV được triệu tập vào các đội năng khiếu và đội tuyển quốc gia, bao gồm: 01 VĐV Bóng rổ, 01 VĐV Taekwondo, 01 VĐV Điền kinh, góp phần nâng cao dần vị thế thể thao của tỉnh. Số huy chương các giải khu vực, toàn quốc đạt được từ 1 HCV, 7 HCB, 5 HCĐ năm 2003 tăng lên 6 HCV, 4 HCB, 14 HCĐ năm 2009....
Ngô Hưng