Nguyên nhân kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại
Đối với công tác tham mưu và chỉ đạo: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại tỉnh. Phong trào thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Long liên tục phát triển và đi lên. Các thành viên trong ban chỉ đạo dù bận nhiều việc nhưng vẫn dành tâm huyết, thời gian và công sức đóng góp vì sự phát triển của sự nghiệp thể dục thể thao tại các đơn vị và của tỉnh. Thường trực Ban chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp liên tịch, tham mưu tổ chức thực hiện hàng năm, duy trì cuộc vận động góp phần mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên do chưa xây dựng quy chế phối hợp làm việc của Ban chỉ đạo …đã làm hạn chế hoạt động và phát triển của phong trào, cần khắc phục để phát triển trong thời gian tới.
Đối với tình hình hoạt động của phong trào: Hoạt động của phong trào rèn luyện thân thể của nhân dân tỉnh Vĩnh Long những năm qua cũng gặt hái thành công đáng kể: Có 27 môn thể thao được hình thành và hoạt động trên địa bàn tỉnh, song song đó các loại hình thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển tốt, các Bộ môn thể thao tỉnh được hình thành, 5 tổ chức Liên đoàn thể thao tỉnh được khôi phục và thành lập mới, hàng trăm câu lạc bộ thể thao cơ sở có quyết định thành lập của cấp thẩm quyền…đã và sẽ là môi trường thuận lợi để phong trào thể dục thể thao của mọi người phát triển mạnh mẽ. Song còn nhiều hạn chế là: Đời sống kinh tế và thu nhập của đại bộ phận nhân dân nhất là ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động đến việc tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao. Hệ thống tổ chức quản lý thể dục thể thao cấp cơ sở chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo đan xen. Tổ chức sự nghiệp cấp huyện chậm hình thành, sân chơi bãi tập còn thiếu. Nội dung và hình thức tổ chức hoạt động thể dục thể thao do thiếu sân bãi dẫn đến đơn điệu trong tổ chức các loại hình và không thu hút nhiều đối tượng. Kinh phí hoạt động còn hạn chế, trong khi công tác vận động xã hội hoá còn gặp nhiều khó khăn…đã làm hạn chế hoạt động của của phong trào.
Đối với hoạt động thể dục thể thao trường học: Nhìn chung công tác giáo dục thể chất trong trường học tỉnh Vĩnh Long những năm qua phát triển ổn định. Thành tích hội khoẻ phù đổng toàn quốc hạng 34/64 tỉnh thành năm 2008. Sự đầu tư quan tâm đến cơ sở vật chất thể dục thể thao trường học có phát triển; đặc biệt trong các trường mới xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Số giáo viên thể dục thể thao có đào tạo mới đáp ứng 90 % nhu cầu số trường ( Cấp I, II, III ). Bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn hạn chế phát triển công tác giáo dục thể chất trường học là: Cơ sở sân bãi thể dục thể thao chật hẹp nhất là ở các trường cũ, các trường xây dựng mới có nơi có sân bãi lại không có dụng cụ tập luyện, vì nguồn kinh phí kém; bên cạnh đó kinh phí dành cho hoạt động thể thao ngoại khoá còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên thể dục thể thao chưa đáp ứng đủ nhu cầu giãng dạy, quỹ thời gian dành cho hoạt động thể thao ngoại khoá còn ít. Khả năng huấn luyện các môn thể thao của giáo viên còn yếu…đã tác động trực tiếp đến công tác giáo dục thể chất trong trường học của tỉnh nhà trong thời gian qua.
Đối với công tác liên tịch thể dục thể thao: Sự phát triển của phong trào thể dục thể thao cho mọi đối tượng nhân dân trong tỉnh là kết quả tất yếu việc thực hiện công tác liên tịch thể dục thể thao đã thật sự có hiệu quả. Sự đồng tình hưởng ứng và tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, thời gian của các cơ quan trong tỉnh; cùng sự đồng tình hưởng ứng của người dân tham gia phong trào. Tuy vậy hoạt động thể dục thể thao của các ngành đoàn thể hầu hết do tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên phụ trách theo chế độ kiêm nhiệm, nên ít kinh nghệm trong việc tổ chức phong trào; Về trách nhiệm phối hợp một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác chỉ đạo phối hợp tại cơ sở. Còn lúng túng trong việc hình thành tổ chức câu lạc bộ TDTT tại cơ quan. Không có hướng dẫn viên hướng dẫn tập luyện. Cơ sở sân bãi thể dục thể thao còn hạn chế, phải thuê mướn sân chơi bãi tập chịu nhiều chi phí tốn kém. Về kinh phí hoạt động còn hạn chế nhất là các cơ quan thuộc khối đoàn thể và hành chánh, ảnh hưởng đến việc tổ chức tập luyện hoặc tham dự thi đấu với đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Đối với công tác chỉ đạo tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp: Quy mô, hình thức, nội dung tổ chức ngày càng phong phú, các loại hình thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức hưởng ứng tốt, công tác tuyên truyền, an ninh trật tự luôn được đảm bảo tốt, công tác chuyên môn ngày càng tiến bộ …góp phần thu hút hàng ngàn người tham gia thi đấu và cổ vũ cho đại hội. Song một số nơi còn chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền về ý nghĩa đại hội, về tinh thần lời kêu gọi Toàn dân tập thể dục của Bác, ở một số đơn vị cơ sở cấp xã chưa thật sự quan tâm trong công tác xây dựng kế hoạch, dành kinh phí cho công tác tổ chức của đại hội, hình thức tổ chức đại hội qua loa, nội dung thi đấu quá ít không tạo ra được phong trào rộng lớn nên không thu hút người tham dự và người xem.
Tất cả kết quả trên đã tác động tích cực đến phong trào thể dục thể thao quần chúng của tỉnh Vĩnh Long không ngừng phát triển đi lên; thể hiện qua việc nhiều thành phần kinh tế xã hội, nhiều độ tuổi, giới tính, dân tộc cùng tham gia tập luyện thể dục thể thao vì mục tiêu rèn luyện sức khoẻ. Tham gia hoạt động với nhiều loại hình phong phú và tính tự nguyện của nhiều tổ chức cơ quan nhà nước và xã hội; ở nhiều vùng và nhiều cấp độ khác nhau. Cho thấy thể dục thể thao đã thật sự là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tinh thần của nhân dân tỉnh nhà, làm cho số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên toàn tỉnh tăng từ 9,2% năm 2000 lên 25,5 % năm 2010. Số gia đình thể thao đạt tiêu chuẩn từ 2.500 hộ tăng lên 16.800 hộ, chiếm 8,3 % tổng số hộ. Số CLB thể dục thể thao tăng từ 150 CLB lên 1.050 CLB trong năm 2010. Bảng tổng hợp số liệu tỉ lệ% dân số tỉnh Vĩnh Long tham gia tập luyện TDTT thường xuyên 2000 – 2010.
Hướng tới tương lai
Tiếp tục duy trì phát triển cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 định hướng đến 2020, quyết định thành lập mới Ban chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng phương hướng và quy chế hoạt động của Ban trong thời gian tới với những giải pháp cụ thể gồm:
Về tổ chức bộ máy: Xây dựng điểm mô hình Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã. Trước mắt áp dụng cho các xã điểm Nông thôn mới trong tỉnh. Đối với cấp huyện gồm các huyện Mang Thít, Thành phố Vĩnh Long, Bình Minh, Bình Tân nhanh chóng hình thành tổ chức Trung tâm Thể dục thể thao cấp huyện để đẩy mạnh phát triển sự nghiệp. Đối với cấp tỉnh thành lập Trung tâm dịch vụ tổ chức thi đấu, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Về công tác cán bộ: Hàng năm tổ chức lớp tập huấn công tác quản lý và chuyên môn thể thao cho cán bộ Văn hóa Xã, lớp bồi dưỡng chuyên môn, trọng tài cho đội ngũ Cộng tác viên câu lạc bộ thể thao cơ sở. Đối với cấp huyện bổ sung thêm biên chế thể thao từ 1 – 2 cán bộ cho các trung tâm thể dục thể thao. Song song đó đề cử cán bộ cơ sở tham gia các lớp tập huấn công tác thể dục thể thao do Tổng cục thể dục thể thao mở.
Về kinh phí hoạt động: Đề xuất tăng kinh phí hoạt động hàng năm cho mỗi xã từ 15 đến 20 triệu để vừa tổ chức phong trào tại cơ sở vừa tham gia giải thể thao cấp huyện ít nhất từ 3 đến 5 giải trong năm. Đối với kinh phí hoạt động cấp huyện cần tăng thêm cho mỗi huyện từ 250 đến 350 triệu đồng/ năm.
Về chính sách: Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa, nghiên cứu tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành những công văn chỉ đạo hướng dẫn mang tính pháp lý về lĩnh vực, kêu gọi xã hội hóa đầu tư công trình thể thao, tài trợ tổ chức các giải thể thao, tham gia công tác đào tạo vận động viên phong trào, hình thành các câu lạc bộ thể thao tư nhân…, nhằm giúp cơ sở có căn cứ áp dụng tại địa phương mang lại hiệu quả. Xây dựng chính sách ưu đãi dành cho những vận động viên đặc biệt xuất sắc, chiến lược đầu tư trọng điểm những vận động viên trẻ xuất sắc dành huy chương tại đại hội TDTT và quốc tế, làm cơ sở để động viên khuyến khích dành lấy thành tích cao.
Về đầu tư cơ sở vật chất sân bãi: Tập trung kinh phí đầu tư xây dựng công trình thể thao trọng điểm đối với các xã điểm Nông thôn mới của tỉnh, để làm đòn bẩy bật lên phong trào điển hình trong tỉnh (công trình nầy sử dụng cho cả khu vực cụm xã) hoạt động được bao gồm sân bóng đá, nhà tập luyện, thi đấu thể thao và phải gắn với hoạt động của nhà văn hóa cấp xã. Đối với cấp huyện đẩy mạnh đầu tư sân vận động cấp huyện đầy đủ các hạng mục gồm: Khán đài 1.500 chổ ngồi, Đường chạy điền kinh 400 mét, Mặt cỏ, Hệ thống thoát nước sân bóng đá, Nhà tập luyện và thi đấu đa chức năng. Đây cũng sẽ là nơi dành để trung tâm thể dục thể thao cấp huyện hình thành và hoạt động, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp của địa phương. Cấp tỉnh xây dựng Nhà thi đấu và Hồ Bơi tỉnh đạt chuẩn quốc gia.
Vũ Khoa