Tuy nhiên, theo ông Matheos Viktor Mesakh phát biểu trên tờ Jakarta lại cho rằng việc thiếu kinh phí chỉ là nguyên nhân thứ yếu.
Nguyên nhân quan trọng là sự thiếu đầu tư của chính phủ cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.
Thậm chí ông còn đưa ra dẫn chứng về một giải thi đấu quốc tế, một quan chức của môn Cử tạ, ông Alamsyah Wijaya đã phải bỏ tiền túi của mình để chi các khoản vé đi lại, ăn, ở cho các VĐV tham dự.
Với cương vị là Tổng thư ký trong 9 năm của Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Indonesia (PABBSI) - môn thể thao mang nhiều thành tích cao cho Indonesia tại các giải đấu lớn, ông cho rằng việc đợi Chính phủ chi ngân sách quả là lãng phí thời gian và công sức.
Mặc dù ngân sách của Chính phủ chi cho Bộ Thanh niên và Thể thao đã tăng từ 300 tỷ Rp (tương đương 33,3 triêu USD) năm 2004 lên đến 1,1 ngàn tỷ vào năm nay, nhưng người đứng đầu các Liên đoàn, Hiệp hội vẫn than phiền không nhận được sự đầu tư. Ông Alamsyah cũng thể hiện sự thất vọng khi Chính phủ không coi môn Cử tạ là môn thể thao quan trọng của nước nhà.
Ông cho biết: " Kinh phí mà chúng tôi nhận được trong 1 năm là 3,3 tỷ Rp, trong khi đó Liên đoàn Bóng đá nhận được nhiều hơn rất nhiều, một con số ví dụ là 48 tỷ Rp. Đó là điều mà tôi cho rằng, Liên đoàn không nhận được sự đầu tư. Đưa tôi 48 tỷ Rp, tôi đảm bảo sẽ giành HCV tại Thế vận hội."
Ông Alamsyah cũng nhấn mạnh sự thành công của bộ môn Cử tạ trong suốt 10 năm qua, với các thứ hạng cao giành được tại các đấu trường lớn mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp và thiếu sự quan tâm của Chính phủ.
Cử tạ Indonesia đã giành được 1 HCB và 2 HCĐ tại Thế vận hội Sydney 2000, 1 HCB ở Thế vận hội Athens 4 năm trước, và 2 HCB, 4 HCĐ tại Thế vận hội Bắc Kinh (thành tích đã gần ngang với môn Cầu lông).
PABBSI là một trong số ít Liên đoàn, HIệp hội đã có một chương trình dài hạn để phát triển. Ví dụ, để chuẩn bị Thế vận hội trẻ từ năm 2007, Liên đoàn đã tập trung cho 17 VĐV, và kết quả của sự chuẩn bị này là việc Cử tạ Indonesia trở thành môn thể thao đầu tiên của nước này giành suất tham dự Thế vận hội trẻ 2010 ở Singapore.
Đội tuyển cũng đang chứng tỏ khả năng của mình tại các giải quốc tế lớn khi giành 9 HCV, 4 HCB và 6 HCĐ tại giải vô địch trẻ Châu Á tổ chức ở Dubai vào cuối tháng 12.
"Trước khi giải đấu ở Dubai diễn ra, chúng tôi cũng yêu cầu Bộ cấp cho chúng tôi 109 triệu Rp để trang trải cho 3 VĐV, 1 quan chức, 1 HLV tham dự. 3 ngày trước ngày khởi hành, Bộ đã cho biết chỉ có thể cung cấp cho chúng tôi 75 triệu Rp, tuy nhiên chúng tôi chỉ nhận được số tiền đó sau khi chúng tôi đã quay về nước. Đây là một vấn đề lớn và không thuộc trách nhiệm của mỗi cá nhân nào mà là vấn đề của cả bộ máy nói chung. Mỗi lần ra nước ngoài tham dự các giải đấu, chúng tôi đều phải tự bỏ tiền túi."
Tuần này, PABBSI thông báo có 1 nữ VĐV khác cũng đã giành vé tham dự Thế vận hội trẻ sau khi vượt qua vòng loại tại Tashkent, Uzbekistan. Ban quản lý đội tuyển đã tham dự và hoàn thành giải đấu ở Tashkent chỉ sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao Quỹ hỗ trợ của Đoàn kết Olympic cho VĐV trẻ tài năng phần 35,000 đô la cho Liên đoàn vì những cố gắng để trở thành VĐV đầu tiên tham dự TVH Olympic trẻ.
PABBSI cũng đã đề xuất Chính phủ dự trù một nguồn ngân sách là 4,9 tỷ Rp (532,608 USD) để phát triển thế hệ VĐV trẻ và lứa VĐV kế tiếp. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được thông qua và hy vọng để có được nguồn ngân sách này là hết sức mong manh. Phó Chủ tịch PABBSI Sjafriadi Tjut cho biết: Liên đoàn cũng đã có đề xuất tương tự cho SEA Games 25 ở Thái Lan nhưng cuối cùng đề xuất đó đã không được thông qua."
Cũng giống như môn Cử tạ, Cầu lông Indonesia (là một trong những môn thể thao mũi nhọn để giành huy chương tại các giải đấu quốc tế) cũng đang gặp phải vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, Cầu lông còn may mắn hơn khi nhận được sự tài trợ từ doanh nghiệp.
Là môn thể thao duy nhất giành HCV tại TVH, Cầu lông đã thu hút được khá đông các nhà tài trợ, theo Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Indonesia (PBSI) Yacob Rusdianto, năm nay PBSI đã nhận được 20 tỷ Rp, gấp đôi số tiền tài trợ nhận được năm ngoái.
Từ nguồn ngân sách Chính phủ, hàng năm, Liên đoàn Cầu lông Indonesia nhận được dưới 100 triệu Rp cho tất cả các hoạt động điều hành cũng như tập huấn cho 80 VĐV ở các cấp và 18 HLV để chuẩn bị cho các sự kiện như SEA Games, Thomas Cup.
Ông Yacob cho biết, mặc dù là môn thể thao được kỳ vọng sẽ giành HCV tại các kỳ Thế vận hội, nhưng Cầu lông vẫn không nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Chính phủ.
Ông Yacob cho biết: Nguồn kinh phí của Chính phủ dành cho môn Cầu lông sẽ được chi trả cho các giải thi đấu quốc tế, đào tạo HLV chuyên nghiệp, cung cấp những thiết bị, phương pháp khoa học thể thao phục vụ cho các VĐV đỉnh cao. Trách nhiệm của chúng tôi là rất lớn. Chúng tôi cần nguồn tài chính từ Chính phủ. Để đạt được thứ hạng cao, chúng tôi có nhiều vấn đề cần đến tài chính. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, hầu hết mọi thứ đều lấy từ nguồn kinh phí của Chính phủ. Malaysia cũng đã "mua" 2 cựu vô địch thế giới của chúng ta là Indra Gunawan và Rexy Mainaky về thi đấu cho họ. Đó là điều đáng tiếc."
Bất chấp lời than phiền, thư ký Bộ thanh niên và thể thao Indonesia, Wafid Muharam phủ nhận việc Chính phủ không tập trung phát triển thể thao và cung cấp ít kinh phí cho thể thao.
Ông Muharam cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm đến Olympic, Đại hội Châu Á và SEA Games. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tập trung cho tất cả các môn thể thao, chỉ những môn thể thao nào có khả năng phát triển cao. Thật là khó cho Chính phủ để cấp kinh phí cho từng môn thể thao. Để giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất, các Liên đoàn, Hiệp hội phải kêu gọi tài trợ. Và điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của những con người điều hành các Liên đoàn."
Năm nay, Bộ đã nhận nguồn kinh phí từ Chính phủ là 1,5 ngàn tỷ Rp. Trong đó 1,1 ngàn tỷ Rp đã được cấp cho thể thao, 28,5 tỷ Rp dành cho công tác đối ngoại và 179,4 tỷ Rp dành cho các chương trình khác của Chính phủ. Nhìn chung là nguồn kinh phí còn hạn hẹp, do vậy, ông WaFid cho biết Bộ đang vận động các Bộ, ngành để tăng cường tài trợ cho thể thao.
Chương trình Nguồn kinh phí
Chính sách, công tác quản lý 20 tỷ Rp
Huấn luyện và phát triển thể thao 228.3 tỷ Rp
Xây dựng các địa điểm thể thao 486.6 tỷ Rp
Phục vụ thi đấu thể thao 380.6 tỷ Rp
Nguồn kinh phí dành cho thể thao (trích từ nguồn của Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia)
Khánh Chi biên dịch