 |
Việt Linh - tay vợt trẻ đầy triển vọng (Ảnh: Chí Liêm) |
PV: Năm 2009 vừa qua là một năm khá thành công với Linh khi chỉ chịu thua sát nút tay vợt số 1 thế giới người Trung Quốc Chen Meng ở nội dung đồng đội hỗn hợp giải Đại hội thể thao trẻ Châu Á, tiếp đến là những trận thắng liên tiếp trước các tay vợt hàng đầu Việt Nam. Linh có thể nói về bí quyết của những trận thắng đó?
NVL: Lần lượt đối mặt với các tay vợt khá nổi tiếng trong làng Bóng bàn Việt Nam như: Xuân Hằng, Mỹ Trang, Vũ Thị Hà và Lương Thị Tám tại giải Vô địch quốc gia năm 2009, nếu nói Linh không sợ là không đúng. (Cười) Linh run lắm chứ, nhưng mà em không cho phép mình được nhụt ý chí vì như thế là đã là tự "giết" mình một nửa. Linh nhớ trước trận đấu với chị Hằng, Linh đã ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để nghĩ mà không biết mình nghĩ cái gì, có chút gì đó lo sợ nhưng cũng có gì đó giống cảm giác "không còn gì để mất" và rồi em điện thoại về nhà cho bố, mẹ, thầy Việt, bạn bè... để củng cố thêm niềm tin. Bước vào trận đấu bản thân mình chỉ nghĩ làm sao thực hiện kỹ thuật cho thật tốt, linh hoạt, xử lý chính xác các đường bóng của đối phương và ghi điểm.
PV: Giải đấu năm nay hứa hẹn nhiều hấp dẫn, Linh có nhận định gì ở cả bảng nam và nữ?
Vẫn là cuộc đua tranh 7 bộ huy chương đồng đội và cá nhân như ở các giải VĐTQ hàng năm, song mức độ cạnh tranh giữa các đơn vị sẽ quyết liệt hơn rất nhiều. Bảng nam, tuyển Hà Nội được đánh giá là mạnh nhất với sự góp mặt của nhiều tay vợt hàng đầu Việt Nam (mới đầu quân cho Hà Nội) là Kiến Quốc, Tuấn Quỳnh, Nam Hải... Tuy nhiên, để có thể giành được ngôi Vô địch, Hà Nội sẽ phải vượt qua những ứng viên khác là TPHCM, Bộ Công an, Hải Dương.
Còn ở bảng nữ thì lực lượng mạnh được dải đều các đơn vị nên khó có thể đưa ra nhận định chính xác nào. Để chuẩn bị cho giải đấu này các tay vợt của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có chuyến tập huấn dài ngày tại Trung Quốc và hiện đang có phong độ rất tốt. Trong khi đó, Hải Dương với sự tiến bộ của các tay vợt trẻ như: Hương Giang, Đinh Thị Hằng, Lương Ngọc Uyên cùng Vũ Thị Thu Hà cũng được đánh giá có nhiều khả năng giành thứ hạng cao.
PV: Còn Bộ Công an thì sao?
(cười) Là một ẩn số chị à!
PV: Người ta nói tuổi 17 mộng mơ, tò mò một chút, Linh có thể nói về những điều riêng tư của mình sau mỗi ngày tập luyện vất vả?
Linh thấy mình rất mâu thuẫn, nhiều lúc như con trai ấy, thích xem phim kinh dị và chơi điện tử. Chả thế mà ở đội mỗi khi muốn xem phim hành động hay kinh dị đều hỏi Linh xem phim nào hay thì để thuê đĩa. Nhưng Linh còn có sở thích khác là đọc sách. Linh thuộc tương đối nhiều thơ, ca Việt Nam (mẹ Linh là cô giáo dạy Văn mà) nên tuỳ vào thời điểm, hoàn cảnh mà tự tìm cho mình cách giải trí khác nhau. Nhìn chung là tạm ổn, không thấy nhàm chán... Còn trước mắt em vẫn dành chọn cho Bóng bàn, cố gắng tập luyện, học tập văn hoá cho tốt. Sau này dù không tập luyện nữa cũng mong được công tác, làm việc liên quan đến thể thao...
PV: Chúc Linh ngày càng tiến bộ và đạt được ước vọng của mình. Đặc biệt, tại giải Đại hội TDTT toàn quốc lần này sẽ thi đấu thành công, bổ sung vào bảng thành tích cá nhân một danh hiệu nữa!
Những mốc thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của Linh: Sinh ngày 30/7/1994 tại thành phố Lạng Sơn. Lên 7 tuổi, Linh bắt đầu tập Bóng bàn. Năm 8 tuổi, khăn gói theo anh trai lên trường Đại học TDTT Bắc Ninh tập luyện lớp năng khiếu trẻ cùng các VĐV khác. Linh bắt đầu sống tự lập từ đây. Năm 9 tuổi, Linh đã đạt giải cây vợt trẻ của tỉnh Lạng Sơn và giải đôi huy chương Bạc toàn quốc tại Thái Nguyên. 15 tuổi, ốm một trận để đời và may quá có anh trai chăm sóc, giặt quần áo, mua cháo... Trong năm 2009, Linh đã trở thành tay vợt triển vọng của Việt Nam khi đánh bại 4 tuyển thủ hàng đầu là Xuân Hằng, Mỹ Trang, Vũ Thị Hà và Lương Thị Tám tại giải Vô địch quốc gia năm 2009. Cũng trong năm này, Linh đã giành HCV giải Vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan.
|
Xuân Nhi