Menu

Sóc Trăng khai hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo

Sóc Trăng khai hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo

27 Tháng Mười Một 2012

Sóc Trăng khai hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo

Đua ghe ngo - hoạt động thể thao truyền thống của đồng bào Khmer tại lễ hội Oóc om bóc (Ảnh: Pon Lư)
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hằng năm (năm nay diễn ra vào ngày 27 và 28/11 dương lịch) đồng bào Khmer Sóc Trăng lại hòa mình vui cùng các các hoạt động Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo truyền thống. Đây cũng là một trong những lễ hội lớn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trước ngày hội chính thức diễn ra (sáng ngày 27/11), đông đảo bà con Khmer khắp nơi đã tề tựu về TP. Sóc Trăng để xem các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức nhiều địa điểm khác nhau. Tại Nhà trưng bày văn hóa Khmer đã mở cửa từ rất sớm để đón du khách đến tham quan những cổ vật mà ông cha ta đã để lại; ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cũng đang diễn những trận cầu hay, những pha bóng đẹp, những kỹ thuật bắn bi thật chính xác tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt và hấp dẫn. Ông Lâm Thuơl, đến từ huyện Trần Đề bộc bạch: “Lớn tuổi rồi, nên tôi phải tranh thủ lên thành phố Sóc Trăng sớm để tham quan hội thi, hội chợ triển lãm… nếu chờ đến chiều tối chen lấn với bọn trẻ chắc không nổi đâu!”.

Còn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Khmer tỉnh lần thứ 6 được tổ chức từ tối 23 đến 27/11. Hội diễn đã quy tụ trên 440 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố và thu hút hàng ngàn khán giả đến xem để chiêm ngưỡng những tiết mục đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Những điệu múa uyển chuyển, duyên dáng hòa cùng tiếng trống Chhăy dăm rộn ràng trên phum sóc.

Cũng như người Kinh, người Hoa anh em, người Khmer ở Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng có nền văn hóa rất đặc sắc và phong phú đa dạng tạo nên một sắc thái văn hóa độc đáo trong vườn hoa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hòa quyện thành một khung cảnh tự nhiên... Thông qua những trang phục lễ hội, lễ cưới, sinh hoạt đời thường, những lời ca, điệu múa, múa Chhăy dăm, hòa tấu nhạc cụ... Đây là dịp để các diễn viên, nhạc công quần chúng Khmer giới thiệu, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với các cộng đồng khác trong và ngoài tỉnh.

Bạn Ngọc Trúc, diễn viên biểu diễn trang phục áo cưới của đơn vị TX. Vĩnh Châu, cho biết: “Đây là năm đầu tiên em tham gia biểu diễn trang phục nên trong lòng cảm thấy rất vui. Mặc dù chúng em chỉ là người nông dân, thời gian tập luyện không nhiều nhưng với lòng yêu văn hóa nghệ thuật ai cũng hăng hái và quyết tâm biểu diễn cho tốt. Qua buổi biểu diễn em rất tự hào về văn hóa của đồng bào mình. Mỗi loại trang phục khi khoác lên mình toát lên một vẻ đẹp bình dị, hiền thục”.

Điểm nhấn của lễ hội cũng là hoạt động thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer chính là Lễ hội đua ghe ngo truyền thống diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/11) trên đoạn sông Maspero, TP. Sóc Trăng. Giải đua năm nay thu hút 48 đội (42 đội ghe nam và 6 đội ghe nữ) tham gia tranh tài ở cự ly 1.200 m nam và 1.000 m nữ. Trong đó, có 7 đội ghe ngo đến từ 2 tỉnh bạn Bạc Liêu - 5 đội (3 đội nam, 2 đội nữ) và Cà Mau (2 đội nam), còn lại là các đội ghe trong tỉnh. Mặc dù, 12 giờ 30 phút (ngày 27/11) cuộc đua mới bắt đầu, nhưng ở 2 bên bờ kè của đường đua đã thu hút hàng ngàn người hâm mộ đến chứng kiến và cổ vũ cho từng cặp ghe. Đặc biệt, tại giải năm nay, lần đầu tiên có sự góp mặt của đội ghe Hội Tương Tế người Hoa Sóc Trăng tham dự và một số chùa Khmer có thêm ghe ngo được đóng mới. Với sự góp mặt của các tân binh, chắc chắn giải đấu năm nay, hứa hẹn có nhiều bất ngờ và kịch tính.

Theo ông Dương Sà Kha - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Phó Ban tổ chức, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước nhằm tôn vinh và biểu dương những nét đẹp truyền thống của một nền văn hóa Khmer đậm đà bản sắc dân tộc; từng bước phát huy lễ hội thành một sự kiện hoạt động văn hóa, du lịch nổi bật của tỉnh; tạo tiền đề chuẩn bị các điều kiện để hướng tới nâng tầm Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo thành Festival cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cấp quốc gia trong năm 2013.

TPíc

Print

Số lượt xem (1260)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.