Menu

Suy nghĩ về một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của TDTT Việt Nam

Suy nghĩ về một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của TDTT Việt Nam

26 Tháng Năm 2011

Suy nghĩ về một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của TDTT Việt Nam

* Một số tồn tại, hạn chế

Một số cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành và đoàn thể xã hội ở một số tỉnh do hạn chế trong nhận thức về các vấn đề như kinh tế thể thao, chưa nắm vững các quan điểm nêu trong chỉ thị, do vậy, chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế để triển khai thực hiện chỉ thị của Đảng về công tác thể dục thể thao.

Đầu tư ngân sách của cả Trung ương và tỉnh cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số chính sách được ban hành không còn phù hợp với tình hình thực tế nhưng chậm hoặc chưa được sửa đổi đã gây nhiều khó khăn cho ngành.

Tổ chức bộ máy ngành TDTT có sự biến động lớn, việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị định 14/2008/NĐ-CP gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động TDTT ở cơ sở. Định biên của cán bộ TDTT từ tỉnh đến cơ sở còn quá ít, chưa có cán bộ TDTT chuyên trách xã, phường nên khó khăn cho việc chỉ đạo hoạt động TDTT ở cơ sở. Cơ sở vật chất cho tập luyện và thi đấu TDTT còn hạn chế, nhiều địa phương chưa đầu tư xây dựng và dành quỹ đất cho các công trình TDTT, đặt biệt là quy hoạch đất cho TDTT ở khu đô thị, trong đó có quỹ đất cho trường học.

Thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đều, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, biên giới hải đảo còn thiếu các phương tiện tập luyện và cán bộ hướng dẫn (các địa phương khó khăn trong việc thực thiện Quyết định  100/2005/QĐ-TTg); giáo viên thể dục trong các trường tiểu học hiện nay chưa được phê duyệt định biên, chế độ cho giáo viên thể dục ở các trường chưa có chính sách đặc thù, vị trí môn học chưa được coi trọng...

Thể thao thành tích cao tuy đã có bước phát triển, đạt được mục tiêu đề ra những chưa vững chắc, nhiều môn thể thao còn thiếu huấn luyện viên giỏi; cơ chế chính sách đầu tư cho đào tạo tài năng thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa tạo được bước đột phá trong thể thao thành tích cao...

* Phương hướng trong thời gian tới

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (kháo IX) về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010” đồng thời tiến hành tổng kết Chỉ thị ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục phát huy kết quả của Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, kết hợp với các tiêu chí về rèn luyện thể lực với các chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ TDTT, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài các môn thể thao; chú trọng đến công tác phát triển Đảng và xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh.

Tập trung chỉ đạo các hoạt động TDTT ở cơ sở và công tác giáo dục thể chất trong trường học các cấp. Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá thể chất theo từng độ tuổi. đa dạng hoá các loại hình tập luyện, các phương thức tổ chức hoạt động, gắn với các hoạt động văn hoá, lễ hội, du lịch. Khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc để từng bước đưa vào chương trình thi đấu các kỳ đại hội;

Từng bước hiện đại hóa hệ thống đào tạo tài năng thể thao. Lựa chọn, phân nhóm các môn thể thao trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình đào tạo vận động viên. Đổi mới công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao theo hướng khoa học và hiện đại. Cải tiến các chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài. Coi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ là khâu ưu tiên nhằm tạo ra những bước đột phá để nâng cao thành tích thể thao.

Hoàn thiện cơ chế tổ chức, điều hành theo mô hình chuyên nghiệp trong môn bóng đá và các môn thể thao khác có đủ điều kiện. Khuyến khích mở các cơ sở đào tạo tài năng thể thao ngoài công lập và các mô hình liên doanh, liên kết đào tạo vận động viên, các hình thức tài trợ, bảo trợ đối với các đội tuyển thể thao; tập trung đầu tư sâu hơn cho công tác đào tạo tài năng thể thao.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý, điều hành các hoạt động TDTT. Chuyển giao phần lớn các hoạt động sự nghiệp TDTT cho Liên đoàn thể thao; cơ quan quản lý nhà nước tập trung nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách, quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sự nghiệp TDTT.

Thực hiện Luật TD,TT và các văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan để tăng cường quản lý nhà nước về TDTT, tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc triển khai xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá thể thao.

Đổi mới chính sách đầu tư trong lĩnh vực TDTT, phát triển TDTT trường học, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phát triển phong trào TDTT ở những vùng, miền có khó khăn và các đối tượng chính sách để đảm bảo công bằng xã hội trong thụ hưởng các dịch vụ về TDTT.

Từng bước hình thành thị trường dịch vụ TDTT, thị trường quảng cáo, tiếp thị thể thao. Khuyến khích việc lập các quỹ hỗ trợ đào tạo tài năng thể thao, quỹ đầu tư phát triển TDTT theo quy định của pháp luật.

Mở rộng hợp tác quốc tế đa phương và song phương nhằm tranh thủ các nguồn lực, học tập kinh nghiệm và tiếp thu chuyển giao công nghệ tiên tiến để tăng tốc phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà.

Phạm Thanh Cẩm

Print

Số lượt xem (5768)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.