Menu

Thực trạng công tác đào tạo của các trường trực thuộc Bộ VH,TT&DL

Thực trạng công tác đào tạo của các trường trực thuộc Bộ VH,TT&DL

11 Tháng Bảy 2011

Thực trạng công tác đào tạo của các trường trực thuộc Bộ VH,TT&DL

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật, TDTT và du lịch được chú trọng tạo sự chuyển biến mới trong sự nghiệp phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và của toàn xã hội, theo kịp yêu cầu phát triển VH,TT&DL theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, chất lượng đào tạo tại các trường ngày càng được khẳng định giúp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của ngành phát triển mạnh mẽ.

Tự hào với những kết quả đạt được...

Số cơ sở đào tạo, quy mô, ngành nghề, cơ cấu đào tạo ngày càng tăng. Cơ sở đào tạo ngày càng phát triển, phân bố theo 3 khu vực lớn trên phạm vi cả nước và tương đối hợp lý theo vùng miền, cơ cấu nghề nghiệp. Trong 5 năm trở lại đây, quy mô đào tạo của các trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch  trực thuộc Bộ ngày càng được mở rộng, tăng dần về số lượng. Hoạt động đào tạo phong phú và đa dạng: đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, liên kết. Một số trường bước đầu áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Theo số liệu thống kê, kỳ thi tuyển sinh của các trường trực thuộc Bộ trong năm 2010 là 43.555 học sinh, sinh viên (văn hóa nghệ thuật tuyển 14.720 học sinh, sinh viên, TDTT tuyển 6.835 và du lịch tuyển 18.000 học sinh và 4.000 sinh viên). Các trường hàng năm tuyển được 60 -70% số chỉ tiêu, thời gian học trung bình 3 năm thì quy mô đào tạo văn hóa nghệ thuật, TDTT và du lịch trong toàn quốc sẽ khoảng 85.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, các trường trực Bộ tuyển sinh được 22.276 học sinh, sinh viên (văn hóa, nghệ thuật tuyển 7.729 học sinh, sinh viên, TDTT tuyển 3.338 sinh viên và du lịch tuyển 11.209 học sinh, sinh viên) chiếm khoảng 51, 1% trên toàn quốc.

Hiện nay trực thuộc Bộ VH,TT&DL có 11 cơ sở đào tạo sau Đại học: khối văn hóa nghệ thuật có 14 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 8 ngành đào tạo Tiến sĩ. Trong 20 năm qua khối VHNT đã đào tạo 1557 Thạc sĩ và 101 Tiến sĩ. Khối TDTT đào tạo được 906 Thạc sĩ và 66 Tiến sĩ. Quy mô đào tạo sau đại học ngày càng tăng, năm 2010 tuyển sinh sau Đại học đạt 602 học viên, bao gồm 540 cao học viên và 62 nghiên cứu sinh. Trong đó, khối văn hóa nghệ thuật tuyern 278 cao học viên, 47 nghiên cứu sinh, khối TDTT tuyển 262 cao học viên, 15 nghiên cứu sinh. 

Về cơ cấu ngành nghề đào tạo: Hiện nay về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có 24 ngành đào tạo ở trình độ trung cấp, 33 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 37 ngành đào tạo trình độ đại học, 14 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 8 ngành đạo tạo trình độ tiến sĩ. TDTT 4 ngành, 35 chuyên ngành và du lịch 55 ngành, 123 chuyên ngành.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại được tăng cường: mỗi năm có khoảng gần 1.000 công chức, viên chức thuộc ngành VH,TT&DL được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp và trung cấp; kiến thức quản lý nhà nước, tin học và ngoại ngữ ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thông qua các hội thảo, tập huấn, trại sáng tác, luyện tập nhân lực của ngành cũng được bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành. Các cơ sở đào tạo đã liên kết với các doanh nghiệp, sử dụng các doanh nghiệp, sử dụng các đào tạo viên tại chỗ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lao động tại chỗ.

Đặc biệt, chú trọng trong công tác phát hiện năng khiếu, tài năng: Các cơ sở đào, dưới sự hướng dẫn của Bộ và phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi, giải thi đấu, liên hoan, trại sáng tác, hội khỏe Phù Đổng... mang tính cơ sở, địa phương, bộ, ngành, khu vực và thế giới đã phát hiện các năng khiếu, tài năng về nghệ thuật, thể thao và du lịch để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng.

Đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học ngày càng được chú trọng, tăng cường: Hệ thống các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật thể thao và du lịch được đầu tư với số vốn ngày càng tăng để nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện dạy và học theo đặc thù từng chuyên ngành. Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn  kết với đào tạo. Hầu hết các trường trực thuộc Bộ đều làm tốt công tác xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng thu được hiệu quả nhất định, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên, giáo viên trong giai đoạn mới.

...Thẳng thắn nhìn ra những hạn chế...

Bên cạnh những thành tích đã đạt được kể trên, công tác đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch vẫn còn biểu hiện một số những điểm còn hạn chế, đó là:

Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ trong những năm qua tuy đã phát triển nhưng năng lực đào tạo vẫn chưa đồng đều và chỉ tập trung ở 3 khu vực lớn. Hiện nay, số lượng giảng viên, giáo viên được gửi đi đào tạo tại các ngành, đặc biệt là năng khiếu tại các cơ sở nước ngoài gặp khó khăn vì chi phí đào tạo cao. Trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế dẫn đến việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài hoặc tham khảo các tài liệu hay tìm kiếm những suất học bổng đi thực tập, đào tạo nâng cao ở các cơ sở nước ngoài gặp khó khăn. Chương trình chậm đổi mới, giáo trình còn thiếu, chưa hoàn chỉnh, nhiều giáo trình không còn phù hợp, chưa chỉnh sửa, cập nhật. Điều đó gây ảnh hưởng đến tính thống nhất chuẩn mực trong hệ thống đào tạo từ các trường trung ương đến các trường địa phương. 

Chưa có sự gắn kết với các mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo cũng thiếu sự liên kết với nhau, tính liên thông trong đào tạo chưa cao, chủ yếu liên thông trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và TDTT. Liên thông giữa đào tạo nghề du lịch từ Cao đẳng lên Đại học chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nên còn vướng mắc.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của các trường tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, còn lạc hậu. Trong số 33 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH,TT&DL, hầu hết đã được đầu tư, xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây thêm cơ sở thứ 2... Nhưng, xét về mặt tỷ trọng , tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thực tế của các trường, nhất là các trường đào tạo nghệ thuật. Trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư hơn trước nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng cho đủ công tác giảng dạy vì các thiết bị với công nghệ hiện đại thường nhập khẩu, vì vậy các trường không thể liên tục thay đổi để học sinh, sinh viên có thể được làm quen và thực hành ngay trang thiết bị đó.

...những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện

Để công tác giáo dục, đào tạo của ngành VH,TT&DL đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Vụ Đào tạo Bộ VH,TT&DL đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện của các cơ sở đào tạo thông qua việc phát triển hệ thống chương trình, giáo trình, xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, học tập và nghiên cứu; Đồng thời, các trường trực thuộc Bộ phải đẩy mạnh việc xây dựng chuẩn đầu ra. Cam kết đào tạo và đánh giá người học theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng và công bố với xã hội. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Thực hiện các Đề án trong quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành VH,TT giai đoạn 2011 - 2020, quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 - 2020, chiến lược phát triển nhân lực VH,TT&DL 2011 - 2020 và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo VH,TT&DL 2011 - 2020;.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết (thông qua thành lập Hội đồng hiệu trưởng) các cơ sở đào tạo trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và ban thư ký, ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội tổ chức soạn thảo quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đào tạo; Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình liên kết ba nhà (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) trong công tác quản lý, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; Tăng cường đẩy mạnh hoạt động tự kiểm tra và kiểm tra, thanh tra đối với công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ. 

Hy vọng, với những nhiệm vụ cụ thể đã được đặt gia công tác giáo dục đào tạo tại các trường trực thuộc Bộ sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đặt ra, góp phần thúc đẩy đưa công tác giáo dục đào tạo của Bộ VH,TT&DL ngày càng tiến xa hơn và bước lên tầm cao mới.

N. Hương 

Print

Số lượt xem (3193)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.