Họ đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ vì không chỉ vươn lên để sống mà còn làm được những điều tuyệt vời hơn thế. Trong rất nhiều những tấm gương cao quý ấy tại Paralympic, xin chỉ ra một số gương mặt VĐV NKT tiêu biểu trong số hàng nghìn người có mặt tại Luân Đôn 2012 để cho thấy nghị lực sống cũng như nỗ lực phi thường để vượt lên chính mình.
* Cựu tay đua F1 Alex Zanardi từng có 45 lần đua cho các đội đua F1 kể từ năm 1993. Trong cuộc đua American Memorial 500 Cart diễn ra tại Đức vào năm 2001, anh đã bị tai nạn và mất cả hai chân. Không chịu từ bỏ nghiệp thể thao, người đàn ông 45 tuổi đã tiếp tục ngồi sau tay lái của những chiếc xe đua. Đến năm 2007, Zanardi đã chuyển sang tập luyện và thi đấu môn đua xe lăn 3 bánh. Tại Paralympic lần này, anh là vận động viên đại diện cho nước Ý tranh tài.
Trong cuộc đua dài 16 km ở hạng H4 dành cho nam, cựu tay đua F1 đã giành chiến thắng với thành tích 24 phút 50 giây. Đối với anh, việc có mặt tại Paralympic đã là một điều tuyệt vời và tuyệt vời hơn thế khi anh đã giành chiến thắng.
* Cựu binh mù người Nepal Bikram Bahadur Rana - người đã vượt qua nỗi đau mất đi đôi mắt trong chiến tranh để có thể đến với Paralympic Luân Đôn 2012.
Trong cuộc đua 200m dành cho người khiếm thị, VĐV Rana, 31 tuổi, chỉ về thứ tư. Thành tích của anh là 26,95 giây, thua 4 giây so với người thứ 3. Không giành được huy chương nhưng việc Rana có mặt tại Paralympic Luân Đôn 2012 đã là một điều đáng để người ta học hỏi. Theo Rana, các VĐV khuyết tật không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Nepal không đầu tư vào thể thao cho người khuyết tật và VĐV khuyết tật có quá ít cơ sở đào tạo để tập huấn. Rana không hề được tư vấn về dinh dưỡng, thậm chí không được phát quần áo và giày để thi đấu tại Paralympic.
Ngoài những tấm gương điển hình về nỗ lực vượt lên số phận, NHM tại sự kiện thể thao này còn được chứng kiến những tích đáng khâm phục. Đó là VĐV El Amin Chentouf của đoàn Morocco trên đường chạy 5.000m dành cho người mù và khiếm thị đã cán đích với thời gian 13’55''77”, vượt qua thành tích tốt nhất trước đây đến 30 giây. Còn ở nội dung 1.500m, VĐV Samwel Mushai Kimani của Kenya trở thành người đầu tiên tại Paralympic hoàn thành đường chạy dưới 4 phút.
Nổi bật nhất phải kể đến VĐV 17 tuổi Ellie Sammonds. VĐV này đã đoạt 2 HCV tại Paralympic Bắc Kinh, nay tiếp tục là cô gái vàng của bơi lội Liên hiệp Anh. Tính đến hôm thứ bảy tuần trước, Ellie Sammonds đã có thêm 2 HCV ở các nội dung 200m và 400m tự do và xác lập kỷ lục mới của môn này tại Paralympic.
Theo Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC), TVH thể thao NKT lần này đang trên đà vượt qua Paralympic Bắc Kinh 4 năm trước về số lượng kỷ lục thế giới được thiết lập. Các số liệu của Ban tổ chức Paralympic Luân Đôn 2012 (LOCOG) cho biết trong tuần đầu tiên tranh tài, các VĐV đã tạo nên 137 kỷ lục thế giới mới với 81 VĐV lần đầu đoạt HCV. Điều đáng nói là nhiều thành tích đã phá rất sâu kỷ lục trước đó.
Một điều nữa phải nhắc tới tại Paralympic lần này đó là số lượng 200 VĐV thiểu năng (tương đương 4,76% tổng số VĐV dự Paralympic 2012) có mặt tại Paralympic Luân Đôn. Lượng VĐV quá ít (nhiều nội dung có dưới sáu VĐV tham dự) nhưng họ là tâm điểm chú ý của mọi người bởi mỗi VĐV thiểu năng sẽ mang đến nhiều bài học quý giá về nỗ lực vươn lên cuộc sống.
Theo các chuyên gia thể thao khuyết tật, để được có mặt tại Paralympic, các VĐV thiểu năng là những người đáng tự hào bởi đối với họ, việc hiểu ý HLV truyền đạt hoặc thị phạm đôi khi cũng là vấn đề đầy khó khăn.
A.T (tổng hợp)