Menu

Thể thao Quảng Ninh với Lễ hội mùa Xuân

Thể thao Quảng Ninh với Lễ hội mùa Xuân

28 Tháng Hai 2011

Thể thao Quảng Ninh với Lễ hội mùa Xuân

Trong các lễ hội dân gian từ xưa đến nay, hai phần Lễ và Hội đều được coi trọng như nhau. Nếu như trước đây - ở phần Lễ, bên cạnh những thủ tục nghi lễ mang tín ngưỡng dân gian như rước kiệu, cúng tế, hát xướng... thì nay đã có nhiều lễ hội, nhân dịp các ngày kỷ niệm lịch sử, khánh thành các đình chùa, di tích văn hoá hay phục dựng các lễ hội dân gian đã có dấu ấn của thể thao trong những cuộc diễu hành, biểu dương lực lượng của quần chúng nhân dân với cờ Tổ Quốc, ảnh Bác Hồ, Cờ thể thao đủ sắc mầu... (nhiều nơi còn thắp sáng những ngọn đuốc lớn mở đầu cho phần Lễ của ngày hội).

Những năm trước đây, song hành với lễ hội là các dịch vụ “ăn theo”, trong đó nhiều trò chơi dân gian đã biến tướng thành những trò đánh bạc ăn tiền như phóng phi tiêu, xóc đĩa, xổ số điện tử... gây mất trật tự trị an và làm ô nhiễm môi trường văn hoá của lễ hội! Thời gian gần đây, được sự phối hợp của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng gắn liền với các hoạt động văn hoá tín ngưỡng của từng miền quê, trong đó có nhiều trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc với nhiều nội dung phong phú đã diễn ra sôi nổi mang đậm sắc thái văn hoá địa phương nên đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến dự xem. Những ngày đầu Xuân cũng là dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2) vì vậy những hoạt động TDTT trong mùa lễ hội còn mang ý nghĩa mừng Đảng- mừng Xuân- mừng Đất nước đổi mới! Trong số những địa phương tổ chức Lễ hội vào dịp đầu xuân có “thương hiệu” không chỉ ở trong tỉnh mà còn cả nước biết đến là Hội Miếu Tiên Công- huyện Yên Hưng và Hội xuân Yên Tử- TX Uông Bí.  

Huyện Yên Hưng- quê hương của hào khí Bạch Đằng Giang, mồng 7 Tết mới khai hội miếu Tiên Công (Lễ hội tưởng nhớ 17 vị Tiên Công đã có công khai khẩn ra đất Hà Nam- Yên Hưng), nhưng từ mồng 5 Tết các hoạt động TDTT và các trò chơi dân gian đã diễn ra sôi nổi như Bóng chuyền các xã nông nghiệp, Kéo co, Cờ bỏi, Đánh đu, Chọi gà... Vào ngày mồng 8/3 Âm lịch Lễ hội Bạch Đằng đã được tổ chức với quy mô hoành tráng, bên cạnh các hoạt động Văn hoá- Văn nghệ dân gian còn có nhiều nội dung thi đấu thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như Đua thuyền chải, Vật dân tộc, Kéo co... để kỷ niệm ngày Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên- Mông trên sông Bạch Đằng. Ở TX Than- điện Uông Bí đã thành truyền thống hàng năm, trong Lễ hội Yên Tử vào mồng 10 Tết, cùng với các tiết mục văn nghệ “ôn cố, tri tân” nói về công đức của vua Trần Nhân Tông “vứt bỏ ngôi báu như ném chiếc giày xuống nước” (Theo Ngô Thì Nhậm) để lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử... thì những màn biểu diễn võ thuật cổ truyền đặc sắc của các võ sinh lò võ Tây Sơn -  Bắc Phái trong nhịp trống trận rộn ràng đã làm cho du khách thập phương đang hành hương về đất Phật để hướng lòng mình vào cõi Tâm thanh thản thêm một lần tự hào về tinh thần thượng võ, quá khứ hào hùng dựng nước và giữ nước của ông cha ta.     

Từ nhiều năm nay, trong phong trào Xã hội hoá “đưa hoạt động TDTT đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa”, ngành thể thao tỉnh đã duy trì và phát triển được 6 cụm thể thao dân tộc ở các huyện miền núi, biên giới. Vì vậy vào dịp đầu Xuân trong những ngày Lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như Hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Hội xuống đồng) ở xã Thanh Lâm- Ba Chẽ; ngày Hội Văn hoá- Thể thao dân tộc Sán Chỉ ở xã Đại Thành- Tiên Yên; lễ hội đình Lục Na, xã Lục Hồn- Bình Liêu... bên cạnh các hoạt động Văn hoá- Văn nghệ như hát Soóng Cọ, thi cày ruộng, giã bánh dày, nấu xôi ngũ sắc... còn có nhiều trò chơi dân gian và các môn thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như Đánh quay, Tung còn, Đẩy gậy, Bắn nỏ, đi Cà kheo, đánh Cầu lá... . Các hoạt động này luôn thu hút đông đảo bà con các dân tộc thiểu số đến dự xem và cùng tham gia thi đấu trong ngày Lễ hội. Đây là một hoạt động Văn hoá- Thể thao mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó các địa phương tuyển chọn được những VĐV xuất sắc để tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh- Ngày hội thể thao đã thành truyền thống được tổ chức luân phiên tại các huyện miền núi, biên giới hai năm một lần…

Hải Hoà

Print

Số lượt xem (2112)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.