Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX “Về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010”, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh nhằm đẩy mạnh và phát triển phong tràoTDTT, như: Kế hoạch số 384-KH/TU, ngày 23/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quán triệt và thực hiện Chỉ thị trong toàn tỉnh; Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 12/7/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XIII) “về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề” theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ; Quyết định số 61/2006/QĐ-UBND, ngày 08/8/2006 của UBND Tỉnh về “Đề án đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010”; Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 61/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh...
Nhờ các chủ trương và chính sách trên, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác TDTT tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực với quy mô phát triển rộng khắp thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân và đạt được những thành tích đáng kể, cả về phong trào thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao, về tăng cường vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước đến việc huy động các nguồn lực xã hội trong tỉnh phục vụ cho sự phát triển TDTD của tỉnh Gia Lai.
Phong trào TDTT quần chúng được quan tâm và phát triển một cách sâu rộng. Hệ thống thi đấu các giải thể thao quần chúng dần được ổn định và có sự phân cấp tổ chức cho các địa phương, Liên đoàn, Hội thể thao theo hướng xã hội hóa. Tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21,5% dân số thường xuyên tham gia tập luyện TDTT, trên 16,5% số hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình thể thao”. Nhiều mô hình TDTT quần chúng ở cơ sở đã phát huy hiệu quả tốt như: CLBvăn hóa thể thao, Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, Cụm văn hóa-thể thao… Toàn tỉnh hiện có 440 câu lạc bộ TDTT ở cơ sở xã, phường, thị trấn, trong các cơ quan, đơn vị, tăng hơn 280 câu lạc bộ so với năm 2001. Từ năm 2003-2009, số lượng các giải thể thao thi đấu trên địa bàn toàn tỉnh tăng từ 260 lên 410 giải.
Phong trào TDTT trong cán bộ công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang cũng được đầu tư và quan tâm. Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VI năm 2010, thu hút 20 đơn vị tham gia gồm 17/17 huyện, thị xã, thành phố và 3 ngành Công an, Quân đội và Giáo dục tham gia thi đấu 17 môn thể thao.
Công tác giáo dục thể chất trong các trường học ngày càng được coi trọng. Đội ngũ cán bộ và công tác giảng dạy đã đi vào nề nếp và có sự tiến bộ. Năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 272 giáo viên thể dục, với 92 giáo viên đạt trình độ đại học, 134 giáo viên cao đẳng và 46 giáo viên có trình độ trung cấp.
Thể thao thành tích cao được đầu tư theo chiều sâu, có những bước phát triển mới và đạt nhiều thứ hạng cao ở các môn như: Điền kinh, Việt dã, Taekwondo, Karatedo, Vovinam-Việt võ đạo, Pencak silat, Wushu, Wõ cổ truyền… Số lượng huy chương và VĐV vào đội tuyển quốc gia, được phong cấp Kiện tướng, cấp I quốc gia tăng đáng kể qua các năm. Năm 2009, thể thao thành tích cao mang về cho tỉnh 92 huy chương các loại, trong đó có 23 HCV, 36 HCB, 33 HCĐ; có 10 VĐV được phong cấp Kiện tướng, 14 VĐV cấp I Quốc gia.
Công tác quy hoạch và xây dựng các công trình TDTT được tỉnh quan tâm và chỉ đạo, 100% số huyện, thị xã, thành phố có sân tập TDTT, các công trình TDTT được xây dựng gắn với trường học, điểm vui chơi giải trí. Khu liên hợp TDTT của tỉnh được quy hoạch với tổng diện tích 12,4 ha, vốn đầu tư 7 tỷ đồng; xây dựng nhà thi đấu đa năng với kinh phí 8 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2010. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại cho SVĐ Tỉnh với sức chứa 15.000 chỗ ngồi, đảm bảo tổ chức các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên TDTT các cấp cũng được chú trọng. Từ năm 2002-2010, Tỉnh đã liên kết với các trường đại học đào tạo cán bộ có trình độ đại học và cao học chuyên ngành TDTT, tạo điều kiện cho các cán bộ tham dự các lớp huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ do ngành TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT và Liên đoàn bóng đá châu Á tổ chức. Bên cạnh đó, từ năm 2004-2009 đã có 400 cán bộ xã, phường, thị trấn làm công tác văn hóa, thông tin và TDTT thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Số cán bộ làm công tác TDTT ở các huyện, thị xã, thành phố là 29 người, trong đó có 16 cán bộ trình độ đại học, 13 cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, tăng 22 người so với năm 2001.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức giao lưu TDTT với các xã, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hình thức Câu lạc bộ, Trung tâm TDTT do các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển nhanh và đa dạng. Số giải thể thao phong trào được tổ chức mang tính xã hội hóa với kinh phí do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ tăng đáng kể từ năm 2003-2009 từ 260 lên 410 giải. Các môn thi đấu thể thao thành tích cao như: Việt dã, Quần vợt, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng đá, Võ thuật… luôn nhận được sự đầu tư, tài trợ lớn. Trong đó nổi lên một số mô hình mang tính điển hình của địa phương được các tỉnh, thành phố bạn học tập như: CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Asernal JMG với cơ sở vật chất phục vụ tập luyện hiện đại, nội dung, chương trình đào tạo mang tính quốc tế.
Giai đoạn 2002-2010 đánh dấu sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của hệ thống các Liên đoàn, Hội thể thao với 11 tổ chức xã hội thể thao: Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông, Taekwondo, Karatedo, Vovinam-Việt võ đạo, Võ cổ truyền, CLB mô tô, Cờ tướng, Hội cổ động viên bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ và những thành tích đáng ghi nhận nêu trên, công tác TDTT của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại do nhận thức hạn chế của một số cấp ủy Đảng, chính quyền dẫn đến sự thiếu quan tâm chỉ đạo về công tác TDTT. Công tác tuyên truyền TDTT chậm đổi mới cả về nội dung và hình thức, khiến phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đều, chất lượng chưa cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số người luyện tập TDTT thường xuyên nhất là thanh thiếu niên trong thời gian qua có tăng nhưng vẫn còn thấp so với dân số của tỉnh và chỉ tập trung ở vùng thuận lợi.
Công tác giáo dục thể chất còn hạn chế; giáo viên thể dục còn thiếu, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm; sân bãi, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ việc tập luyện cho học sinh vẫn còn thiếu và chưa phù hợp với đặc thù của cơ sở. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể thao ở cơ sở còn thiếu và yếu. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức còn thiếu chiều sâu, nhiều biểu hiện tiêu cực trong thi đấu thể thao chưa được ngăn chặn và đẩy lùi kịp thời. Thành tích của thể thao đỉnh cao chưa có bước đột phá và thật sự bền vững; chính sách phát hiện, đào tạo tài năng và ứng dụng khoa học trong tập luyện, thi đấu còn hạn chế. Nhiều tổ chức xã hội về TDTT hoạt động còn mang tính hình thức, xã hội hóa thể thao chưa mạnh, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phong trào TDTT của tỉnh phát triển và đạt những thành tích cao hơn nữa, ngành TDTT Gia Lai đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về TDTT. Phát triển phong trào TDTT quần chúng theo hướng đưa các hoạt động TDTT về cơ sở, phát huy các môn thể thao dân tộc, gắn với yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh hoạt động TDTT trong mọi đối tượng, địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển TDTT trong trường học, thanh thiếu niên, lực lượng vũ trang, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phấn đấu để mọi người dân có thói quen rèn luyện thể thao hàng ngày, từng bước hình thành một “xã hội tập luyện thể thao”. Nâng cao thành tích thi đấu của các đội tuyển khi tham gia thi đấu ở giải cụm, khu vực, toàn quốc. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo vận động viên thể thao gắn với các địa phương trong tỉnh. Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ kế cận đủ trình độ, đạo đức phục vụ cho sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh. Chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn TDTT cơ sở. Đổi mới phương thức quản lý thể thao thành tích cao; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, y học TDTT trong công tác tuyển chọn, đào tạo và chăm sóc vận động viên; Thành lập mới, củng cố, kiện toàn một số liên đoàn, hội thể thao khi đủ điều kiện.
Theo đó, các giải pháp chủ yếu cần thực hiện, bao gồm: Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác TDTT. Các địa phương, đơn vị có quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT, dựa trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, đặc biệt là các quy hoạch về đất, công trình TDTT phục vụ nhu cầu luyện tập và thi đấu của quần chúng nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào TDTT ở những vùng, khu vực khó khăn và các đối tượng chính sách để đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình hưởng thụ văn hóa tinh thần các hoạt động TDTT.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia, hưởng ứng các hoạt động TDTT. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Kết hợp các tiêu chí của TDTT với các chỉ tiêu trong nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm của các địa phương, đơn vị làm cơ sở đánh giá thi đua, khen thưởng. Tập trung chỉ đạo các hoạt động TDTT ở cơ sở và công tác giáo dục thể chất trong các đơn vị trường học. Đa dạng hóa các loại hình tập luyện, phương thức tổ chức gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội, dịp kỷ niệm…
Khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh. Lựa chọn, phân nhóm các môn thể thao trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thể thao trong tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ làm khâu ưu tiên đột phá để nâng cao thành tích của thể thao của tỉnh. Tiếp tục triển khai phổ biến Luật TDTT và các văn bản pháp luật khác, qua đó tạo khung pháp lý cho hoạt động xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa các hoạt động TDTT. Chuyển giao một số hoạt động, dịch vụ TDTT cho các liên đoàn, hội thể thao của tỉnh. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, trang thiết bị…
Phan Thanh Cẩm