Nhiều thành tựu...
Minh chứng rõ nét cho sự tiến bộ của thể thao thành tích cao là số lượng huy chương mà thể thao Việt Nam giành được trên đấu trường thể thao quốc tế. Nếu như năm 2007, số lượng huy chương mà các VĐV giành được ở các giải đấu quốc tế chỉ khiêm tốn với 440 huy chương (182 HCV, 118 HCB, 140 HCĐ), năm 2008 với 475 huy chương (193 HCV, 145 HCB, 137 HCĐ) thì đến năm 2012 con số đó đã tăng lên tới 836 huy chương (322 HCV, 277 HCB, 123 HCĐ).
Thành tích của TTVN tại các giải quốc tế từ năm 2007 đến 2012
Năm 2007: 440 huy chương (182 HCV, 118 HCB, 140 HCĐ)
Năm 2008: 475 huy chương (193 HCV, 145 HCB, 137 HCĐ)
Năm 2009: 922 huy chương (410 HCV, 269 HCB, 234 HCĐ). Đây là năm diễn ra SEA Games 25 tại Lào và Đại hội thể thao trong nhà lần thứ III tại Việt Nam.
Năm 2010: 588 huy chương (210 HCV, 199 HCB, 179 HCĐ).
Năm 2011: 808 huy chương (292 HCV, 267 HCB, 241 HCĐ)
Năm 2012: 836 huy chương (322 HCV, 277 HCB, 123 HCĐ)
Năm 2013: (tính đến hết 6/7); TTVN giành được 175 HCV, 135 HCB và 121 HCĐ
|
Ở các đấu trường thể thao quốc tế lớn như SEA Games, đoàn thể thao Việt Nam giữ vững vị trí Top 3 toàn đoàn với số lượng huy chương ngày càng tăng. Nếu tại SEA Games 15 - 1989, đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được 19 huy chương (3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ) thì ở SEA Games 25 tại Lào, Việt Nam đã vươn lên xếp vị trí thứ 2 toàn đoàn, với 83 HCV, 75 HCB, 57 HCĐ. Gần đây nhất, tại SEA Games 26 ở Indonesia, số lượng huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tăng lên với 96 HCV, 92 HCB, 100 HCĐ.
Trên các đấu trường thể thao châu lục và thế giới, năm 2000, tại TVH Olympic Sydney, Thể thao Việt Nam lần đầu tiên giành được tấm HCB Olympic, xếp hạng 64 trên tổng số 197 quốc gia tham dự. Tiếp đó, ở Olympic Bắc kinh 2008, đoàn TTVN cũng giành được 1 HCB, xếp vị trí thứ 71 và tại TVH Olympic và Paralympic Luân Đôn 2012, TTVN có tổng số 31 VĐV đạt chuẩn chính thức tham dự TVH (trong đó có 18 VĐV đạt chuẩn Olympic và 11 VĐV đạt chuẩn Paralympic). Đây cũng là kỳ TVH mà Thể thao Việt Nam giành được nhiều suất tham dự chính thức nhất từ trước tới nay.
Công tác đào tạo, huấn luyện VĐV (yếu tố quan trọng để nâng cao thành tích của các VĐV trên đấu trường thể thao quốc tế) các tuyến từ Trung ương đến địa phương được duy trì có nề nếp, đảm bảo chất lượng chuyên môn, các tỉnh đã xây dựng và tổ chức tốt các tuyến đào tạo VĐV. Hiện cả nước có khoảng 20 nghìn VĐV, trong đó có 14 nghìn VĐV (con số này năm 1994 là 4 nghìn VĐV) từ tuyến năng khiếu tập trung đến tuyến đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội dự tuyển quốc gia và 6 nghìn VĐV đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Hàng năm, Tổng cục TDTT tổ chức tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG khoảng 1900 lượt VĐV các đội tuyển quốc gia và trên 850 lượt VĐV các đội tuyển trẻ quốc gia.
...nhưng đầy rẫy khó khăn
Có thể nói, con đường tiếp cận châu lục và thế giới của thể thao thành tích cao vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức khi thành tích các môn thể thao trong chương trình Olympic còn thấp so với khu vực, châu lục và thế giới. Lực lượng VĐV còn mỏng, trình độ không đồng đều, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ HLV còn có khoảng cách khá xa so với các nước có nền thể thao tiên tiến.
Hiện định mức phân bổ ngân sách ở vùng đô thị là 10.770 đồng/người dân/năm, vùng đồng bằng là 8.060 đồng/ngườidân/năm, miền núi, vùng đồng bằng dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 11.280 đồng/ngườidân/năm, vùng cao, hải đảo là 15.280 đồng/ngườidân/năm. |
Trong khi đó, kinh phí dành cho đào tạo VĐV còn hạn hẹp; chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV vẫn còn bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền thưởng, chính sách hướng nghiệp,... điều này đã dẫn đến tình trạng không thu hút được các tài năng thể thao cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Bên cạnh đó, định mức phân bổ chi cho sự nghiệp TDTT ở Trung ương và địa phương còn thấp, trong khi đó yêu cầu đòi hỏi về thành tích thể thao và sự nghiệp phát triển TDTT ngày càng cao.
Không những thế, hệ thống các cơ sở huấn luyện thể thao thành tích cao còn thiếu thốn, lạc hậu và bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và y học thể thao trong đào tạo VĐV, nhất là VĐV có trình độ cao còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu.
10 môn trọng điểm loại 1: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Taekwondo, Vật (hạng cân nhẹ), Bắn súng, Karatedo, Boxing (nữ), Cầu lông, Bóng bàn
22 môn thể thao trọng điểm loại 2: Bóng đá, Bóng chuyền, Judo, Wushu, Cầu mây, Đấu kiếm, TDDC, Pencak Silat, Bắn cung, Xe đạp, Cờ vua và Cờ tướng, Bi sắt, Lặn, Bóng ném, Khiêu vũ thể thao, Sport Aerobic, Quần vợt, Thể hình, Canoe-Kayak, Rowing, Billiard-Snooker và Vovinam.
|
Trước những khó khăn và thách thức của thể thao thành tích cao nước nhà, ngành TDTT đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới. Hiện, Tổng cục TDTT đang triển khai việc đào tạo, huấn luyện theo hướng trọng điểm, trọng tâm. Trong đó, xác định rõ những môn thể thao trọng điểm và tập trung đầu tư cho những VĐV trọng điểm. Giải pháp này đã phần nào mang lại những kết quả tốt cho thể thao thành tích cao nước nhà khi một loạt VĐV trẻ được đầu tư trọng điểm đã giành được nhiều thành tích cao trên đấu trường thể thao châu lục và thế giới, điển hình như: kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên,...
Song song với đó, sẽ từng bước nâng chế độ đãi ngộ hợp lý đối với lực lượng HLV, VĐV và tăng cường hơn nữa tính thống nhất của hệ thống đào tạo tài năng thể thao từ công tác tuyển chọn, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao,... từ trung ương tới địa phương để thu hút nhiều hơn nữa các tài năng thể thao, nâng cao thành tích thi đấu, đưa thể thao Việt Nam tiếp cận châu lục và thế giới.
KC