Menu

SEA Games 23: Nhìn lại một chặng đường Phần II: Đánh giá.

SEA Games 23: Nhìn lại một chặng đường Phần II: Đánh giá.

28 Tháng Chín 2009

SEA Games 23: Nhìn lại một chặng đường Phần II: Đánh giá.

 Đánh giá công tác tổ chức của BTC Đại hội:

Về thực trạng, SEA Games 23 đã diễn ra trong điều kiện nước chủ nhà đang có khủng hoảng chính trị, kinh tế cũng như về an ninh vì vậy nước bạn đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức. Có thể nói Ban tổ chức SEA Games 23 (PhilSOC), Uỷ ban Olympic Philippines cũng như Uỷ ban Thể thao Philippines đã rất nỗ lực để có thể tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 23 mà hoàn toàn không để xảy ra một sự việc đáng tiếc nào. BTC Đại hội đã phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua như chưa có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan có liên quan, sự hạn hẹp về mặt tài chính và công tác đảm bảo an ninh cho Đại hội.

Chính phủ Philippines đã giao nhiệm vụ cho Uỷ ban Thể thao Philippines và Uỷ ban Olympic Philippines chịu trách nhiệm toàn bộ về việc đăng cai tổ chức Đại hội. Trong điều kiện không được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ Chính phủ, BTC SEA Games 23 đã phải rất vất vả trong công tác tìm kiếm nhà tài trợ cũng như tìm giải pháp tối ưu nhất để có thể đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về mặt tổ chức cũng như việc đảm bảo an ninh, an toàn cho Đại hội. Nhưng bất cập nảy sinh ở chỗ các nhà tài trợ sẽ tài trợ theo điều kiện tài chính của mình nên không có sự đồng bộ về cơ sở vất chất, đặc biệt là vấn đề ăn ở cho các Đoàn thể thao. Vấn đề giao thông cũng chưa được giải quyết triệt để, tình trạng kẹt xe kéo dài, dẫn đến việc di chuyển mất rất nhiều thời gian, địa điểm thi đấu chưa được nâng cấp đầy đủ, thậm chí là quá xuống cấp. Công tác chuyên môn còn nhiều bất cập, thiếu trọng tài trung gian điều hành thi đấu.

Ngay tại buổi họp giao ban Trưởng đoàn đầu tiên, đại diện của BTC Đại hội đã bày tỏ lời xin lỗi tới các quốc gia tham dự Đại hội về việc chưa đáp ứng đầy đủ được các điều kiện đã đề ra cũng như đã tuyên bố: "BTC SEA Games 23 Philippines không thể tổ chức được tốt Đại hội như BTC SEA Games 22 Việt Nam". Có thể nói BTC SEA Games 23 đã "liệu cơm gắp mắm" mà tổ chức được thành công Đại hội trong điều kiện rất hạn hẹp về tài chính, bất ổn về tình hình an ninh chính trị. Có thể đánh giá đây là một nỗ lực tuyệt vời của BTC SEA Games 23, đó là điều cần được ghi nhận.

Đánh giá so sánh chất lượng của các VĐV Việt Nam tại SEA Games 23 với các kỳ SEA Games trước: Từ khi Việt Nam hội nhập tại SEA Games 15 năm 1989 tại Malaysia: có 9 nước tham dự. Đoàn TTVN tham dự với 46 VĐV tranh tài ở 8/24 môn thể thao và đạt thành tích khiêm tốn với 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ, tổng số 19 huy chương các loại, xếp hạng (không chính thức) thứ 7/9 quốc gia. Đến năm 1997, SEA Games 19 tại Indonesia có 10 nước tham dự, Đoàn Việt Nam cử đi 1 số lượng tương đối lớn với 340 VĐV tham dự 24/34 môn thể thao và đã đạt thành tích tương đối tốt với 35 HCV, 48 HCB, 50 HCĐ, xếp hạng (không chính thức) thứ 5/10 quốc gia. Đây là kỳ xuất quân đông nhất của Việt Nam trong thiên niên kỷ và cũng là kỳ SEA Games Việt Nam đạt thành tích xuất sắc nhất xếp sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Bước sang thiên niên kỷ mới không kể SEA Games năm 2001 và 2003 Việt Nam đăng cai tổ chức, thành tích tuyệt vời đã được thể nghiệm, SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines lần này là lần Đoàn TTVN đạt được 3 đỉnh cao so với các kỳ SEA Games trước. Đó là,

đạt thành tích cao nhất, tham dự với số lượng VĐV đông nhất từ các kỳ SEA Games trước cho đến nay, tham gia nhiều môn nhất.

So sánh và đánh giá những điểm trên với SEA Games 22 tại Việt Nam: Dư luận quốc tế và trong nước đều đánh giá cao việc tổ chức đăng cai 1 Đại hội thể thao lớn nhất của khu vực trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động về chính trị, kinh tế nhưng đã tổ chức an toàn, đúng luật lệ thể thao, công bằng, khách quan và được các đoàn VĐV khen ngợi gây ấn tượng sâu sắc cho các đoàn về lòng hiếu khách và tinh thần hữu nghị trong thể thao.

Về chuyên môn kỹ thuật, việc đạt thành tích xuất sắc thể hiện sự phát triển nhanh và tiến bộ vượt bậc của thể thao Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều môn có trình độ Châu lục, các môn thể thao Olympic tiến nhanh, các môn thể thao mới phát triển tốt, lực lượng VĐV trẻ, nhiều triển vọng.

Có được thắng lợi kể trên trước hết là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến phong trào TDTT và đặc biệt thể thao đỉnh cao. Bằng việc đầu tư lớn cho thể thao, tạo mọi điều kiện thuận lợi, với khả năng có thể của Nhà nước, cho phát triển nền thể thao non trẻ nước nhà. Thứ hai, sự cố gắng phấn đấu hết mình của toàn ngành TDTT, các địa phương, cán bộ, HLV, VĐV và các ngành liên quan vì 1 mục tiêu phấn đấu xây dựng 1 nền thể thao xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu nước mạnh và vinh quang tổ quốc.

Tuy nhiên, trong công tác chuẩn bị và tổ chức đăng cai vẫn còn những bất cập nhưng có thể hiểu được đây là những vấp váp trong bước trưởng thành. Nếu sớm khắc phục thì trong tương lai không xa, thể thao Việt Nam sẽ vươn tới những tầm cao mới.

Thục Uyên

 


Print

Số lượt xem (1490)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.