 |
Phong trào TDTT Vĩnh Long đã, đang ngày càng khởi sắc(Ảnh: VK) |
Việc tổ chức Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại “ trong toàn tỉnh được triển khai thực hiện với cấp độ sâu rộng hơn, đặc biệt đến các vùng nông thôn sâu, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, số lượt người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên toàn tỉnh tăng từ 13 % năm 2003 lên 24,5 % năm 2009 và ước đạt 25,3 % năm 2010. Số gia đình thể thao từ 4.500 hộ tăng lên 16.950 hộ, đạt tỷ lệ: 8.3% số hộ; số trường đảm bảo công tác giáo dục thể chất trong trường học từ 95% tăng lên 100% tổng số trường; Số chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện sức khoẻ từ 90% năm 2003 tăng lên 98% năm 2009.
Phong trào rèn luyện sức khoẻ, tổ chức thi đấu và tham dự thi đấu nhân các ngày lễ kỷ niệm thành lập ngành của lực lượng công nhân viên chức, lao động, các đoàn thể, các ngành trong toàn tỉnh cũng được ngành TDTT liên tịch và duy trì tổ chức tốt. Trên cơ sở ký kết liên tịch 5 năm với 11 đơn vị, hàng năm ngành TDTT có sơ kết đánh giá từng năm về hiệu quả của sự phát triển phong trào, theo đó phân công trách nhiệm cụ thể rõ ràng theo từng chức năng của các ngành đoàn thể. Từ đó tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của phong trào. Hiện nay, ước tính có 95 % cán bộ, công chức viên chức tham gia tập luyện 1 môn thể thao.
Một số phong trào nổi bật, truyền thống của tỉnh như: giải thể thao truyền thống hàng năm ở các môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Việt dã, Cầu lông, Võ thuật, Xe đạp, Đá cầu, Cờ tướng, Bi a, Thể dục dưỡng sinh, Đua ghe ngo...
Theo xu hướng chuyên nghiệp hoá, thể thao chuyên nghiệp của tỉnh những năm trở lại đây cũng từng bước hình thành tại tỉnh nhà. Đơn cử như đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh Vĩnh Long dưới sự bảo trợ của Đài phát thanh truyền hình tỉnh, tham dự thi đấu theo hệ thống bán chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia trong năm 2005 - 2009.
Xuất phát từ nhu cầu của hoạt động du lịch và trong sinh hoạt Văn hóa của bộ phận thanh thiếu niên học sinh trong tỉnh, thể thao giải trí tỉnh Vĩnh Long trong năm 2009 cũng nhen nhúm hình thành một vài loại hình như: Trượt nước, Hon da nước, Câu cá… ở khu du lịch Vinh Sang huyện Long Hồ, Trò chơi thể thao game (E-Sport) hay còn gọi là thể thao điện tử, hình thành tại các thị trấn, thành phố trong tỉnh.
Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng của tỉnh Vĩnh Long là sự phát triển tất yếu của việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước thông qua việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trung ương và của tỉnh. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện chỉ thị 17 của Ban Bí thư trung ương Đảng về phát triển TDTT đến nay đã tác động và mang lại hiệu quả trong đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh các mặt thuận lợi, TDTT Vĩnh Long còn không ít khó khăn, làm hạn chế đến sự phát triển bền vững của phong trào TDTTcủa tỉnh đó là: Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về TDTT của tỉnh chưa hình thành hoàn chỉnh; trong đó chỉ có 04/08 Trung tâm TDTT cấp huyện, thành phố được thành lập, đây là những đơn vị quản lý trực tiếp đến phát triển sự nghiệp TDTT cơ sở. Còn ở cấp xã TDTT chưa có hệ thống tổ chức quản lý nhà nước mà chỉ phân công cho Cán bộ Văn hóa – Xã hội phụ trách; Cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị phục vụ tổ chức phong trào còn thiếu và chưa đảm bảo về chất lượng; Công tác vận động xã hội hoá cón triển khai chậm; Các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi, thu hút đầu tư của xã hội trong tỉnh cho hoạt động TDTT chậm được ban hành và cụ thể hoá; Ngân sách đầu tư các công trình TDTT các cấp còn chậm so với quy hoạch được duyệt.
Vũ Khoa