Menu

Thiếu sân chơi thể thao dành cho sinh viên

Thiếu sân chơi thể thao dành cho sinh viên

04 Tháng Giêng 2010

Thiếu sân chơi thể thao dành cho sinh viên

 

TDTT là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với tất cả mọi người, bởi lẽ TDTT không chỉ nâng cao sức khoẻ con người mà còn giúp cho tinh thần thêm sảng khoái. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do nên hiện nay vấn đề "đất" dành cho thể dục thể thao còn nhiều vấn đề bất cập, điển hình là đất dành cho sinh viên tham gia các hoạt động TDTT còn quá ít. Hay nói chính xác hơn sân vui chơi thể thao dành cho sinh viên tại Ký túc xá (KTX) của các trường Đại học, Cao đẳng….trên địa bàn Hà Nội chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu luyện tập thân thể và hoạt động TDTT của sinh viên.

 

 

Thực tế này không chỉ dừng lại ở con số 1 hoặc vài mà  lên tới con số hàng chục. KTX sinh viên những năm gần đây cơ sở vật chất đã khang trang và hiện đại hơn so với nhiều năm trước. Ngoài phòng đọc, thư viện... KTX còn có cả sân vui chơi thể thao dành riêng cho sinh viên. Nói là sân vui chơi thể thao có vẻ “sang” nhưng trên thực tế thì những sân thể thao này chỉ vẻn vẹn với diện tích khiêm tốn từ 700 - 800 m2,  thậm chí  còn nhỏ hơn. Trong khi đó, ở hầu hết KTX các trường Đại học, Cao đẳng đều có số lượng sinh viên cư trú rất lớn. Điển hình như: KTX Trường Đại Học XDHN chỉ rộng vài trăm mét, nhưng có tới gần 3.000 sinh viên cư trú. Khấm khá hơn có sân tập của Trường Đại học Hà Nội, Đại học Thuỷ lợi nhưng số lượng sinh viên cũng tăng theo tỷ lệ thuận so với diện tích sân tập. Bên cạnh đó, một số ít trường có SVĐ, Nhà thi đấu...  đủ phục vụ cho một lượng người tương đối lớn tham gia chơi, luyện tập, cổ vũ. Song các công trình này có đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hay không? thì chưa ai dám chắc.

Diện tích các sân tập thể thao của nhiều trường quá nhỏ so với một lượng sinh viên quá đông đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các môn thể thao mà họ tham gia tập luyện, không phát huy được tác dụng mà thậm chí còn ngược lại. Vậy nguyên nhân do đâu? Đó mới chỉ là khảo sát qua bằng trực giác, còn thực tế lại chứng minh rất rõ cho sự khiêm tốn, chật hẹp ấy. Vào giờ cao điểm (17h00) hàng ngày, nhất là vào mùa hè nắng nóng sân tập đến nghẹt thở vì người, người chen nhau từng thước đất, chỗ đá bóng, chỗ đá cầu, chỗ chơi cầu lông...

Tôi được chứng kiến một tình huống không biết nên vui hay buồn: "Buổi chiều hè oi bức, nhưng sân chơi thể thao của trường Đại học X vẫn rất đông, có nhóm sinh viên đang chơi đá cầu. Quả cầu được truyền từ người này sang người kia một cách nhịp nhàng, bỗng nhiên nó vụt tung ra xa, theo phản xạ một sinh viên nam tên D đã dơ cao chân để đỡ không cho cầu rơi xuống đất. Cú tung chân của D tưởng đẹp ai ngờ cầu đâu không trúng lại trúng đúng vào đầu bạn gái đang chơi bóng ném cách sau lưng mình chưa đầy hai thước. Chưa hiểu sự tình thấy bạn mình bị đau, nam sinh viên T xông vào, lời qua tiếng lại thế là ẩu đả xảy ra, kết quả hai sinh viên đó đã bị đuổi học vì tội cố ý gây thương tích.Và còn nhiều câu chuyện tương tự như vậy xảy ra mà người viết không thể kể hết được, chỉ tiếc rằng động cơ để dẫn đến kết quả ấy lại xuất phát từ chính lòng yêu thích thể thao, hăng say tập luyện cho cơ thể khoẻ mạnh. Từ có ý thức cá nhân trở thành vô ý thức, phi văn hoá , từ vui chơi lành mạnh trở thành thiếu lành mạnh...

 

Tuổi trẻ hăng say học tập, rèn luyện, vui chơi có ích, có sức khoẻ mới có trí tuệ tinh thông. Sự kết hợp hài hoà giữa học tập và rèn luyện thân thể là vô cùng cần thiết. Để sinh viên Việt Nam phát triển một cách toàn diện cả về trí tuệ và thể lực thì những điều kiện, cơ sở vật chất như: sân tập, các dụng cụ tập luyện tại KTX các trường Đại học phải đủ đáp ứng với nhu cầu tập luyện của sinh viên. Như vậy, là đã góp một phần vào việc nâng cao trí tuệ và tầm vóc con người Việt Nam.

 

Nguyệt Hương

Print

Số lượt xem (1948)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.