Menu

Thời xa vắng nhìn từ Cúp bóng chuyền Mikasa 2004(08:27 03/11/2004)

Thời xa vắng nhìn từ Cúp bóng chuyền Mikasa 2004(08:27 03/11/2004)

28 Tháng Chín 2009

Thời xa vắng nhìn từ Cúp bóng chuyền Mikasa 2004(08:27 03/11/2004)

Sự xuống dốc, giải thể của không ít đội bóng chuyền tại VN khiến cho tương lai của các VĐV không được đảm bảo, nhanh chóng lụi tàn.

Nếu như trước đây, những tên tuổi lẫy lừng của bóng chuyền nam VN như Võ Như Lăng, Trần Minh Khang, Trương Hữu Vinh, Cao Xuân Thái... vẫn trường chinh trên sàn đấu dù đã bỏ lại sau lưng độ tuổi 30 một khoảnng cách khá xa thì giờ đây những tay đánh trẻ lại ngày càng rút ngắn tuổi thọ nghề của mình. Đó là những Châu Văn Lễ, Nguyễn Văn Hùng... đã vội chia tay với sàn đấu ngay cả khi chưa kịp đạt độ chín dù tài năng họ có thừa để trở thành những ngôi sao lớn của bóng chuyền VN. Một số chưa chia tay với nghề cũng nhanh chóng lụi tàn trên sàn đấu.

Ai có ngờ một Triệu Duy Lương, chủ công khét tiếng một thời của đội CATP.HCM và cả tuyển VN giờ chỉ còn là cái bóng trong vị trí libero sau một chấn thương ở gối. Một Hòai Bảo sáng chói của Bưu Điện TP.HCM ngày nào giờ quá lặng lẻ trên mặt sân... Độ dài tuổi thọ nghề nghiệp của các VĐV bóng chuyền ngày càng giảm trong khi độ tuổi chơi bóng của môn thể thao này thường dài hơn bóng đá. Những người đam mê môn bóng chuyền khẽ khàng bật ra lời than thở và cũng là câu hỏi: Sao thế?

Cuộc sống. Sự nghiệt ngã bắt đầu từ chỗ ấy. Việc hàng lọat đội bóng chuyền đã giải thể trong thời gian qua như Seaprodex, Dệt Thành Công... đã và đang là cú đấm mạnh vào sự đam mê nghề nghiệp của những VĐV trẻ. Nếu như ngày xưa những Trần Minh Khang, những người được định nghĩa là "sinh ra để chơi bóng chuyền" hoàn toàn yên tâm đánh bóng đến khi giải nghệ thì giờ đây những VĐV trẻ vừa nhảy đập vừa ngoái nhìn tương lai với câu hỏi: Bao giờ thì đội bóng của tôi giải thể? Và sau đó chúng tôi sống bằng gì? Những câu hỏi họ đặt ra không phải vô cớ khi mà Lê Hồng Huy, thủ lĩnh của đội CATP.HCM và cũng là người có mức thu nhập nhất đội cũng chỉ vươn đến con số 2,8 triệu đồng/tháng... Ngó một chút sang bóng đá, đó chỉ là mức thu nhập của một cầu thủ hạng Nhì.

Tay đập của tuyển VN một thời khiến các cô gái Philippines ngây ngất ở SEA Games 16 nói: "Đã qua rồi cái thời người ta chỉ sống bằng nỗi đam mê trên sàn đấu. Nhiều học trò của tôi rất có năng khiếu để có thể trở thành những những ngôi sao nhưng họ đã từ chối cơ hội đó để vừa chơi bóng vừa đi học đại học để thủ thân... Phân thân như thế thì làm sao có thể kéo dài tuổi thọ trên sàn đấu được. Trách các em ư? Không , không thể khi quả bóng không thể là nguồn sống cho họ suốt đời".

Tổng thư ký LĐBCTP.HCM Nguyễn Huỳnh Điệp than thở: "Nhiều lúc tôi nghĩ thà rằng mất quân vì những nơi khác trả lương cao cho họ còn hơn là để các em sống hiu hắt trong một đội bóng lớn về tên nhưng nhỏ về tiềm lực tài chính... Đó là sự mâu thuẩn của tôi vì tôi là người chủ trương chống chảy máu VĐV do tác động tài chính từ những đội bóng có tiền nhưng chỉ muốn có VĐV giỏi theo kiểu "ngắt ngọn" từ vuờn cây của người khác. Nhưng không có những cuộc chuyển nhượng mà thu nhập của VĐV gia tăng đáng kể thì làm sao có được những người sẵn sàng chọn bóng chuyền làm cánh cửa vào đời... Thôi thì đành để cho quy luật của cuộc sống quyết định...".

Và khi những tài năng chưa kịp phát tiết tinh hoa đã rời cuộc chơi thì điều gì sẽ đến cho bóng chuyền VN? Một câu trả lời: Tôi đã cố căng mắt tìm suốt trong các trận đấu ở cúp Mikasa 2004 nhưng vẫn không thể nào tìm ra một quả đập 3m của Trần Minh Khang (QĐ4), Nguyễn Tuấn Mạnh (CLBQĐ), Lê Hồng Hảo (Seaprodex)... ngày xưa. HLV Trần Minh Khang nói: "Quả đánh đó rất khó bởi nó không chỉ đơn thuần là sức mạnh và còn là khả năng phán đoán cũng như thực hiện chuỗi động tác chính xác... Và chưa hết, đó còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn với một tay chuyền hai vừa giỏi vừa hiểu lối đánh của mình đến tận chân tơ kẽ tóc...". Khó thật khi biết bao giờ bóng chuyền VN mới có lại một đôi tay đưa bóng chính xác đến bất kỳ chỗ nào mình muốn như Phan Phước Điền của QĐ4 ngày xưa hay một Trần Minh Khang đập bóng bằng cái đầu chứ không chỉ bằng đôi tay... Nó lại càng xa vời hơn khi các VĐV bóng chuyền ngày nay không đủ sự kiên nhẫn và không đủ cả niềm tin để khổ luyện những miếng đánh khó như các đàn anh xưa kia...

Với những ông khổng lồ có chiều cao 2m, những dàn chắn 3 người ngày nay được xem là bất hoại đối với những pha tấn công trên lưới. Không nói đâu xa, chỉ cần tập trung dựng dàn chắn 3 ở những thời điểm căng thẳng nhất, CATP.HCM đã vượt qua QK5 với những tay đập dữ dội trên lưới bằng những quả chắn bóng. Vì thế xu hướng của bóng chuyền hiện nay là dùng những quả đập 3m để vô hiệu hóa khả năng phòng thủ trên lưới của đối phương. SEA Games 22 vừa qua, chưa thật nhuyễn lắm nhưng Thái Lan, Indonesia... đều có những tay đập phía sau vạch 3m. Trong khi các đội mạnh của VN gần như trắng ở miếng đánh này.

Đằng sau lời than về người, đó chính là nỗi lo cho bóng chuyền nam VN khi nhìn đến những giải đấu trong khu vực...

-Nguồn Internet-


Print

Số lượt xem (3924)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.