Thấy gì qua những thành quả được gặt hái ở Đại hội TDTT lần VI-2010?
Nếu dựa theo những số liệu từ báo cáo tổng kết do ngành VH,TT&DL tổ chức, thì đoàn Bến Tre dự 6/60 môn, phân môn của Đại hội lần VI-2010, với tổng số 11 HLV và 47 VĐV. So sánh với thành tích tại Đại hội lần V-2006, với 18 huy chương gồm 7 Vàng, 3 Bạc, 8 Đồng, xếp hạng 22/66 toàn đoàn, thì tuy có thứ hạng toàn đoàn thấp hơn (25/65) nhưng số VĐV tham dự kỳ này lại ít hơn đến…20 người, rồi dự thi cũng ít môn, phân môn hơn (6/60 so với 9/40), đồng thời giành nhiều hơn số lượng HCB (cũng 7 HCV và 8 HCĐ nhưng có đến…11 HCB). Điều này cho thấy, nếu các VĐV Bến Tre được chút may mắn trong 11 “trận chung kết” ấy để có thể đổi màu thêm thành một số HCV, thứ hạng chung cuộc tại Đại hội này của đoàn thể thao tỉnh nhà chắc chắn sẽ khác (hạng 20 là Bình Thuận 10 HCV, 21 là Bình Dương 10 HCV (kém hơn số HCB), 22 là Bắc Ninh 9 HCV).
Tuy nhiên, có một thực tế đã bị bỏ sót cần được nhìn nhận nghiêm túc để có cách đánh giá đúng đắn nhằm vạch ra chiến lược phát triển khách quan, khoa học, từ đó xây dựng hợp lý kế hoạch hướng tới ĐH lần thứ VII-2014: đó là Bến Tre đã từng đăng ký dự thi đến 9 môn (trước vòng chung kết tại Đà Nẵng, xin rút không dự hai môn Bóng chuyền nam trong nhà và Bơi lội) nhung cuối cùng dự…7 môn chứ không là 6 như đã thống kê (có dự thêm môn Cờ Vua vào tháng 9/2010 tại TPHCM, nhưng không có HC). Thế nên, tuy cho rằng tham dự ít môn, phân môn và số VĐV hơn nhưng lại đạt một số kết quả không kém kỳ ĐH lần V-2006 nhưng cũng phải thấy rằng, thực lực hiện tại của thể thao Bến Tre chỉ đến thế và dù muốn có thêm, tất nhiên cũng chẳng thể.
Các con số chỉ tiêu ở Đại hội VII -2014: hiện thực hay sẽ “nhảy múa”?
Phân tích các số liệu cho thấy, thể thao Bến Tre bị hụt mất 1 HCV so với chỉ tiêu đăng ký tại ĐH lần VI-2010 là còn may mắn. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất phải kể đến là kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham dự ĐH lần VI trong 3 năm (2008-2010) đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2007, nhưng bị phá sản hoàn toàn từ trong “trứng nước” (do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu). Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, đoàn thể thao Bến Tre đã hoàn thành tốt phần việc của mình.
So với chỉ tiêu kế hoạch đã được điều chỉnh, nếu chỉ mỗi môn Judo xuất sắc vượt 1 HCV (3/2), Cờ Vây giữ nguyên (1/1) và bất ngờ từ môn mới Canoeing mang về (1/0), thì hai môn chủ lực trước nay của Bến Tre là Vovinam (1/2) và Điền kinh (1/2) lại giảm 1 HCV.
Và để chuẩn bị cho kỳ ĐH lần VII 4 năm tới, tuy chưa thể đề ra con số chỉ tiêu HCV cụ thể nhưng theo phương hướng Bến Tre sẽ tham dự từ 10 đến 12 môn, phân môn và phấn đấu xếp hạng 20 đến 22 toàn Đại hội. Tuy đây chỉ là những cột mốc mang tính dự báo nhưng nếu xét theo mặt bằng trình độ của các đơn vị, để đạt được điều ấy thật không dễ dàng bởi chí ít thể thao Bến Tre phải đủ khả năng giành lấy trên…10 HCV. Tính thời điểm này thì quá khó!
Trước hết có thể thấy, tuy là môn đem “Vàng” về nhiều nhất ở ĐH này nhưng theo HLV lão làng Trần Văn Báo - nay tròn 70 tuổ, người đã hơn 40 năm lăn lộn với nghề, thì dù ông đăng ký chỉ tiêu môn Judo là 1 HCV nhưng điều này còn phụ thuộc vào…độ may rủi, bởi hai tuyển thủ gạo cội là Nguyễn Thị Kiệu và Nguyễn Quốc Hùng đã lớn tuổi nên vừa giải nghệ và như thế, khả năng lên ngôi vô địch 3 năm tới tại ĐHTDTT lần VII đặt lên vai hai võ sĩ trẻ Bến Tre hiện đang khoác áo đội dự tuyển QG là Nguyễn Thị Thanh Vân (hạng cân 63kg nữ) và Đinh Quốc Lộc (hạng 81kg nam) là rất thấp, chỉ khoảng…40% cơ hội!.
Cứ giả như Cờ vây ổn định thành tích từ 1 đến 2 HCV, thì hai môn còn lại tiếp tục tạo những “nỗi lo”: Vovinam sau khi hàng loạt nữ võ sĩ xuất sắc từng lên ngôi VĐQG năm 2007 như Phan Thị Ngọc Hân, Phạm Thị Trà Giang, Nguyễn Thị Thái Hà, Nguyễn Thị Cúc, Trần Thị Hồng Nhung, người thì lập gia đình hay lý do gia cảnh khó khăn đã xin nghỉ thi đấu, số còn ở lại thi vướng chấn thương dai dẳng, trong khi chủ nhân chiếc HCV duy nhất ở nội dung hội diễn của môn này là VĐV Nguyễn Hoàng Tấn (SN 1986) không hiểu có đủ sức tái lập thành tích hay không. Thế nên khi đượcc hỏi về chỉ tiêu môn Vovinam ở ĐH lần VII-2014, HLV Phan Hoàng Tân chỉ tiết lộ một cách lấp lửng: “Chúng tôi đăng ký 2 HCV, nhưng giờ đây không biết là ai trong số các em hiện có!”. Tương tự, sau khi kỷ lục gia nhảy cao nam Nguyễn Duy Bằng rút lui, HLV Phan Văn Hiếu chỉ còn trông cậy vào kỷ lục gia Nguyễn Trường Giang (SN 1982) vì theo ông, dù xấp xỉ tuổi 30 nhưng cũng sẽ khó có người vượt qua được Trường Giang ở nội dung ném lao nam.
Để có thể tiến lên một cách vững chắc và….trong tầm kiểm soát!
Bên cạnh khó khăn chung khi một số VĐV chủ chốt ở những môn từng là mũi nhọn của thể thao Bến Tre nay có dấu hiệu bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp do gánh nặng của tuổi tác, thuận lợi đầu tiên có thể thấy là hầu hết những môn do Bến Tre đã và đang đầu tư xây dựng đều nằm trong nội dung thi đấu Olympic, sẽ được “khoanh vùng” để tổ chức ở kỳ ĐH lần VII-2014, thì hiện thể thao tỉnh nhà đã có thêm những tín hiệu đáng lạc quan từ các nhân tố mới xuất hiện.
Xây dựng lực lượng được 3 – 4 năm, nay Canoeing đã có “Vàng” đầu tiên (cùng 1 HCB và 3 HCĐ) của ĐH lần VI-2010 và với tiềm năng của con người cùng điều kiện tập luyện thuận lợi ở vùng sông nước, Bến Tre hoàn toàn có hy vọng sẽ bội thu ở kỳ ĐH tới. Đó là chưa kể đến “chiêu” ém thông tin của HLV Phan Văn Hiếu khi ông vẫn đang miệt mài đào luyện hai tài năng trẻ Võ Hoàng Phương (SN 1987, thành tích nhảy cao 2,06m)) và Phạm Thị Diễm (SN 1990, thành tích 1,79m). Bởi từ nay đến năm 2014, một khi có thêm kinh nghiệm thi đấu để đủ ‘độ chín”, chẳng biết điều kỳ diệu gì sẽ đến vì lúc đó, nhiều khả năng cả Võ Hoàng Phương và đặc biệt là Phạm Thị Diễm sẽ không có đối thủ ở nội dung nhảy cao tại ĐH.
Xét cho cùng, điều cần nhất cho Thể thao Bến Tre trong thời điểm này có lẽ là cần sự quan tâm thường xuyyên của lãnh đạo các cấp, thể hiện bằng các chủ trương cụ thể, tránh đầu tư tràn lan, dàn trải theo diện rộng kém hiệu quả. Các giải pháp đề ra phải xuất phát vì lợi ích toàn cục để có thể tạo nên một “cú hích” thật sự, giúp cho “con tàu” Thể thao Bến Tre sớm được khởi động, “chở” đúng trọng tải cần thiết để có thể đạt tốc độ tối đa và đi đúng định hướng.
Quỹ thời gian gần 4 năm đến kỳ Đại hội lần thứ VII – 2014 dành cho Thể thao Bến Tre chẳng phải quá dài nếu ngay từ bây giờ, các phía có trách nhiệm chưa có cái nhìn đúng đắn về bản chất vấn đề và quan trọng hơn, rất cần sự chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp trong khả năng bằng sự tự thân vận động, gạt bỏ tư tưởng ỷ lại, chủ quan, chờ dịp “đến hẹn lại lên” với tâm trạng hồi hộp đón cái “may” ở tận đâu đâu, bất chơt…đổ ập về nhiều hơn điềm “rủi”.
Thanh Tùng