Menu

Quảng Bình phát triển TDTT theo hướng xã hội hóa

Quảng Bình phát triển TDTT theo hướng xã hội hóa

24 Tháng Chín 2012

Quảng Bình phát triển TDTT theo hướng xã hội hóa

Đẩy mạnh XHH là hướng đi đúng đắn của thể thao Quảng Bình
(Ảnh: Ng.Thi)
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng cũng có bước phát triển nhanh và đa dạng ở khắp các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Ở các trường học, hoạt động thể dục, thể thao ngày càng được chú trọng. Hầu hết các trường học đều quan tâm đến công tác giáo dục thể chất,  trong đó lựa chọn những môn thể thao phù hợp với học sinh của từng vùng, miền qua đó, góp phần tạo hứng khởi cũng như niềm yêu thích thể dục thể thao của đông đảo học sinh ở các bậc học. Hoạt động thể dục nội khoá đạt 100%, trong đó, số trường thực hiện giờ học thể dục nội khóa có chất lượng đạt 75%; hoạt động ngoại khoá đạt 68,5%.

Theo số liệu thống kê năm 2011, số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể trên toàn tỉnh chiếm 98,6%. Đội ngũ giáo viên giảng dạy thể dục, thể thao trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản được đào tạo tại các trường chuyên nghiệp nên đã phát huy tốt giờ học thể dục, thể thao tại các trường học. Hằng năm, các trường học luôn tổ chức tốt hội khoẻ Phù Đổng, xem đây là ngày hội lớn về thể dục thể thao của tuổi trẻ học đường, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Trong lực lượng vũ trang, rèn luyện thể dục, thể thao được xem là nhiệm vụ quan trọng. Qua kiểm tra hàng năm có từ 95-97% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an trong độ tuổi quy định đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe. Cơ sở vật chất cho các hoạt động thể dục thể thao thuộc khối lực lượng vũ trang ngày càng được tăng cường, củng cố. Hoạt động thể dục, thể thao trong cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động phát triển mạnh mẽ. Số người luyện tập ngày càng đông, chiếm tỷ lệ 76%. Từ việc tham gia những bộ môn chủ đạo như bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, quần vợt... đã tạo nên không khí tập luyện sôi nổi trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lao động ở các cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý là phong trào thể dục thể thao ở cơ sở cũng phát triển sâu rộng ở mọi tầng lớp nhân dân. Trên khắp địa bàn tỉnh, đã hình thành một số giải thể thao dành riêng cho người dân ở các vùng nông thôn. Đặc biệt, nhiều hoạt động thể dục thể thao đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Vật dân tộc, Cướp cù, Cờ tướng, Đua thuyền... được  tổ chức sôi nổi nhân các dịp kỷ niệm các ngày lớn của quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, một số môn thể thao trước đây chỉ phát triển ở các khu vực thành thị như: Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Thể dục dưỡng sinh, Đi bộ, Bóng chuyền, Bóng đá...  nay đã phát triển rộng ở các vùng nông thôn. Thành tích thi đấu các môn thể thao cũng dàn đều giữa các vùng, không có vùng trắng hoặc yếu về các hoạt động thể dục, thể thao như những năm trước đây.

Với thế mạnh ở những môn thể thao dưới nước như: Bơi, Lặn, Rowing, Đua thuyền truyền thống... thể thao Quảng Bình đã từng bước khẳng định tên tuổi của mình trên bản đồ thể thao quốc gia. Dù vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số địa phương trong cùng khu vực miền Trung, song những gì mà thể thao Quảng Bình đạt được thật đáng tự hào (đứng thứ 13/66 tỉnh, thành phố, ngành tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI; trung bình hàng năm cung cấp cho các đội tuyển quốc gia từ 10 - 15 VĐV; hàng năm đạt trung bình từ 100 đến 150 huy chương các loại, trong đó có 10 đến 15 huy chương quốc tế tại các giải thể thao toàn quốc và quốc tế...

Phát huy những thành tích đã đạt được, dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, song với phương châm đưa thể thao về cơ sở, nhất là những vùng khó khăn, thể thao Quảng Bình tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hóa TDTT. Thông qua đó, sự đóng góp của các cá nhân, đoàn thể, tổ chức cho hoạt động TDTT sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

VD

Print

Số lượt xem (1120)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.