Những cột mốc lịch sử
Trước kỳ tích giành HCV châu lục, cần phải nhắc lại ngôi vô địch mà Nam giành được ở giải VĐQG năm ngoái. Chức vô địch của cậu bé Hoàng Nam chẳng khác nào một câu chuyện thần kỳ. Câu chuyện ấy, đã có thêm một trang sử mới cho làng quần vợt Việt Nam với việc ghi nhận Lý Hoàng Nam trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử giành ngôi vô địch khi chỉ mới 15 tuổi 8 tháng. Trước Hoàng Nam, tay vợt Minh Quân cũng phải đến năm 18 tuổi mới bước được lên ngôi cao nhất.
Thành công của Hoàng Nam tại giải quần vợt VĐQG không hề đến từ yếu tố may mắn. Chứng kiến màn thể hiện của Hoàng Nam, người xem ai nấy đều xuýt xoa bởi dù mới 15 tuổi nhưng em đã cho thấy những tố chất tuyệt vời của một tay vợt chuyên nghiệp. Từ thể lực, khả năng quan sát, phản xạ, những quả vợt trái tay, lên lưới...tất cả đều thuần thục, đầy sức mạnh nhưng cũng không kém phần uyển chuyển.
Điều đáng nói là trước khi giành chức VĐQG, giới chuyên môn và người hâm mộ vẫn không biết Hoàng Nam là ai, khi mà các tay vợt trẻ Việt Nam những năm qua đều không thể vượt qua cái bóng của tài năng Hoàng Thiên. Tập luyện từ năm 9 tuổi, thành tích ấn tượng gần nhất của Hoàng Nam chỉ là 2 danh hiệu vô địch U18 ITF quốc tế (nhóm 5) tại Việt Nam hồi đầu năm ngoái. Không nổi tiếng như các đàn anh đi trước, nhưng HLV Trần Đức Quỳnh, người đã phát hiện ra tài năng của Nam, từng khẳng định học trò của mình chắc chắn sẽ tiến xa trong tương lai. Và, thực tế thì khẳng định đó đã bắt đầu được chứng minh tại Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013.
Đây thực sự là một kỳ tích mà quần vợt Việt Nam làm được tại sân chơi châu lục. Hoàng Nam đã có liên tiếp những chiến thắng ấn tượng từ vòng 1, trước khi vào tới trận chung kết với đối thủ người Philippines Mendoza Zosimo.
Bước vào trận chung kết, dù bị đánh giá thấp hơn tay vợt đang xếp hạng 89 trẻ thế giới Mendoza Zosimo nhưng Hoàng Nam (hạng 140 trẻ thế giới) vẫn chủ động chơi đôi công và đã có màn lội ngược dòng đầy ấn tượng để giành HCV.
Như vậy, đây chính là tấm HCV đầu tiên của quần vợt Việt Nam ở sân chơi châu lục. Những cột mốc vừa qua cho thấy, Hoàng Nam đang có những bước tiến rất lớn. Nếu như được đầu tư và định hướng đúng đắn, chắc chắn Hoàng Nam sẽ còn tiến xa.
Mục tiêu lọt vào tốp 500 ATP
15 tuổi, Hoàng Nam đã giành ngôi vô địch quốc gia. 15 tuổi, Hoàng Nam đã cao 1m75, với sải tay dài và sức rướn tốt. Cộng với sự đầu tư và niềm đam mê, Hoàng Nam đang có đầy đủ các yếu tố để trở thành một tay vợt có đẳng cấp trong tương lai gần. Thậm chí HLV Trần Đức Quỳnh còn mạnh dạn dự đoán Hoàng Nam có khả năng lọt vào tốp 500 trong BXH của ATP sau 5 năm nữa. Nếu làm được điều này, thì quả là một kỳ tích không chỉ của riêng thầy trò Hoàng Nam, mà còn là vinh dự của cả nền quần vợt Việt Nam. Nên nhớ suốt nhiều năm qua, Việt Nam chưa có tay vợt nam nào lọt vào tốp 1.000 ATP chứ chưa muốn nói là tốp 500.
Tất nhiên, ước mơ hay mục tiêu sẽ là động lực để Hoàng Nam phấn đấu, nhưng thực tế với quần vợt Việt Nam, để có thể trở thành tay vợt đỉnh cao, lại không hề đơn giản.
Cùng lứa với Hoàng Nam, Huỳnh Hồ Đan Mạch từng nổi tiếng sớm hơn và được xem là một “hiện tượng mới” của quần vợt Việt Nam. Tuy nhiên, sau năm 2010 thi đấu thành công, Đan Mạch bị đơn vị Bình Dương cấm thi đấu vì vô kỷ luật, tài năng cũng thui chột từ đó. Trước Đan Mạch, Hoàng Thiên nổi đình nổi đám ở các giải trẻ, nhưng sau khi qua ngưỡng 18 tuổi để bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp, cũng đã cho thấy sự đi xuống rõ rệt.
Để phát triển quần vợt đỉnh cao, không còn cách nào khác là phải sớm triển khai chủ trương xã hội hóa đối với môn thể thao này để khơi dậy sự ủng hộ và đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, bên cạnh sự đóng góp của gia đình. Việc phát hiện tài năng mới chỉ là bắt đầu, còn bài toán đầu tư mới thực sự là yếu tố quyết định tới sự phát triển của tài năng đó.
Sau những gì đã làm được, Lý Hoàng Nam đã cho thấy bước tiến vững chắc về chuyên môn và nếu tiếp tục được đầu tư đúng đắn, bài bản, đây sẽ là niềm hy vọng lớn cho tương lai tươi sáng của quần vợt Việt Nam.
Tin vui với Hoàng Nam là Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) sẽ kiến nghị lên Tổng cục TDTT dành nguồn ngân sách hỗ trợ đặc biệt cho sự phát triển của tay vợt trẻ này hướng đến Asiad 2019 tổ chức tại Việt Nam. Trước mắt, VTF đã mời được chuyên gia quần vợt người Úc - ông Michel Baroch, từng huấn luyện cho tay vợt nổi tiếng Sharapova, đến hỗ trợ quần vợt Việt Nam. Ông Baroch sẽ có mặt tại TP.HCM vào ngày mai 26/8 và có 3 tuần đánh giá cũng như tư vấn cho các tuyển thủ Việt Nam, đặc biệt là Lý Hoàng Nam.
A.Đ