Menu

Thầy bơi miệt vườn - Lê Trung Sứng 

Thầy bơi miệt vườn - Lê Trung Sứng 

18 Tháng Mười 2013

Thầy bơi miệt vườn - Lê Trung Sứng 

Dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ (Ảnh: Chí Liêm)
Năm 1983, chàng trai trẻ Lê Trung Sứng tốt nghiệp một ngành học tưởng như không liên quan nhiều đến bơi lội: trung học sư phạm. Rồi anh bắt đầu “gõ đầu trẻ” ở Trường Tiểu học Long Hòa 3, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Cơ duyên của Thầy Sứng đến với môn thể thao sông nước thật tình cờ khi trường thiếu giáo viên thể dục.

Thầy Sứng hào hứng kể: “Hồi đó tui sức vóc dữ lắm đó nghe với ngực hình chữ V, cánh tay từng vô địch giải vật tay trường Phan Thanh Giản năm 1973 đấy. Có lẽ nhờ ngoại hình “bắt mắt” mà tôi được thầy hiệu trưởng Lê Trung Kết phân công dạy thể dục từ năm 1992. Tuy “trái tay”, nhưng tôi khoái với chuyện bơi lội lắm”…

Thầy giáo thể dục Lê Trung Sứng luôn day dứt: tại sao ở vùng sông nước ĐBSCL kênh rạch, sông ngòi chằng chịt mà trẻ em ngày càng ít biết bơi, ngày càng xảy ra nhiều cảnh đuối nước (chết đuối) thương tâm? “Trẻ con biết đi thì phải biết bơi”, lời người cha, ông Lê Văn Ba đến nay hơn 80 tuổi - vẫn hàng ngày bơi ở con rạch trước nhà, vẫn luôn văng vẳng bên tai, đầy ám ảnh thầy Sứng. Thày nảy ra ý tưởng thành lập CLB bơi lội miễn phí Trường Long Hòa 3.

Từ năm 1996 đến nay, cứ mỗi mùa tựu trường là mỗi khóa mới của CLB bơi lội Long Hòa với từ 30-40 VĐV tham gia, trong đó đáng nói là nhiều em chưa biết bơi. Con rạch Ngã Bát rộng khoảng 20 m cạnh trường là “hồ bơi thiên nhiên” của CLB.

Hàng chục phụ huynh thường đứng “giám sát” hai bên bờ sông khi thầy trò thầy Lê Trung Sứng tập. Ông Nguyễn Văn Mà kể: “Nghe con nói học bơi trên sông tui lo lắm nên phải đến xem tận mắt mới được. Xem vài lần, bà con chúng tôi hoàn toàn an tâm ở nhà làm vườn…”. Buổi tập bơi bắt đầu và kết thúc bằng một việc không thể thiếu của thầy Sứng suốt hơn chục năm qua: đếm VĐV. Bởi ông rất sợ các em vô ý gặp điều không hay. Tiếp đó, các em khởi động kỹ lưỡng để tránh bị chuột rút khi bơi. Bảo vệ trường và tổng phụ trách đội đứng hai đầu đường bơi trông chừng ghe, xuồng lưu thông trên sông; các em đã biết bơi bơi ở ngoài sâu, vừa bơi vừa chú ý các em mới tập ở đường bơi sát bờ. Thầy Sứng vừa quan sát chung vừa hò hét uốn nắn kỹ thuật…

Hai năm qua, thầy Sứng chuyển về công tác tại trường Tiểu học Long Hòa 1, nhưng vẫn giữ CLB bơi lội, chỉ chuyển sang tập ở khu vực bờ kè chùa Long Quang, đoạn sông rộng khoảng 30m. Thày mất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn để vận động nhà chùa cho mượn chỗ khởi động, nghỉ ngơi, thay đồ… cho các VĐV. Thời gian biểu tập bơi không cố định, có thể từ 6h30 sáng hoặc sau giờ tan học buổi chiều bởi phải đợi con nước lớn để dòng sông sạch hơn, nhất là thời ô nhiễm bây giờ.

Ông Tô Ngọc Huy, từng là PGĐ Trung tâm TDTT Cần Thơ khẳng định hơn chục năm qua, CLB bơi lội trên rạch này chưa xảy ra tai nạn. Khi tôi hỏi về kỹ thuật bơi, thầy Sứng cười nói: “Từ nhỏ tôi bơi lặn suốt ngày dưới rạch Ngã Bát cạnh nhà để bắt cá nên rèn được kỹ năng bơi sải. Khi mở CLB này, tôi tìm tài liệu cơ bản, nhưng chủ yếu vẫn là dạy bơi sải mà tôi biết rõ nhất”. Nhưng thầy Sứng không khư khư với “vốn tự có” mà đã tốt nghiệp cao đẳng TDTT.

Các đợt tập huấn về bơi lội cứu đuối do Tổng cục TDTT tổ chức tại miền Nam thường không vắng thầy Sứng. Mới đây, thầy phải thuê người làm tiếp bà xã thu hoạch còn mình đi tập huấn. Học xong, thầy Sứng tổ chức lớp tập huấn lại cho các HLV bơi lội cơ sở Cần Thơ. Năm nào thầy cũng đi dự các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn hoặc tham gia dẫn dắt các đội tuyển bơi lội của Cần Thơ đi thi đấu.

Thầy Sứng tâm sự:“Tôi muốn chuyển tải cho các HLV phong trào những kiến thức, kỹ năng cơ bản mới nhất bởi sự khởi đầu của VĐV cần được uống nắn đúng cách”. Hiện nay, 5 HLV bơi lội của Trung tâm TDTT Cần Thơ đều là học trò thầy Sứng. Một trong số đó, HLV Bùi Thanh Tâm nói: “Khi khó khăn nhất, chúng tôi lại tìm đến với thầy Sứng để được tiếp thêm “năng lượng” với nghề”.  

Lê Trung Sứng có lẽ là HLV bơi lội phong trào hiếm hoi ở ĐBSCL có học trò từng giành những chiếc HCV danh giá. Đó là Ngô Minh Nhanh – cựu tuyển thủ quốc gia - từng lập hai kỷ lục quốc gia 200m và 400 m tự do, nhiều lần giành HCV quốc gia, quốc tế; Nguyễn Văn Nhân từng đoạt hai HCV giải trẻ Đông Nam Á nội dung 50 và 100m ếch và mới đây là tay bơi trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên…

Với mỗi học trò “vàng”, thầy bơi miệt vườn Lê Trung Sứng lưu giữ nhiều ấn tượng đặc biệt. Đơn cử một lần thầy Sứng đang hướng dẫn học trò khởi động, Ngô Minh Nhanh - một học sinh dáng nhanh nhẹn, hơi gầy đến xin vào CLB. Thầy Sứng hơi e ngại vì cậu khá nhỏ so với lứa tuổi, Hnhưng rồi vẫn nhận vào CLB với hy vọng: Nhanh sẽ cải thiện thể hình bởi cha mẹ em cao lớn, sải tay dài… Sau này, Minh Nhanh trở thành VĐV của đội tuyển Cần Thơ, nhưng nhiều lần suýt bỏ đội bởi…đói nhưng không dám nói với HLV. Thầy Sứng biết chuyện liền lên căng-tin xin cho Nhanh được ghi sổ nợ để được ăn thêm…Còn Nguyễn Văn Nhân thì bị bệnh tim bẩm nên cha mẹ em từng phải đến gặp thầy Sứng xin miễn môn thể dục. Thế mà khi CLB đang tập bơi, Nhân bơi từ đằng xa đến xin thầy Sứng vào CLB! Một thời gian tập, Nhân khỏe hẳn ra…Còn Ánh Viên nhà cách “lò” bơi gần chục cây số, đường đi lầy lội, nhưng hầu như không bỏ tập…  

Thầy bơi Lê Trung Sứng chưa được kỷ niệm chương vì sự nghiệp TDTT dù từng nhiều lần được nâng lên đặt xuống. Thế nhưng khi hỏi đến chuyện này, thầy gạt đi: “Kỷ niệm chương thì cũng tốt, nhưng cái tôi quan tâm hơn là làm sao ngày càng giúp được nhiều trẻ em có thêm “đôi chân dưới nước” và góp phần khai “vàng mới” cho thể thao đất Tây Đô”.

Thanh Tung

Print

Số lượt xem (1046)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.