Hoạt động TDTT quần chúng luôn có chuyển biến tích cực
Số người tham gia tập TDTT thường xuyên được tăng lên hàng năm với tỷ lệ khá cao. Nếu như năm 1990 trong toàn tỉnh chỉ có khoảng 14.124 người (chiếm 2% dân số) thì đến năm 1995 tăng lên 94.400 người (chiếm 12% dân số) và đến cuối năm 2009 đạt đến 186.060 người, chiếm tỷ lệ 21% dân số, tăng gấp 10 lần năm 1990.
Hệ thống thi đấu các môn TDTT quần chúng của tỉnh được củng cố và xây dựng mới theo sự phân cấp quản lý (tỉnh, huyện, ngành đến cơ sở), qua đó phát triển và khai thác nhiều môn thế mạnh, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, đối tượng... nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện, thi đấu. Năm 2009, các địa phương trong tỉnh, đã tổ chức và phối hợp với các ngành liên tịch tổ chức từ 200 - 220 giải, Hội thi thể thao.
Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động: "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; thực hiện Chỉ thị 17 - CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng và kế hoạch 25/KH-TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chương trình số 711/UB của UBND tỉnh Phú Yên: "Về phát triển công tác TDTT từ nay đến năm 2010" phong trào TDTT quần chúng ở các địa phương, trong các cơ quan, đoàn thể, các công ty, xí nghiệp... trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá mạnh và đồng bộ.
Việc luyện tập TDTT thường xuyên hàng ngày đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được đối với tất cả mọi người. Thông qua việc tổ chức Đại hội TDTT ở các cấp, từng địa phương, từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã dấy lên phong trào tập luyện TDTT của đông đảo quần chúng nhân dân. Nội dung tổ chức hoạt động TDTT quần chúng ở cơ sở ngày càng phong phú và đa dạng. Nhiều môn thể thao dân tộc truyền thống được các địa phương khai thác, đưa vào tổ chức thi đấu và duy trì thường xuyên hằng năm, từ đó thu hút được nhiều người, nhiều đối tượng tham gia tập luyện và thi đấu, tạo ra sự khởi sắc cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
 |
Thi đấu Bóng chuyền tại Đại hội TDTT huyện Sông Hinh (Ảnh: Trần Vỹ) |
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa TDTT cũng đã có sự quan tâm của các địa phương, các ngành trong tỉnh và từng bước đem lại những hiệu quả khả quan. Các công trình, sân bãi tập luyện, thi đấu TDTT, trang thiết bị dụng cụ TDTT... được đầu tư xây dựng, mua sắm. Nhiều địa phương ở miền núi , vùng sâu, vùng xa thông qua việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp, cũng đã tự khắc phục những trở ngại khó khăn, nâng cao mức hưởng thụ tinh thần cho người đân, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bằng và miền núi, phát triển phong trào TDTT ở cơ sở.
Hầu hết các cấp học thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, các trường đều có đội thể thao và hàng năm đều tổ chức tốt Hội khoẻ Phù Đổng cấp trường, cấp huyện, thành phố. Trong lực lượng cán bộ, CNVC ngày càng được các cơ quan Nhà nước, đơn vị kinh tế quan tâm hơn, mọi người đều tự giác chọn cho mình một môn thể thao để tập luyện, nhất là phong trào đi bộ, tắm biển, Cầu lông, Quần vợt, Cờ tướng.
Trong lực lượng vũ trang, các hoạt động TDTT luôn được tổ chức nề nếp và hiệu quả. Tỷ lệ cán bộ chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khoẻ luôn chiếm 95% trở lên. Các đối tượng khác như: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi... phong trào TDTT cũng đã và đang phát triển khá mạnh.
Thể thao thành tích cao, thành tích năm sau luôn cao hơn năm trước
Tách tỉnh từ tháng 7/1989 nhưng đến năm 1994, sau khi Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật TDTT tỉnh được thành lập. Công tác đào tạo VĐV năng khiếu của Phú Yên mới bắt đầu đi dần vào nề nếp. Trong khoảng thời gian đó, Trung tâm chỉ đào tạo được 1 lớp năng khiếu Bóng đá trẻ, 2 lớp Bóng đá nghiệp dư, 1 lớp Bóng bàn, 1 lớp Quần vợt nghiệp dư thiếu niên và 3 lớp năng khiếu trẻ ở các môn: Điền kinh, Taekwondo và Bóng chuyền. Từ năm 2005 đến nay, công tác đào tạo, huấn luyện VĐV đã thật sự đi vào nề nếp, với những đổi mới về phương pháp huấn luyện chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Hàng năm, bình quân có từ 100 - 120 VĐV tập trung và từ 250 - 300 VĐV năng khiếu nghiệp dư được đào tạo, bao gồm các môn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh. Taekwondo, Pencak Silat, Bóng bàn, Cờ Vua, Boxing, Vovinam, Võ cổ truyền. Karatedo, Aerobic...
Tính riêng trong năm 2009, Thể thao Phú Yên đã đoạt được 52 huy chương giải toàn quốc (09 HCV, 19 HCB và 24 HCĐ), đạt 208% kế hoạch giao và 03 huy chương ở giải quốc tế (02HCV, 01HCĐ).
Nói về thành tích của Thể thao Phú Yên sau 20 năm, không thể không nhắc đến tấm HCB của VĐV Taekwondo Trần Hiếu Ngân giành được từ đấu trường Olympic Sydney năm 2000. Cho đến hiện tại, đây vẫn là tấm huy chương danh giá nhất của Thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic.
Có thể nói, sau 20 năm hoạt động với biết bao nhiêu khó khăn và thách thức, song với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn thể cán bộ, viên chức trong toàn ngành, sự nghiệp TDTT của Phú Yên đã và đang tiếp tục phát triển với những bước đi vững chắc và ổn định.
Trần Vỹ