|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang) |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kiên Giang cho biết về công tác văn hoá, thể thao và du lịch của địa phương, trong đó đặc biệt là việc triển khai thực hiện các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá bao gồm: dự án đầu tư di tích đền thờ họ Mạc; Bảo tồn và phát triển ấp văn hoá truyền thống dân tộc Khmer; Dự án tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc giai đoạn I. Theo kế hoạch, cả 3 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Bên cạnh những dự án đã, đang triển khai thực hiện, Kiên Giang cũng xây dựng một số dự án mới như: Thư viện tỉnh; dự án bảo tồn, nâng cấp và phát huy giá trị di sản văn hoá di tích và Lễ hội Nguyễn Trung Trực; Dự án bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử U Minh Thượng; Trung tâm Văn hoá, Thể thao huyện Vĩnh Thuận; Trung tâm Văn hoá, Thể thao huyện Gò Quao.
Cùng với đó, Kiên Giang cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở du lịch, trong đó, tập trung vào một số dự án mới: Công viên Văn hoá An Hoà giai đoạn II; đường quanh núi hòn me; Hệ thống báo hiệu hàng hải trên tuyến luồng vào và vũng quay tàu tại cảng Bãi Vòng; dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh Kiên Giang.
Trước những đề xuất kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng như các thành viên dự họp cơ bản ủng hộ về mặt chủ trương, nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho các dự án trong chương trình mục tiêu về văn hoá năm 2013 cũng cần phải có sự tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2013, Kiên Giang cần tập trung ưu tiên những dự án chuyển tiếp từ năm trước, đặc biệt là dự án tu bổ di tích lịch sử cách mạng, trong đó có dự án Nhà tu bổ tôn tạo khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng giao Cục Di sản Văn hoá nghiên cứu đề xuất của tỉnh nâng cấp di tích Đền Hùng (ấp Đông Bình, huyện Tân Hiệp) trở thành di tích cấp quốc gia. Bởi đây là ngôi đền thờ lâu đời (từ 1957) và duy nhất ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc nâng cấp di tích lịch sử này mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân được thờ cúng các Vua Hùng và nhớ về cội nguồn Đất tổ.
VD