Menu

Thông tin tình hình tập luyện của đội tuyển bơi Việt Nam tại Mỹ

Thông tin tình hình tập luyện của đội tuyển bơi Việt Nam tại Mỹ

23 Tháng Ba 2012

Thông tin tình hình tập luyện của đội tuyển bơi Việt Nam tại Mỹ

Hai HLV Quảng và Tuấn cùng các VĐV đội tuyển Bơi Việt Nam tại nhà người quen (Ảnh: ĐTB)
Thay đổi địa điểm tập luyện để vì tiến bộ của các VĐV

Việc thay đổi địa điểm tập luyện từ trường Bolles sang hồ bơi Episcopal không phải do mâu thuẫn giữa các Chuyên gia người Mỹ với HLV người Việt, mà bởi các lý do sau. Trong thời gian đầu từ 01-31/1/2012, việc tập luyện của các VĐV tại trường Trung học Bolles tương đối phù hợp. Đây là giai đoạn để Chuyên gia làm quen với VĐV nên khối lượng và chương trình huấn luyện chung cho các VĐV Việt Nam và học sinh của trường tham gia tập luyện dưới giờ học ngoại khoá. Cụ thể, các VĐV Việt Nam chỉ tập 6 buổi/1 tuần vào các buổi chiều (giáo án chính); còn buổi sáng chỉ mang tính khởi động (thứ 2, 4,6).

Hết giai đoạn thử nghiệm của Chuyên gia, từ đầu tháng 2/2012, lượng vận động và kế hoạch tập luyện vẫn không thay đổi. Vì kế hoạch tập huấn không phù hợp cho VĐV chuyên nghiệp nên VĐV Việt Nam giảm sút về các tố chất thể lực như: sức bền, sức mạnh, kỹ thuật...  BHL đội tuyển đã có đề nghị Chuyên gia tăng thời gian tập luyện cũng như huấn luyện về thể lực. Tuy nhiên, đề nghị này không được phía Chuyên gia Mỹ chấp thuận.

Một lý do nữa là do trong thời gian đầu, HLV Việt Nam được cùng Chuyên gia Mỹ tham gia công tác huấn luyện trên hồ bơi và dịch thuật giáo án cho VĐV. Tuy nhiên, từ ngày 5/2/2012, các HLV Việt Nam không được phép vào khu vực hồ bơi (bởi theo quy định của Luật pháp Mỹ, nếu HLV không có giấy phép hành nghề thì sẽ không được đứng trên hồ bơi và nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí bị trục xuất về nước. Bên cạnh đó, do trường Bolles là trường Trung học nên có nhiều quy định riêng về luật giáo dục của Mỹ). Điều này đã gây tâm lý căng thẳng cho các VĐV Việt Nam, bởi trình độ tiếng Anh của các VĐV Việt Nam chưa đủ để hiểu hết giáo án của Chuyên gia.

Nhận thấy điều kiện ở Saint Augustine phù hợp hơn, BHL đã đề nghị Bộ môn cho phép đội chuyển sang tập luyện thử tại CLB trong những ngày không tập tại trường Bolles. Kết quả, sau 3 tuần tập thêm cùng CLB Saint Augustine các VĐV đã lấy lại được sự tự tin và có sự tiến bộ rõ rệt về mặt chuyên môn so với thời gian tập luyện tại trường Bolles . Trong đó, VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên có khả năng giành chuẩn B Olympic ở cự ly 200m ngửa. Chính vì vậy, BHL đã kiến nghị Bộ môn trình lãnh đạo Tổng cục cho phép đội tuyển được tập tại CLB Saint Augustine.

Những khó khăn mà đội tuyển gặp phải trong quá trình tập huấn tại trường Bolles khiến BHL phải có giải pháp để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn nên việc thay đổi địa điểm tập luyện là quyết định cần thiết và đúng đắn. Và Sự thay đổi địa điểm tập chỉ nhằm mục đích mang lại sự tiến bộ về thành tích chuyên môn cho VĐV, chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác.

VĐV đội tuyển Bơi Việt Nam không "tập chay"

Tại hồ bơi Episcopal của CLB Bơi  Saint Augustine - một CLB chuyên biệt về huấn luyện, không phải trường học phổ thôngchỉ cho phép cùng tập luyện dưới hình thức ngoại khoá như trường Bolles. Tại đây, các VĐV được tập 10 buổi/ tuần. Trong các buổi tập, các VĐV Việt Nam được sử dụng cả hồ bơi 10 đường bơi 50m trong thời gian sáng từ 7h-11h và buổi chiều từ 14-20h (Trong khi ở trường Bolles, 6-8 VĐV được tập trên 1 đường bơi, đồng thời phải tập từ 5h30 - 7h00 sáng để cho các học sinh đi học). Đáng nói là khi tập ở hồ bơi Episcopal, các HLV Việt Nam được phép đứng trên hồ bơi tham gia công tác huấn luyện và phiên dịch cho VĐV (điều này là nhờ vào sự bảo lãnh của HLV trưởng CLB Frank)

Tại hồ bơi Episcopal, khi đội tập luyện chung với các đội tuyển Saint Augustine, 2 Chuyên gia là HLV thể lực là ông Lee Lawrence (63 tuổi, thạc sỹ y học thể thao, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm huấn luyện trong Hải quân Mỹ về bơi lội) và HLV trưởng Frank Hollemen luôn tận tình trao đổi, góp ý, sửa lỗi kỹ thuật cho các VĐV Việt Nam và thông qua giáo án tập luyện để HLV Việt Nam huấn luyện trực tiếp.

Kể từ khi đội tuyển Bơi sang Mỹ tập huấn, cơ quan quản lý nhà nước và Liên đoàn Bơi Lặn Việt Nam luôn được cập nhật thông tin và báo cáo về chuyên môn từ phía đội tại Mỹ và có những chỉ đạo cho các thành viên đội tuyển nỗ lực khắc phục những khó khăn về thời tiết, khí hậu, điều kiện sinh hoạt... và đặc biệt là phải nỗ lực nâng cao tính "chuyên nghiệp" trong quá trình tập huấn tại Mỹ.

Các cơ quan quản lý nhà nước ngành TDTT, Hiệp hội Bơi Lặn Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người hâm mộ thể thao đối với quá trình tập huấn của đội tuyển tại Mỹ và hy vọng các VĐV đội tuyển Bơi quốc gia cùng các HLV nỗ lực hết mình để đạt được thành tích cao nhất.

Trong khi thực hiện bài viết này, người viết nhận được thông tin ông Đinh Việt Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Bơi Lặn Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục sang Mỹ để ổn định tình hình và kiểm chứng các thông tin trái chiều nhằm ổn định quá trình tập huấn của đội tuyển. Chúng tôi sẽ có những thông tin chi tiết về tình hình của đội tuyển sau chuyến đi làm việc của ông Hùng.

Qua sự việc trên, cho thấy công tác chuẩn bị cho đội tuyển Bơi quốc gia đi tập huấn ở nước ngoài là chưa "chuyên nghiệp". Bởi do chưa có sự khảo sát, tìm hiểu kỹ càng về các vấn đề như: các quy định cụ thể của địa điểm tập luyện cũng như luật pháp của nước sở tại nên việc tập huấn của đội tuyển đã không như dự kiến ban đầu.

Và quan trọng hơn nữa, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là ngoài việc đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, các HLV còn cần phải trang bị cho các VĐV về ngoại ngữ và khả năng thích nghi với điều kiện sống. Đây cũng chính là bài học không chỉ của riêng đội tuyển Bơi Việt Nam mà còn là bài học chung với tất cả các đội tuyển khác khi đi tập huấn nước ngoài.

VD

Print

Số lượt xem (1593)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.