Menu

Sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân cường, nước thịnh”

Sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân cường, nước thịnh”

11 Tháng Ba 2011

Sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân cường, nước thịnh”

Năm 2011 đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của TDTT nước nhà khi cách đây đúng 65 năm, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục - văn kiện được coi là cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Bác cũng là người khai sinh nền thể dục thể thao (TDTT) của chế độ mới.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên.

Gần 2 tháng sau, căn cứ theo Quyết định của Quốc dân Đại hội Việt Nam (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2/3/1946 quy định tổ chức của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục.

Nha Thanh niên gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục, Phòng Thể dục Trung ương đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương cũ.

Cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo: Cứu Quốc, Việt Nam Khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng bài “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.

Bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng, ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm "Ngày Thể thao Việt Nam" nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ toát lên những vấn đề về tư tưởng có giá trị sâu sắc đối với lĩnh vực TDTT nói riêng và lĩnh vực phát triển con người nói chung, trong đó nổi bật là tư tưởng “Dân cường thì nước thịnh” bởi dân cường và nước thịnh có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau.

Sức khoẻ nhân dân là một yếu tố có ảnh hưởng to lớn tới tiến trình phát triển nước nhà. Ngược lại, dân giàu nước mạnh đảm bảo cho sức khoẻ của nhân dân ngày càng được tăng cường.

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ cũng gắn liền với quan điểm yêu nước của nhân dân ta. Bác nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.

Rèn luyện sức khoẻ ở đây cũng hàm chứa cả sức khoẻ về mặt thể chất cũng như tinh thần khi Bác căn dặn: “Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khoẻ”. Dân cường thì nước thịnh, với mong muốn đồng bào ai cũng gắng tập thể dục, Bác Hồ còn là tấm gương sáng về rèn luyện khi Người nói: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ từ ngày công bố cho đến nay đã được sự hưởng ứng rộng khắp của quần chúng nhân dân trong nước noi gương Người tích cực rèn luyện thân thể.

Ngay trong năm 1946 là phong trào “Khoẻ vì nước”; tiếp đến là “Khoẻ để kháng chiến kiến quốc” trong thời kỳ chống thực dân Pháp; “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ và nay là Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”... và nhiều phong trào TDTT sôi nổi khác .

Với những ý nghĩa lớn lao, tư tưởng của Hồ Chủ tịch về “Dân cường thì nước thịnh” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 65 năm đồng hành cùng đất nước của ngành TDTT. Sự nghiệp TDTT vì "Dân cường, nước thịnh" là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta để tiếp tục hướng tới những tầm cao mới.

(Theo Chinhphu.vn)

Print

Số lượt xem (1028)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.