Menu

Thể thao Bình Định: Nâng cao hiệu quả ứng dụng Công nghệ thông tin trong tập luyện và thi đấu thể thao

Thể thao Bình Định: Nâng cao hiệu quả ứng dụng Công nghệ thông tin trong tập luyện và thi đấu thể thao

09 Tháng Tư 2011

Thể thao Bình Định: Nâng cao hiệu quả ứng dụng Công nghệ thông tin trong tập luyện và thi đấu thể thao

Các VĐV đội tuyển cờ Bình Định đang luyện tập trực tuyến qua mạng Internet (Ảnh: TTrúc)
Trong số các bộ môn của thể thao Bình Định hiện nay, Cờ là bộ môn được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ứng dụng CNTT trong luyện tập và thi đấu. Do đặc thù của làng cờ Việt Nam tiếp cận tin học từ khá sớm nên Bình Định cũng không nằm ngoài “guồng quay” công nghệ cao này. Có đến thăm các VĐV đội tuyển cờ Bình Định mới thấy hiệu quả to lớn mà máy tính và những tính năng cộng hưởng của nó mang lại. Tại phòng tập của bộ môn Cờ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là mười bộ máy vi tính “sáng đèn” phục vụ cho các kỳ thủ. HLV Châu Thị Ngọc Giao giới thiệu tôi tiếp cận cách thức mà các VĐV hằng ngày phải “trả bài”.

Được biết, ngoài việc tập bằng phương pháp truyền thống với bàn cờ đạo, các VĐV đều có từ một tới nhiều tài khoản ở các trang web của các bộ môn Cờ. Ban đầu mỗi VĐV khi đăng ký được cấp một hệ số Elo, hệ số này sẽ tăng hoặc giảm biến thiên tùy theo khả năng và trình độ của VĐV (thắng được cộng Elo, thua bị trừ Elo). Với phương thức tự tập luyện và thi đấu liên tục qua các website và phần mềm như Chessok, Chessbase, Swiss 4.8 hoặc Playchess, các VĐV có thể tự nâng cao trình độ bằng việc thách đấu đối thủ theo trình độ Elo tương xứng, theo dõi ván đấu của các kỳ thủ khác để học tập những nước cờ hay và rút kinh nghiệm cho bản thân.

 Ngoài việc thi đấu trực tiếp, khi truy cập mạng Internet, các VĐV sẽ nắm bắt được tin tức, diễn biến và những điều luật mới khi Liên đoàn Cờ thế giới công bố. Hiện nay, có rất nhiều phần mềm và trang web chuyên dụng tổ chức nhiều giải cờ nhanh, cờ chậm và vô số các giải lớn nhỏ khác. “Vai trò của CNTT đối với bộ môn cờ hiện nay có sức ảnh hưởng rất lớn. Cái hay của CNTT là một số VĐV không thể đến học và luyện tập trực tiếp tại bản doanh của bộ môn thì đội ngũ HLV vẫn có thể theo dõi và nắm bắt các em thông qua việc giao bài tập từ xa, sau đó kiểm tra kết quả thi đấu và theo dõi sát sao bằng cách kiểm tra qua mạng Internet. Ngoài ra VĐV khi gặp khó khăn về chuyên môn cũng có thể trao đổi qua mạng Internet với các thầy nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ” - HLV Ngọc Giao cho biết.

Nói về hiệu quả của CNTT không chỉ là “câu chuyện riêng” của gia đình nhà họ Cờ, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh cũng là một đơn vị hiện đang ứng dụng rất tốt CNTT để phục vụ việc giảng dạy và học tập các bộ môn thể thao. Hiện trường có tổng cộng 5 máy tính đều được kết nối Internet băng thông rộng giúp các HLV cập nhật những thông tin mới nhất về phương pháp huấn luyện và giảng dạy, cách thức trình bày và soạn thảo giáo án dựa trên trình diễn (slideshow).

Đội ngũ cán bộ và giáo viên Trường Năng khiếu TDTT tỉnh hiện nay đều đạt chuẩn về Tin học, có kiến thức cơ bản và có thể sử dụng Powerpoint để thiết kế bài giảng, thường xuyên được dự các lớp tập huấn do Liên đoàn các bộ môn tổ chức. Cuối mỗi năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đều tổ chức tổng kết công tác dạy và học, đồng thời lên kế hoạch chi tiết cho việc ứng dụng CNTT trong việc giảng dạy của năm tiếp theo. Nói về tác dụng của CNTT, ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Năng khiếu TDTT tỉnh, cho biết: “CNTT đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo và giảng dạy các VĐV trẻ của Bình Định hiện nay. CNTT đã đem lại sự thuận tiện cho các giáo viên, đồng thời cung cấp nền kiến thức nhanh chóng mà các giáo trình bằng sách không mang lại được.”

Song song với việc ứng dụng CNTT ở một số bộ môn trọng điểm, hiện nay ngành TDTT tỉnh cũng đang nỗ lực triển khai để đưa CNTT đến các bộ môn và đơn vị trực thuộc một sách sâu rộng và cụ thể hơn. Theo đó, các HLV sẽ sử dụng máy vi tính để phân tích các VĐV trong tập luyện cũng như trong thi đấu, cung cấp những thông tin dự báo cũng như trong giảng dạy những động tác cơ bản, những chiến thuật đối với VĐV. Sau đó, HLV các bộ môn xử lý tất cả những bảng phân tích dữ liệu tập luyện và thi đấu trong cùng một chương trình. Thông qua những bước cơ bản này, HLV có thể sắp xếp, tổ chức kế hoạch huấn luyện, tạo ra những bản tin dự báo, nội dung tập luyện, giúp tiết kiệm một lượng lớn thời gian từ tập luyện đến đánh giá, tuyển chọn và phát hiện những VĐV tiềm năng trong các cuộc thi đấu.

Hy vọng trong những năm tới, ngành TDTT Bình Định sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong quản lý, huấn luyện và thi đấu, tập trung triển khai xây dựng và tổ chức tích hợp các cơ sở dữ liệu ngành TDTT đi đôi với tăng cường hiệu quả khai thác các hệ thống thông tin tác nghiệp và hệ thống thông tin quản lý. Một khi tiếp cận và ứng dụng CNTT mạnh mẽ, thể thao Bình Định sẽ gặt hái được nhiều “quả ngọt” trong tương lai.

Bài, ảnh: Thiên Trúc

Print

Số lượt xem (3259)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.