 |
Giải thi đấu Bóng chuyền do Sở VH,TT&DL Phú Thọ tổ chức (Ảnh: Trung Kiên) |
Tháng 5 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/2005/Q Đ-TTg về phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào thể dục, thể thao (TDTT) quần chúng tại các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước, huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, làm cho mỗi người dân được quyền hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, TDTT nhằm tăng cường sức khỏe góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất. Thực hiện chủ trương này cũng nhằm góp phần tạo ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội...
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi với hơn 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế đặc biệt các thiết chế thể thao ở vùng sâu, vùng xa, song dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, ngành TDTT Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở cả 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). 100% các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành Chương trình 100; tổ chức mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT của 274 xã, phường, thị trấn; chỉ đạo các địa phương lựa chọn xây dựng một đơn vị điểm để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, sự nghiệp TDTT của địa phương đã có những bước phát triển tiến bộ, phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong các tầng lớp nhân dân từ doanh nghiệp, trường học đến các đơn vị lực lượng vũ trang. Từ phong trào tự phát nay trở thành phong trào tự giác và có tổ chức, nhiều môn thể thao được nhân dân ưa thích tham gia tập luyện như: Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh... Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT đạt được kết quả tích cực, thu hút đông đảo các nguồn lực tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp TDTT. Ngân sách chi cho sự nghiệp TDTT được quan tâm hơn, mức chi năm sau cao hơn năm trước. Đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường cả về số và chất lượng. Công tác quy hoạch đất xây dựng các thiết chế TDTT được đảm bảo....
Chỉ riêng năm 2010, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 24 % tăng 6,8 % so với năm 2005; số gia đình TDTT đạt 19,5 % tăng 9 % so với năm 2005. Phong trào TDTT trong công nhân viên chức, lao động, lực lượng vụ trang và nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được duy trì nền nếp và phát triển, trung bình tăng 2 – 2,3% mỗi năm. Các giải thể thao hàng năm được tổ chức ngày càng nhiều mỗi năm tăng hơn 100 lượt giải (năm 2005 tổ chức 584 giải đến năm 2010 tổ chức được gần 1300 giải).
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động TDTT cũng tăng đáng kể. Năm 2005 toàn tỉnh có 08 nhà luyện tập và thi đấu TDTT (trong đó 1 nhà thi đấu đảm bảo tiêu chuẩn thi đấu quốc tế), 7 SVĐ, 29 sân bóng đá, 4 bể bơi, 300 sân bóng chuyền, 15 sân quần vợt; 175/274 xã, phường, thị trấn đã xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đến hết năm 2010 toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm mới 15 SVĐ, 10 bể bơi (trong đó có SVĐ và bể bơi Việt Trì đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia), 325 sân bóng đá, 1.491 sân bóng chuyền, 52 sân quần vợt, 27 nhà luyện tập và thi đấu TDTT (nhà đa năng); 277/277 xã, phường, thị trấn đã xây dựng được các thiết chế VHTT.
Bên cạnh những mặt được cũng còn có một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục đó là: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền nhất là các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai Chương trình. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ TDTT ở cơ sở còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT tăng nhưng phân bố không đồng đều giữa các địa phương. Kinh phí dành cho sự nghiệp TDTT nhất là công tác TDTT quần chúng còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng giải thể thao được tổ chức nhiều song vẫn còn bó hẹp trong một số môn thể thao quen thuộc như: Cầu lông, Bóng bàn....
Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ, ngành TDTT Phú Thọ cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác TDTT, coi sự nghiệp TDTT là của quần chúng nhân dân, nhằm nâng cao sức khỏe đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho TDTT. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể cá nhân tiêu biểu. Cần có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT ở cơ sở...
Hoàng Trung Kiên